Trước đó, nhiều nhóm hoạt động bảo vệ môi trường đã kêu gọi các cuộc biểu tình ở các thành phố trên khắp Brazil nhằm yêu cầu một hành động khẩn chữa cháy rừng.
Người dân Brazil biểu tình phản đối chính phủ phản ứng yếu ớt với thảm họa thiên nhiên |
Sắc lệnh của Tổng thống Jair Bolsonaro yêu cầu lực lượng quân đội tiến vào các khu bảo tồn thiên nhiên, lãnh thổ của người thổ dân bản địa và nhiều khu vực biên giới thuộc lâm phần lá phổi Hành tinh Amazon để tiếp cận các đám cháy, dập lửa.
Động thái của nhà lãnh đạo được đưa ra sau một loạt các tuyên bố đầy áp lực của các nhà lãnh đạo trên thế giới bày tỏ “quan ngại sâu sắc” với thảm họa thiên nhiên đang xảy ra tại quốc gia Nam Mỹ. Trong đó, tiêu biểu là các phát ngôn của các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Anh, Na Uy và Tổng Thư ký LHQ.
Thậm chí nhiều quốc gia còn thẳng thắn tố cáo ông Bolsonaro “tiếp tay” cho nạn phá rừng và đe dọa cắt khoản tiền đóng góp cho quỹ bảo tồn rừng Amazon, trị giá hơn 60 triệu USD.
Diện tích rừng Amazon ở Brazil bị cháy tăng đột biến kể từ khi ông Bolsonaro lên nắm quyền |
Diễn biến mới nhất, Ireland vừa tuyên bố sẽ không thông qua một thỏa thuận thương mại song phương với Brazil, chừng nào nước này không ngăn chặn được cháy rừng Amazon.
Còn Bộ trưởng Tài chính Phần Lan, quốc gia đang là Chủ tịch luân phiên liên minh châu Âu (EU) cũng kêu gọi các nước xem xét tiến tới cấm nhập khẩu thịt bò của nước này.
Thảm họa cháy rừng Amazon, lá phổi xanh của thế giới là nơi trú ngụ của khoảng 3 triệu giống loại động thực vật bản địa và là nơi sinh sống của khoảng 1 triệu thổ dân da đỏ. Ngoài ra còn có khoảng 20 triệu người dân Brazil cũng đang sinh sống trong các vùng đệm xung quanh.
Đợt cháy rừng kéo dài gần 20 ngày qua ở nhiều vùng thuộc Amazon chưa có dấu hiệu thuyên giảm do điều kiện gió mạnh gây khó khăn cho hoạt động cứu chữa. Theo Viện nghiên cứu không gian quốc gia Brazil (Inpe), diện tích rừng bị tàn phá mỗi phút còn lớn hơn 1,5 sân bóng đá. Khói bụi đã lan tận vùng ven biển Đại Tây Dương của Brazil và tràn sang các quốc gia láng giềng Peru, Bolivia và Paraguay.
Binh sỹ quân đội tiếp nước cho tê tê bị dạt ra khỏi rừng do mất nơi sinh sống |
Diện tích rừng mưa nhiệt đới Amazon lớn hơn cả châu Âu và bằng một nửa nước Mỹ được cho là cung cấp tới 20% lượng oxy cho bầu khí quyển trái đất, góp phần làm giảm tác động biến đổi khí hậu toàn cầu.