| Hotline: 0983.970.780

Tham vọng mang tên Hằng Nga của Trung Quốc

Chủ Nhật 20/01/2019 , 13:15 (GMT+7)

Trung Quốc đã có phần vượt lên Nga và Mỹ khi trở thành nước đầu tiên hạ cánh thiết bị thám hiểm xuống nửa tối của mặt trăng.

13-52-04_1
Cảnh phóng tàu Hằng Nga-4

Chuyến hạ cánh thành công của tàu Hằng Nga-4 là một trong các nỗ lực trong tham vọng cạnh tranh, thậm chí là dẫn đầu, trong cuộc đua không gian của Trung Quốc.
 

Nửa tối của mặt trăng

Năm 2013, Trung Quốc đã cho hạ cánh tàu thám hiểm xuống mặt trăng và trở thành một trong ba nước chinh phục hành tinh này. Nửa tối của mặt trăng, tuy vẫn được chiếu sáng như nửa còn lại, nhưng không bao giờ được nhìn thấy từ trái đất.

Cho dù xuất phát muộn hơn vài thập kỷ trong cuộc đua vũ trụ, Trung Quốc nhanh chóng bắt kịp và co thể thách thức Mỹ trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, máy tính lượng tử và nhiều lĩnh vực khác.

“Chuyến thăm dò mặt trăng lần này cho thấy Trung Quốc đã đạt trình độ tiên tiến trong lĩnh vực khai thác khoảng không vũ trụ”, Chu Mạnh Hoa, giáo sư tại đại học Khoa học công nghệ Macau, người đã làm việc chặt chẽ với cơ quan hàng không vũ trụ Trung Quốc, nói với New York Times.

“Người Trung Quốc chúng tôi đã làm được việc mà người Mỹ thậm chí không dám thử”, ông nói.

Kế hoạch của Trung Quốc bây giờ là vận hành trạm vũ trụ thứ ba của họ vào năm 2022, sau đó đưa phi hành gia lên căn cứ trên mặt trăng cũng trong thập niên 2020 và phái tàu thám hiểm sao Hỏa, lấy các mẫu vật mang về trái đất.

Vùng lòng chảo mặt trăng nơi tàu thám hiểm của Trung Quốc vừa hạ cánh là nơi sâu nhất của hành tinh này, vì thế những thông tin thu thập được của chuyến đi có thể cung cấp cái nhìn cụ thể và sâu sắc hơn về nguồn gốc của mặt trăng cũng như diễn tiến của nó. Và một số nhà khoa học cho rằng có thể vùng lòng chảo xung quanh có thể rất giàu khoáng chất. Một chuyến thám hiểm thành công cũng có thể giúp Trung Quốc có vị thế tốt hơn nếu các hoạt động khai thác tài nguyên trên mặt trăng có thể thực hiện.

“Đây là một thành tựu quan trọng và mang tính biểu tượng”, nhà phân tích độc lập Namrata Goswami, thương xuyên viết về chủ đề không gian cho Viện Nghiên cứu Minerva của Bộ Quốc phòng Mỹ nói. “Trung Quốc coi lần hạ cánh này là bước đi đặt nền móng, bởi họ đang hướng tới các lần hạ cánh tiếp tới với phi hành gia xuống mặt trăng, bởi mục tiêu lâu dài là biến mặt trăng thành thuộc địa và sử dụng nguồn năng lượng to lớn của hành tinh này”.

13-52-04_2
Xe đổ bộ của Hằng Nga-4

Tiến sỹ Goswami nói nơi tàu thám hiểm của Trung Quốc vừa hạ xuống có thể trở thành một trạm tiếp nhiên liệu trong tương lai, giúp các chuyến thám hiểm đi xa hơn.

Trong chuyến thám hiểm vừa rồi, tàu Hằng Nga -4 đã hạ cánh xuống Von Kármán, vùng đất phẳng rộng 180 km bao bọc bởi một vùng lòng chảo lớn, gần cực nam của mặt trăng. Để đề phòng các bất trắc, tàu mẹ thả xuống một xe tự hành nặng gần 140kg, thám hiểm vùng lòng chảo. Xe tự hành được trang bị nhiều camera, radar mặt đất và các thiết bị đo nhằm xác định kết cấu địa chất của khu vực, vốn được hình thành từ một thiên thạch. Các nhà khoa học hy vọng rằng các mẫu đất đá sẽ giúp chúng ta hiểu được tính chất địa chất của mặt trăng.

Tàu đổ bộ cũng sẽ thực hiện một thí nghiệm sinh học để xem hạt giống cây có nảy mầm hay không, trứng tằm có nở trong điều kiện trọng lực (lực hấp dẫn) thấp tại mặt trăng.

Tàu đổ bộ mặt trăng đầu tiên của Trung Quốc, Hằng Nga -3, đã hoàn tất một chuyến thám hiểm ở gần nửa tối của mặt trăng 5 năm trước. Tuy nhiên, xe đổ bộ của tàu này gặp rất nhiều vấn đề. Trong vòng một tháng, xe đã ngưng hoạt động sau khi đi được hơn 100m. Dù vậy, xe vẫn thỉnh thoảng lại chuyển ảnh chụp và các thông tin khác về, theo các quan chức Trung Quốc. Mãi đến tháng 3/2015, xe tự hành mới ngừng hoạt động hẳn.

Đây không phải là thất bại đầu tiên: tháng 4/2018, trạm vũ trụ của Trung Quốc là Thiên Cung-1 rơi xuống trái đất sau khi giới chức Trung Quốc mất liên lạc với nó.
 

“Tam đại gia”

Trung Quốc là một trong ba nước trên thế giới đưa phi hành gia vào vũ trụ bằng phi thuyền của chính mình. Chuyến bay vào vũ trụ đầu tiên có người của nước này là vào năm 2003 và tính đến nay Trung Quốc đã đưa 11 phi hành gia vào vũ trụ. Năm 2016, hai phi hành gia Trung Quốc đã ở trên trạm vũ trụ trong 30 ngày.

Riêng năm 2018, lần đầu tiên, Trung Quốc vượt lên các nước khác về số tên lửa được phóng vào vũ trụ: 38 chiếc. Chỉ một cuộc phóng thất bại. Trong năm 2019, Trung Quốc đã có kế hoạch cho tàu Hằng Nga - 5 hạ cánh xuống mặt trăng.

13-52-04_3
Mô hình tàu Hằng Nga -4

Hầu hết các tàu vũ trụ phóng trong năm 2018 đều mang theo vệ tinh định vị toàn cầu do Trung Quốc tự chế tạo, phủ sóng toàn Trung Quốc và hầu hết diện tích châu Á. Trung Quốc hy vọng hệ thống Bắc Đẩu này sẽ phủ sóng toàn bộ trái đất trong năm 2020 và khi đó Bắc Kinh sẽ trở thành đối thủ cả về kinh tế lẫn chính trị với Mỹ trong lĩnh vực chinh phục vũ trụ, kiểm soát không gian.

Nếu Trạm vũ trụ Quốc tế ngừng hoạt động như đề xuất của chính quyền Tổng thống Trump (ngừng cấp kinh phí duy trì vào năm 2025), trạm Thiên Cung-2 có thể trở thành trạm vũ trụ duy nhất trong quỹ đạo. Trạm vũ trụ Quốc tế đã là nơi đón tiếp các phi hành gia của hơn 10 nước, nhưng chưa bao giờ có phi hành gia Trung Quốc.

Cơ quan vũ trụ Trung Quốc đã trải qua nhiều bước lùi, ví dụ vụ phóng tàu Trường Chinh-5 với một tên lửa đẩy hạng nặng mới đã thất bại vào năm 2017. Ngân sách dành cho chương trình không gian của Trung Quốc, theo New York Times, vẫn thấp hơn nhiều so với cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA).

Tuy vậy, chinh phục không gian vẫn là một ưu tiên quốc gia của Trung Quốc. Và thể chế chính trị của Trung Quốc cũng giúp ngân sách của chương trình này không bị gián đoạn hay ảnh hưởng từ thời tiết chính trị như NASA nhiều năm phải đối mặt.

“Thám hiểm không gian xa xôi đòi hỏi rất nhiều thời gian và tiền bạc”, giáo sư Chu Mạnh Hoa nói. Nhưng ông Chu tin rằng trong một số năm hoặc một thập kỷ nữa, Trung Quốc sẽ đuổi kịp, thậm chí là chiếm vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực này trên thế giới.

(Kiến thức gia đình số 3)

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Giống ngô TBM189 chinh phục đồng đất Lâm Thao

PHÚ THỌ Giống ngô TBM189 của ThaiBinh Seed với ưu điểm ngắn ngày, năng suất cao, chịu hạn tốt, ít sâu bệnh… đã giúp nông dân Lâm Thao gia tăng lợi nhuận trong vụ đông 2024.