| Hotline: 0983.970.780

Dấu ấn nhiệm kỳ ở Hà Tĩnh:

Bài 2: Cái “nôi” của mô hình thí điểm

Thứ Tư 15/07/2020 , 16:44 (GMT+7)

Với lợi thế “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, huyện Cẩm Xuyên luôn là lựa chọn số 1 của tỉnh Hà Tĩnh trong việc thực hiện các mô hình thí điểm.

Xã 3 lần được chỉ đạo điểm

Tinh thần tiên phong xây dựng NTM của Cẩm Xuyên là 'địa chỉ đỏ' cho rất nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh đến tham quan học tập. Ảnh: Thanh Nga.

Tinh thần tiên phong xây dựng NTM của Cẩm Xuyên là "địa chỉ đỏ" cho rất nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh đến tham quan học tập. Ảnh: Thanh Nga.

Xác định Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) “có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”, ngay trong những năm đầu triển khai phong trào, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên được tỉnh Hà Tĩnh lựa chọn là một trong 13 xã chỉ đạo điểm, phấn đấu đạt chuẩn NTM trước năm 2015.

Với truyền thống xã 4 lần đạt danh hiệu Anh hùng, Cẩm Bình nhanh chóng bắt nhịp, phát huy tinh thần đoàn kết , quyết tâm chính trị cao, hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn NTM trước kế hoạch 2 năm. Thời điểm đó (2013), kết quả đạt được của Cẩm Bình được đánh giá là “điển hình trong các điển hình”.  Ông Lê Ngọc Hà, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Cẩm Xuyên nhớ lại: “Ban đầu Cẩm Bình không nằm trong nhóm chỉ đạo điểm của tỉnh nhưng sau khi họp bàn, huyện nhận thấy “thế và lực” của xã đủ điều kiện để đạt chuẩn NTM trước thời hạn nên tự nguyện đăng ký với tỉnh thực hiện điểm”.

Tiếp nối thành công, năm 2014, Cẩm Bình tiếp tục được chọn thực hiện chỉ đạo điểm xây dựng xã NTM nâng cao và triển khai tiêu chí 20 “khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu”. Theo ông Hà, phải khẳng định nhờ thực hiện các mô hình thí điểm, phong trào xây dựng NTM trên địa bàn Cẩm Bình đã lan tỏa đến từng hộ gia đình, tạo khí thế thi đua sôi nổi trên địa bàn toàn huyện, góp phần đắc lực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Cẩm Xuyên đang phấn đấu xây dựng huyện đạt chuẩn NTM vào cuối năm nay. Ảnh: Thanh Nga.

Cẩm Xuyên đang phấn đấu xây dựng huyện đạt chuẩn NTM vào cuối năm nay. Ảnh: Thanh Nga.

Hiện thu nhập bình quân đầu người của huyện Cẩm Xuyên đạt 40 triệu đồng/người/năm (2019),  tăng 11 triệu đồng so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 12,37% (2015) xuống 4,04% (2019). Hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng khang trang, đạt chuẩn…

Kinh tế phát triển bền vững

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, huyện Cẩm Xuyên lồng ghép, kết hợp ban hành nhiều cơ chế chính sách kích cầu phát triển lợi thế của từng vùng, từng địa phương cụ thể.

Một góc vườn mẫu của hộ ông Nguyễn Xuân Thược, xã Cẩm Bình. Ảnh: Thanh Nga.

Một góc vườn mẫu của hộ ông Nguyễn Xuân Thược, xã Cẩm Bình. Ảnh: Thanh Nga.

Theo đó, vùng trung du, đồng bằng phát triển chăn nuôi tập trung và kinh tế vườn, với tổng kinh phí giải ngân hỗ trợ cho phát triển chăn nuôi lợn tập trung theo các chính sách của tỉnh, huyện là hơn 11 tỷ đồng. Đơn cử, huyện hỗ trợ 2,4 tỷ đồng phát triển 8 trang trại theo Quyết định 1414, ngày 14/3/2012; hỗ trợ 176 triệu đồng cho 2 trang trại theo Quyết định 4711, ngày 15/7/2013..., góp phần đưa số trang trại chăn nuôi lợn tập trung của huyện tăng từ 8 mô hình (2012) lên 41 mô hình (2019); tổng đàn lợn tăng lên đạt bình quân 85.000 con/năm (năm cao điểm 2016 đạt tới 94.500 con).

Ông Lê Ngọc Hà thông tin, trong tổng diện tích hơn 870 ha/106 vùng được tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt quy hoạch để phát triển chăn nuôi tập trung, hiện Cẩm Xuyên đã phát triển được 90 trang trại/diện tích sử dụng hơn 324 ha. Đáng mừng hơn, trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi hoành hành gần 2 năm nay, các trang trại chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn vẫn duy trì được sản xuất, đảm bảo tỷ trọng chăn nuôi trong khối trang trại, gia trại ở mức ổn định. Đặc biệt, 3 năm gần đây, phong trào phát triển chăn nuôi gà phát triển mạnh ở các xã Cẩm Quang, Cẩm Dương, Cẩm Minh, Cẩm Hòa, Cẩm Sơn, Cẩm Quan… đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất nông hộ nhỏ lẻ, sang tập trung quy mô lớn, có truy xuất nguồn gốc cho người chăn nuôi.

Hiện tổng đàn gà toàn huyện đạt khoảng gần 600.000 con; trong đó ở nhiều xã đã và đang hình thành một số mô hình nuôi tập trung, như: mô hình nuôi gà đẻ trứng quy mô 9.000 con tại xã Cẩm Quang; 15 mô hình quy mô 2.000 – 6.000 con; 40 mô hình nuôi quy mô 500 – 2.000 con và 38 mô hình nuôi quy mô 500 con trở lên ở các xã ven biển. Đặc biệt, tại xã Cẩm Minh đang xây dựng mô hình nuôi gà thương phẩm quy mô 5.000 con/lứa theo hướng liên kết, có truy xuất nguồn gốc và đạt chứng nhận VietGAP.

Bình quân mỗi tháng gia đình ông Thược thu nhập từ vườn đạt 6 - 7 triệu đồng. Ảnh: Thanh Nga.

Bình quân mỗi tháng gia đình ông Thược thu nhập từ vườn đạt 6 - 7 triệu đồng. Ảnh: Thanh Nga.

Năm 2016, vợ chồng ông Võ Hữu Sinh (SN 1967) thuê 13.000 m3 đất tại khu chăn nuôi tập trung thôn Hà Văn, xã Cẩm Lạc đầu tư chăn nuôi lợn liên kết với Công ty CP chăn nuôi Mitraco (Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh), quy mô 500 con lợn thịt/lứa.

Ngoài việc được huyện, xã tạo điều kiện cho thuê đất, mô hình của ông còn được hỗ trợ 240 triệu đồng theo các chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi lợn trang trại. Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, trang trại không chỉ mang lại thu nhập hơn trăm triệu từ chăn nuôi lợn/năm mà còn tăng thu cho gia đình trên dưới 100 triệu đồng từ chăn nuôi thêm trâu bò, gà, vịt.

Ông Sinh bảo: “Nếu không có sự hỗ trợ của chính quyền các cấp chắc chắn bây giờ gia đình ông vẫn loay hoay trong gánh nặng cơm áo, gạo tiền, chưa thể thoát nghèo”.

Một chiến lược khác được Cẩm Xuyên đẩy mạnh phát triển là nâng cao thu nhập cho người dân từ mô hình vườn hộ. Trong số 822 vườn mẫu đạt chuẩn hiện nay, bình quân hiệu quả kinh tế đem lại cho bà con đạt từ 50 – 200 triệu đồng/vườn/năm. Điểm nhấn của giải pháp này là giải quyết cơ bản vấn đề việc làm cho lao động nông thôn, nhất là phụ nữ, người ngoài độ tuổi lao động.

Vợ chồng ông Nguyễn Xuân Thược, bà Nguyễn Thị Kiệm, thôn Đông Vinh, xã Cẩm Bình tuy đã ngoài tuổi lục tuần nhưng nhờ mạnh dạn phá bỏ vườn tạp, quy hoạch lại bài bản thành vườn cây ăn quả, rau màu, khu chăn nuôi tập trung nên bình quân mỗi tháng thu nhập từ vườn của hai ông bà ngang bằng một suất lương hưu (6 - 7 triệu đồng). Bà Kiệm phấn khởi bảo, chưa bao giờ ông bà nghĩ  sẽ có của ăn của để từ vườn, nhưng hai ba năm nay, đều như vắt chanh, ngày nào ông bà cũng có trong tay trên dưới 200 ngàn đồng từ việc bán rau, gia súc, gia cầm trong vườn. Đây chính là nguồn thu nhập bền vững nhất phong trào xây dựng NTM mang lại cho gia đình ông bà nói riêng, người dân Cẩm Xuyên nói chung.

Trong một thời gian ngắn Cẩm Xuyên đã phát triển được 90 trang trại/diện tích sử dụng hơn 324 ha. Ảnh: Thanh Nga.

Trong một thời gian ngắn Cẩm Xuyên đã phát triển được 90 trang trại/diện tích sử dụng hơn 324 ha. Ảnh: Thanh Nga.

Đối với vùng biển, Cẩm Xuyên chọn điểm nhấn là phát triển khu du lịch biển Thiên Cầm. Trong 5 năm qua, huyện mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng nâng cấp toàn bộ hệ thống điện đáp ứng nhu cầu cho các nhà hàng, khách sạn; đầu tư hơn 60 tỷ đồng xây dựng tuyến đường trung tâm nối đường 19/5 ra biển; nâng cấp hệ thống đường ven bờ kè thông suốt từ thị trấn Thiên Cầm đến gò xã Cẩm Nhượng…

Việc nâng cấp tuyến đường ven kè Cẩm Nhượng có tác động rất lớn trong quá trình hình thành hàng loạt nhà hàng hoạt động hiệu quả, chuyển tư duy của người dân từ chế biến hải sản sang kinh doanh dịch vụ du lịch. Đặc biệt, giá trị của những lô đất bỏ hoang suốt hàng chục năm dọc tuyến kè nay tăng lên gấp 20 - 25 lần, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của một khu du lịch.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bà Rịa - Vũng Tàu có thêm 22 sản phẩm OCOP 4 sao

Chiều 28/3, Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hội nghị giao ban tổng kết hoạt động của các HTX nông nghiệp và lễ công bố, trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Bình luận mới nhất