| Hotline: 0983.970.780

Thăm vườn cam ruột đỏ Lâm Đồng

Thứ Tư 16/06/2010 , 11:54 (GMT+7)

Đồi cam ruột đỏ có tên Cara Cara xuất xứ tại Úc Châu cũng Navel 2 lòng nằm cạnh con đường cao tốc từ sân bay Liên Khương đi Đà Lạt.

KÝ ỨC VỀ MỘT VÙNG CAM CŨ

Tôi từng có thời gian sống tại các nông trường cam Phủ Quỳ (Nghĩa Đàn, Nghệ An) từ hồi các nông trường này còn trực thuộc Bộ Nông trường và nghe đâu con đường sắt từ Phủ Quỳ về Cầu Giát (Quỳnh Lưu) được xây dựng cũng vì dự báo tương lai sán lạn của vùng đất trong đó có giống cam 2 lòng Navel được các bạn Cuba tặng. Cứ đến cuối năm, những đồi cam thoai thoải vàng rực bởi hàng triệu chiếc đèn lồng. Thị trấn Thái Hòa nhộn nhịp xe tải Zin 130, Hồng Kỳ kìn kìn chở cam về xuôi.

Các bà công nhân suốt ngày bận rộn vì cam thu hoạch, chở đi không kịp phải gọt bỏ ruột lấy vỏ để chưng lấy tinh dầu. T. bạn học tôi đã là một liệt sỹ vĩnh viễn nằm lại với Khe Sanh nhưng những năm ấy là một thanh niên cường tráng, luôn thắng trong tất cả cuộc thi vật tay, kéo co, hít đất… và cả ăn cam. Sáng mùa đông buốt như kim châm vậy mà T. làm một lèo được 8 quả, còn người thứ 2 mới được 3 quả đã run bắn lên, mặt xanh lè… Cam 2 lòng đã đánh thức mơ ước của miền sơn cước heo hút.

Thế nhưng tuổi thọ của cây cam ở Phủ Quỳ chỉ kéo dài 25 năm kể cả thời gian khảo nghiệm mà lý do của nó là sau năm 1975, thị trường tư bản chưa kịp mở trong lúc thị trường khối tương trợ kinh tế Comecon XHCN đã bị sụp đổ, thị trường nội lép kẹp, 4 ký cam không đổi được ký gạo. Trong tình hình đó, ruồi đục trái lại tấn công mạnh và vậy là cà phê, cao su, đậu đỗ, sắn… đã thay dần giống cam Navel 2 lòng tuyệt ngon.

ĐẾN VÙNG CAM TƯƠNG LAI

Đồi cam ruột đỏ có tên Cara Cara xuất xứ tại Úc Châu cũng Navel 2 lòng nằm cạnh con đường cao tốc từ sân bay Liên Khương đi Đà Lạt. Qua điện thoại, kỹ sư điện toán Mai Viết Phẩm, chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc công ty Mai Viết, con trai nhà nông học Mai Viết Phương, người có công đưa cây cam này về VN, hướng dẫn: Từ Đà Lạt về theo đường cao tốc, qua trạm thu phí khoảng 7-8 km, tới cột số báo Dầu Giây 209 km thì giảm tốc độ - Vườn cam Phương Mai ở bên tay phải. Khác với vườn cam Phủ Quỳ mấy chục năm trước trồng trên đất Bazan, vườn cam ruột đỏ được trồng trên đồi dốc, đất mỡ gà lổn nhổn đá. Phía ngoài trang trại còn sót lại mấy cây thông nguyên sinh èo uột chen lấn cùng cỏ tranh.

 Vườn cam rộng 20 ha này được thiết kế như ruộng bậc thang ở miền núi phía Bắc, mỗi đường đồng mức là một dãy cam trồng đơn. Hệ thống tưới bằng ống nhựa Bình Minh như mạng nhện chạy từ điểm nào đó trên cao tỏa đến từng gốc cam một được dùi sẵn lỗ. Không cằn cỗi và cũng không sung sức; không sum suê cũng không thưa thớt, trong một buổi chiều sậm sựt mưa, vườn cam như không thân thiện, không níu kéo cũng không nhạt nhòa.

Điểm khác biệt so với các vườn cam khác là treo trên cây đủ loại trái, trái sắp chín lẫn trái mới bằng hột vịt, lẫn trái bằng trứng cút; trái màu vàng xen lẫn với màu xanh. Theo chủ nhân, với đặc tính ra trái quanh năm, giống cam ruột đỏ hứa hẹn một thị trường lớn kể cả nội địa lẫn xuất khẩu nhưng cũng chính vì vậy mà công việc chăm sóc rất khó, kể cả phân bón lẫn BVTV và tưới tắm.

Khác với cam Navel ở Phủ Quỳ trước đây, cam ruột đỏ cũng 2 lòng, lồi rốn nhưng lòng 2 và rốn nhỏ hơn nhiều. Màng bao quanh lòng 2 rất mỏng và không còn hương tinh dầu. Xét về ngoại hình, cam Cara Cara có vỏ mỏng hơn nhưng hơi sần và không bóng, độ xanh của vỏ cũng không đồng nhất, trọng lượng mỗi quả trong khoảng từ 200 – 250 gr. Cam ruột đỏ được hình tượng hóa “ba trong một” vì ruột có màu đỏ rất đẹp như là sự pha trộn tự nhiên của màu đỏ cam của cà rốt với màu đỏ tím của cà chua và màu vàng của cam. Mặc dù có đặc tính quý là 100% không có hạt nhưng tép cứng hơn, ít nước hơn và vị hơi chua hơn.

Anh Mai Viết Phẩm cho biết, giống cam này đã được trồng thử nghiệm hầu hết các tỉnh từ Nam ra Bắc đã chứng tỏ có tính thích nghi rộng, tính chống chịu cao và đều giữ được đặc tính giống. Sản phẩm của Trang trại Phương Mai đang được bán cho một số nơi với giá 35.000 đ/kg. Hiện tại công ty Mai Viết đã xin được đầu tư trồng cam Cara Cara với diện tích 250 ha cũng ở Đức Trọng và 180 ha ở Lạc Dương để trồng sơ ri, quýt cũng từ xứ sở Căng gu ru. Anh Mai Viết Phẩm tin tưởng rằng khi diện tích cam Cara Cara được mở rộng, đủ lượng thành hàng hóa thì trở thành loại trái cây rất ưu thế của Việt Nam.

ĐẶC TÍNH CAM CARA CARA (Theo tài liệu của Công ty Mai Viết)

Tên giống: Cam Cara Cara

Tên khoa học: Cara Cara Navel – Citrus sinensis

Được thu thập từ một biến dị trên cam đỉnh lõm ở Venezuela. Thích hợp khí hậu Địa Trung Hải và cận nhiệt đới, có ruột quả màu đỏ, có quả phụ nhỏ nằm ở dưới bầu ngụy của quả chính (2 lòng). Chiều cao cây trưởng thành 3-4m, tuổi thọ 40-50 năm.

Mùa thu hoạch: Quanh năm.

Năng suất 37-50 T/ha/năm.

Cam có hàm lượng Lycopene và Carotenoid cao có ý nghĩa như thực phẩm chức năng, chống lão hóa cho hệ thống tim mạch, ngăn ngừa ung thư.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm