Ông Phạm Đăng Nhật, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên lý giải rằng, mọi nguồn cơn đều bắt nguồn từ yếu tố con người vì đây là yếu tố then chốt, quyết định.
Cắm chốt cán bộ cùng ăn, ở và làm với dân
Chúng ta vẫn thường nói ý Đảng, lòng dân. Vậy điều này đúng với Cẩm Xuyên như thế nào thưa ông?
Cẩm Xuyên triển khai thực hiện Nghị quyết 18 của Trung ương và các Nghị quyết của Tỉnh ủy Hà Tĩnh về sắp xếp bộ máy, đổi mới phương thức lãnh đạo vào thời điểm cuối nhiệm kỳ 2015 – 2020. Khó khăn chính nằm ở chỗ sáp nhập nhiều xã vào làm một và bài toán đặt ra là giải quyết số cán bộ dôi dư và kiếm tìm cán bộ tín, tâm, tài, tầm cầm trịch điều hành là cả một vấn đề nan giải.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và anh em trong thường trực huyện cũng rất lo lắng. Chúng tôi thường xuyên bám sát cơ sở để nghe tâm tư nguyện vọng chính đáng của cán bộ và nhân dân. Một mặt làm tốt công tác dân vận, mặt khác có các chế độ, chính sách thỏa đáng, sắp xếp lại một cách phù hợp nhằm phát huy được thế mạnh của mỗi người. Hơn hết, trên hết vẫn là vì cái chung, vì sự phát triển của Cẩm Xuyên.
Việc sáp nhập, bố trí lại các vị trí đâu vào đó, được đại đa số cán bộ, nhân dân đồng tình, lúc đó chúng tôi mới thực sự thở phào. Ấy thế nhưng vẫn chưa thực sự yên tâm nếu chưa tìm được người đứng đầu tiêu biểu. Quan điểm của huyện là phải bố trí người có đủ năng lực, phẩm chất, uy tín. Có được người sở tại, đáp ứng được các tiêu chuẩn mà đồng thuận được ở tất cả các xã cũ là tuyệt vời nhất. Còn phải điều động cán bộ từ huyện luân chuyển về xã là cả một bài toán. Và may mắn đã đến với chúng tôi.
May mắn này thực tiễn đã giúp chúng tôi được thuận lợi về điều đó. Ấy là lựa chọn trong số những cán bộ đã từng ăn chực nằm chờ, lăn lộn ở các xã, với nhân dân trong suốt thời gian qua trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM).
Việc tung cán bộ nằm vùng, bám sát địa bàn đã giúp cho sự gắn kết giữa cán bộ với nhân dân ngày càng bền chặt hơn. Khi đó, có điều động trong số những cán bộ này về đứng đầu các địa phương thì nội tại trong hàng ngũ cán bộ xã mới và nhân dân ở đó cũng đã biết đến người này và người này cũng đã biết nhiều về họ, hiểu phần nào về phong tục tập quán, văn hóa, sinh hoạt… của cán bộ và nhân dân. Chính vì thế, khi đưa ra các nhân sự cho từng vị trí về các địa bàn mới luôn nhận được sự thống nhất tuyệt đại đa số từ trong thường trực đến Ban Thường vụ huyện ủy cũng như tập thể cán bộ và nhân dân nơi mà nhân sự này đến làm việc.
Đó là những địa chỉ đỏ nào, thưa ông?
Tôi nhớ như in, khi sáp nhập 3 xã Cẩm Nam, Cẩm Phúc, Cẩm Thăng thành xã Nam Phúc Thăng, ít nhất dư thừa 2 bộ máy lãnh đạo. Để lựa chọn một bộ máy đủ tâm, đủ tài chỉ đạo xã mới gấp 3 lần xã cũ không hề đơn giản. Khi đưa phương án Giám đốc Trung tâm văn hóa huyện về làm Chủ tịch xã cũng có các ý kiến lo lắng. Song kết quả, sau một thời gian ngắn cán bộ này tạo được sự đoàn kết trong nội bộ xã và lòng tin của nhân dân. Thước đo thể hiện qua 90% số phiếu tín nhiệm ủng hộ cho vị Chủ tịch mới.
Ngoài trường hợp Chủ tịch xã Nam Phúc Thăng, tất cả các cán bộ huyện luân chuyển về cơ sở đều có số phiếu tín nhiệm đạt trên 90% trở lên, Chủ tịch thị trấn Thiên Cầm đạt tới 98% số phiếu ủng hộ.
Điều gì tạo được niềm tin lớn trong Đảng bộ, chính quyền và nhân dân để giúp Cẩm Xuyên làm tốt khâu then chốt này thưa ông?
Đó là Cẩm Xuyên đã mạnh dạn sàng lọc, xử lý cán bộ cơ sở có biểu hiện “thoái hóa, biến chất” ra khỏi bộ máy hành chính. Có hàng chục cán bộ công chức đã bị xử lý kỷ luật từ khiển trách đến cách chức.
Việc mạnh tay xử lý vi phạm không chỉ tăng tính răn đe mà còn giúp địa phương rút kinh nghiệm trong việc sử dụng người đúng vị trí. Trường hợp cán bộ cơ sở yếu thì mạnh dạn thay thế, luân chuyển để xây dựng cán bộ nguồn cho nhiệm kỳ 2020 – 2025. Đồng thời việc, qua đó việc sàng lọc và sắp xếp cán bộ nhiệm kỳ này thuận lợi hơn.
Việc chỉ đạo sâu sát, lăn lộn với cơ sở giúp cho lãnh đạo huyện hiểu rõ từng cán bộ của mình, cũng như tâm tư nguyện vọng, phong tục tập quán của nhân dân từng địa phương, đồng thời tạo niềm tin cho nhân dân thông qua những việc làm cụ thể thiết thực chính là điều mà Cẩm Xuyên rất thuận lợi trong giải quyết các vấn đề then chốt của công tác cán bộ.
Nông thôn khởi sắc
Nhiệm vụ then chốt đã hay, thế công việc trọng tâm cho phát triển kinh tế xã hội đã được huyện Cẩm Xuyên quán xuyến, tổ chức thực hiện ghi được những dấu ấn, bài học gì trong 5 năm qua thưa ông?
Đó chính là phong trào xây dựng NTM. Sau khi “lên dây cót”, các chính sách kích cầu lần lượt được Cẩm Xuyên ban hành. Đây chính là tiền đề quan trọng nhất khích lệ người dân vươn lên làm giàu, tạo điều kiện cho các địa phương hoàn thành bền vững 19 tiêu chí. Trong 5 năm, tổng kinh phí Cẩm Xuyên giải ngân từ nguồn chính sách cấp trên dành cho NN-PTNT đạt cao nhất tỉnh, với hơn 620 tỷ đồng. Riêng ngân sách cấp huyện dành cho phát triển “tam nông”, xây dựng NTM đạt trên 800 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên bày tỏ niềm tự hào khi địa phương có bề dày truyền thống hiếu học nhất nhì tỉnh Hà Tĩnh. Từ mô hình “ngọn đèn làng học” ở xã Cẩm Bình nay đã trở thành phong trào rộng khắp toàn huyện. Ở các dòng họ đến các xã, huyện đều duy trì, phát triển các hội khuyến học, khuyến tài.
Vừa rồi tổ chức thi tuyển viên chức ngành giáo dục, tôi bảo mời Trường ĐH Hà Tĩnh chủ trì nhưng lãnh đạo Phòng GD – ĐT và Phòng Nội vụ cam kết rằng, anh em ở Cẩm Xuyên có đủ năng lực, phẩm chất để tổ chức thành công việc tuyển chọn nhân lực cho ngành. Quả quyết ấy đã đúng, càng khẳng định cái khí chất trách nhiệm và niềm tin ở môi trường truyền thống giáo dục hiệu quả ở Cẩm Xuyên.
Đến nay, toàn huyện đã có 19/21 xã đạt chuẩn xã NTM (tăng gần 350 tiêu chí và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ đề ra, với 25% số xã về đích NTM); 2 xã còn lại đạt 20/20 tiêu chí, đang trình tỉnh xem xét công nhận đạt chuẩn và có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 63 khu dân cư đạt tiêu chí khu dân cư mẫu; 822 vườn hộ đạt chuẩn vườn mẫu; toàn huyện có hơn 1.400 mô hình sản xuất có hiệu quả; 167 hợp tác xã; 365 doanh nghiệp.
Cẩm Xuyên là địa phương hội tụ 3 vùng: trung du, đồng bằng, biển; sản xuất nông nghiệp là vùng trọng điểm của tỉnh, có nhiều cách làm hay, sáng tạo. Vậy kinh nghiệm Cẩm Xuyên đúc rút được là gì, thưa ông?
Đích đến của sản xuất nông nghiệp là gia tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, tăng năng suất lao động, tăng thu nhập cho người nông dân, giảm chi phí đầu vào, nâng cao sản lượng, chất lượng nông sản hàng hóa đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Điều chỉnh, quy hoạch lại việc sử dụng đất. Khi đã có quỹ đất, có định hướng vùng sản xuất tập trung, tiến hành thu hút đầu tư, sắp xếp lại tổ chức sản xuất. Thực hiện phương thức tích tụ ruộng đất “mềm”. Tức là, ruộng đất đã chia nhỏ, bây giờ không thể chia lại, muốn tích tụ được huyện thực hiện bằng cách phá bờ thửa nhỏ, sử dụng công nghệ định vị tọa độ, trừ ranh giới mềm để tạo thành cánh đồng lớn, với diện tích liền vùng sản xuất hàng năm đạt hơn 18.500 ha; sản lượng lúa đạt 10,5 vạn tấn, tăng 2 vạn tấn so với năm 2010. Sáng kiến này của Cẩm Xuyên được tỉnh đánh giá rất cao và đã chỉ đạo nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.
Muốn tăng thu nhập cho người dân còn phải tăng gia trong vườn hộ. Những năm gần đây nhiều xã trên địa bàn huyện như: Cẩm Bình, Cẩm Lạc, Cẩm Trung, Nam Phúc Thăng thực hiện khá thành công, hiệu quả mô hình kinh tế vườn hộ; phát triển được hơn 40 trang trại chăn nuôi lợn, bò liên kết với quy mô trên 300 con/lứa…
Tập trung chỉ đạo đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Hiện tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất lúa nước trên địa bàn toàn huyện đạt gần 100% các khâu. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao được xây dựng như: nuôi tôm, ốc hương trên cát; mô hình trồng dưa lưới với nhiều khâu được tự động hóa; liên kết sản xuất lúa hữu cơ tại Cẩm Thành, Cẩm Bình, Cẩm Vịnh.
Với vùng bán sơn địa, thay vì 5 năm trồng keo chỉ thu được 60 – 70 triệu đồng/ha, huyện chuyển đổi, quy hoạch thành các vùng trang trại sản xuất, chăn nuôi tập trung. Từ 2015 lại nay, Cẩm Xuyên trở thành địa phương có trang trại tập trung và tổng đàn lợn lớn nhất toàn tỉnh.
Cẩm Xuyên đặc biệt quan tâm đến công tác xúc tiến đầu tư, xin ông cho biết “quả ngọt” mà địa phương đã gặt hái được đến thời điểm này?
Trong 5 năm qua huyện thu hút 10 doanh nghiệp vào đầu tư, lấp đầy hơn 75% diện tích cụm công nghiệp bắc Cẩm Xuyên, kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đều phát huy hiệu quả. Nhiều Nhà đầu tư đã, đang khảo sát, hoàn thiện quy trình thủ tục để đầu tư trên địa bàn như: Tập đoàn FLC, Tập đoàn TH, Tập đoàn APEC, Công ty CP đầu tư DIJ; Công ty CP đầu tư TNG, Công ty CP đầu tư &PT công nghệ cao;…
Ngoài ra, một số Dự án đã sơ tuyển nhà đầu tư như: Khu đô thị ven Sông Hội (diện tích 23 ha); khu đô thị hai bên QL8C (diện tích 48 ha); dự án khu dân cư nút giao thông đường tránh QL1A tại xã Cẩm Vịnh (diện tích 23,4 ha); dự án nhà máy điện mặt trời tại Cẩm Hưng,…
Xin trân trọng cảm ơn ông!