Chỉ còn 6 ngày nữa, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 sẽ có hiệu lực pháp luật. So với BLHS cũ, tại BLHS mới này, có 8 tội danh được bãi bỏ hình phạt tử hình là tội hoạt động thổ phỉ; Tội cướp tài sản; Tội hủy hoại công trình, cơ sở, phương tiện về an ninh quốc gia; Tội chống mệnh lệnh; Tội đầu hàng địch; Tội buôn bán, sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm và phụ gia thực phẩm; Tội tàng trữ trái phép chất ma túy và tội chiếm đoạt chất ma túy.
Riêng với hai tội tham ô và nhận hội lộ, tuy BLHS năm 2015 vẫn giữ án tử hình, nhưng có thêm những quy định mới là nếu sau khi bị kết án tử hình mà bị án chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản đã tham ô, nhận hối lộ, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm và lập công lớn, thì hình phạt từ tử hình sẽ được chuyển thành chung thân.
Như vậy, là những đối tượng phạm tội tham ô, nhận hối lộ, sau khi bị kết án tử hình, đã được Đảng và Nhà nước mở cho một sinh lộ. Quy định này nhằm động viên, khuyến khích những bị án về hai tội danh trên nộp lại những tài sản có nguồn gốc từ tham ô, nhận hối lộ vào ngân sách Nhà nước. Bởi thực tế, việc thu hồi những tài sản tham ô, nhận hối lộ, hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, và kém hiệu quả. Lợi dụng những kẽ hở của pháp luật, những kẻ tham nhũng, nhận hối lộ luôn luôn tìm cách tẩu tán tài sản có được do tham nhũng, nhận hối lộ.
Trong 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng, riêng số tiền tham nhũng bị phát hiện lên tới 60.000 tỷ đồng, tương đương với gần 3 tỷ USD. Một con số thật khủng khiếp, nếu so sánh với GDP cả nước chỉ khoảng 200 tỷ USD. Đó chỉ là những con số bị phát hiện. Còn hàng trăm hàng ngàn vụ tham ô, nhận hối lộ khác vẫn còn chìm trong bóng tối, mà con số chắc chắn lớn hơn con số 60.000 tỷ rất nhiều. 60.000 tỷ tiền tham ô, nhận hối lộ bị phát hiện, nhưng số tiền thu hồi được chỉ khoảng 5.000 tỷ, tức là chưa đến một phần mười. Rất nhiều vụ, số tiền tham ô lên tới hàng trăm tỷ, nhưng chẳng thu được một đồng nào, vì chúng đã bị tẩu tán hết.
Tuy nhiên, những quy định nói trên của BLHS mới vẫn khiến cho nhiều người dân chưa hài lòng. Bởi tiền tham ô là tiền của công, là mồ hôi, nước mắt của dân, không ai được biến thành của riêng, dù chỉ một đồng. Thế thì tại sao không quy định buộc kẻ tham ô phải nộp lại 100% số tiền có được do tham ô mới được thoát án tử hình, mà lại chỉ bắt nộp ba phần tư? Còn để lại một phần tư, tức là kẻ tham ô, nhận hối lộ vẫn còn nguyên tội đó, và điều đó cũng có nghĩa là vụ án vẫn chưa được giải quyết triệt để. Nhất là với những vụ án lớn, số tiền tham ô, nhận hối lộ lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, thì một phần tư được để lại cho bọn tham ô, nhận hối lộ đã là rất lớn.