| Hotline: 0983.970.780

Chọn Hà Tĩnh thí điểm xây dựng tỉnh nông thôn mới

Thứ Năm 05/03/2020 , 13:10 (GMT+7)

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, tại thông báo số 319/TB-VPCP, ngày 9/9/2019 của Văn phòng Chính phủ.

Trong một thập kỷ qua, Hà Tĩnh đã thực hiện rất hiệu quả Chương trình xây dựng NTM, trong đó có việc ra đời hàng loạt sản phẩm OCOP. Ảnh: Thanh Nga.

Trong một thập kỷ qua, Hà Tĩnh đã thực hiện rất hiệu quả Chương trình xây dựng NTM, trong đó có việc ra đời hàng loạt sản phẩm OCOP. Ảnh: Thanh Nga.

Cơ hội “vàng” thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển

Hơn một thập kỷ thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), tốc độ xây dựng xã, huyện đạt chuẩn NTM của tỉnh Hà Tĩnh phải khẳng định là rất nhanh và bền vững. Điều này đã được Ban Chỉ đạo Trung ương ghi nhận, đánh giá trong nhiều hội nghị sơ kết, tổng kết Chương tình trên toàn quốc.

Còn nhớ, trước khi bước vào xây dựng NTM (năm 2010), bình quân tiêu chí trên địa bàn toàn tỉnh mới đạt 3,5 tiêu chí/xã, không có xã đạt trên 10 tiêu chí, có đến 183 xã đạt dưới 5 tiêu chí, trong đó có 20 xã không đạt tiêu chí nào.

Hầu hết các xã chỉ mới chỉ quy hoạch sử dụng đất đến 2010; các loại quy hoạch theo yêu cầu xây dựng NTM chưa có. Hạ tầng kinh tế, xã hội cơ bản chưa đạt chuẩn, nếu không muốn nói là tạm bợ.

Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng chậm, thiếu bền vững, bình quân giai đoạn 2006-2010 đạt dưới 2%; thu nhập bình quân toàn tỉnh chỉ đạt 14 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đến 23,91%...

Tuy nhiên, đến cuối năm 2019 mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn. Toàn tỉnh có đến 201 xã đạt chuẩn (chiếm 88% tổng số xã); có 12 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 2 huyện đạt chuẩn NTM (Nghi Xuân, Can Lộc); thị xã Hồng Lĩnh và TP Hà Tĩnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 3 huyện có 100% số xã đạt chuẩn (Vũ Quang, Đức Thọ và Lộc Hà); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,82%; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 30,5 triệu đồng.

Địa phương này phấn đấu xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM trước năm 2025. Ảnh: Thanh Nga. 

Địa phương này phấn đấu xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM trước năm 2025. Ảnh: Thanh Nga. 

Đáng mừng hơn, tỷ lệ hài lòng của người dân ở các xã đạt chuẩn NTM đều đạt trên 90%. Đây chính là “liều thuốc tăng lực”, tạo tiền đề cho Hà Tĩnh phấn đấu xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM trước năm 2025.

Nhận thấy “thế” và “lực” của Hà Tĩnh đáp ứng được những yêu cầu khắt khe Ban chỉ đạo NTM Trung ương đề ra, ngày 9/9/2019, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ: “Đề nghị Bộ NN-PTNT đề xuất đưa Hà Tĩnh là tỉnh chỉ đạo điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM, giai đoạn 2021 – 2025”.

Ngay sau khi tiếp nhận ý kiến của Phó Thủ tướng, Ban chỉ đạo NTM Hà Tĩnh bắt tay xây dựng đề án, bộ tiêu chí xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM, trên cơ sở chỉ đạo, góp ý của Ban chỉ đạo NTM trung ương.

“Chúng tôi mất gần 4 tháng để cho ra đời đề án xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM, trình lên bàn Bộ trưởng Bộ NN-PTNT.

Đây là cơ hội “vàng” thúc đẩy kinh tế, xã hội, đặc biệt là các vùng nông thôn phát triển nên cả hệ thống chính trị toàn tỉnh sẽ nỗ lực hết mình để không phụ sự kỳ vọng của Ban chỉ đạo Trung ương”, ông Trần Huy Oánh, Chánh Văn phòng điều phối xây dựng NTM Hà Tĩnh nói.

Theo ông Oánh, “cuộc cách mạng” xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM không chỉ thực hiện nhiệm vụ chính trị, sứ mệnh Đảng, Nhà nước giao phó mà còn góp phần bồi dưỡng, sàng lọc đội ngũ cán bộ “có tâm, có tầm, tâm huyết” trước thềm Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

“Địa phương nào cần thử thách cán bộ xã, thôn cứ lấy phong trào NTM làm thước đo. Nếu cán bộ ấy thực sự là “công bộc” của dân họ sẽ xắn tay cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con và đương nhiên, không ai khác chính người dân, những cử tri ở địa phương sẽ góp lá phiếu bầu cho cán bộ đó”, ông Trần Huy Oánh nhấn mạnh.

Xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM là cơ hội

Xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM là cơ hội "vàng" để nông nghiệp Hà Tĩnh bứt phá. Ảnh: Thanh Nga.

Hiện Bộ NN-PTNT cũng đã thống nhất chủ trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án xây dựng Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM trước năm 2025.

Nâng cấp, nâng tầm tất cả các tiêu chí

Đối với bộ tiêu chí tỉnh đạt chuẩn NTM, ngoài việc có 100% số huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM thì tất cả các tiêu chí đều phải nâng cấp, nâng tầm ở nhiều nội dung. Mục đích là xây dựng Hà Tĩnh thành tỉnh phát triển toàn diện, nổi bật cả về kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng.

Một số tiêu chí đặt ra khá cao như: Phải có 1 huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 10% huyện đạt chuẩn nâng cao; tối thiểu 30% tổng số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; tối thiểu 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; tỷ lệ khu dân cư kiểu mẫu đạt chuẩn trên 70%; phải có tua tuyến du lịch NTM hoạt động hiệu quả; thu nhập bình quân đầu người tối thiểu bằng 1,2 lần so với bình quân đầu người khu vực Bắc Trung bộ tại thời điểm công nhận.

Các tiêu chí đều phải nâng cấp, nâng tầm để đáp ứng yêu cầu

Các tiêu chí đều phải nâng cấp, nâng tầm để đáp ứng yêu cầu "xây dựng NTM chỉ có khởi đầu không có kết thúc". Ảnh: Thanh Nga.

Tỷ lệ hàng rào xanh tại các công sở phải đạt 100%, ở các thôn xóm tối thiểu 80%; các thôn xóm phải có câu lạc bộ văn hóa, thể thao hoạt động hiệu quả nhằm phát huy giá trị văn hóa truyền thống…

Đối với tổ chức sản xuất, yêu cầu có vùng sản xuất hàng hóa tập trung các sản phẩm chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị; tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ đạt tối thiểu 60% tổng quy mô; có nhà máy chế biến nông sản chủ lực của tỉnh.

Mỗi xã có ít nhất một sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, toàn tỉnh có tối thiểu 50 sản phẩm đạt 4 sao và có sản phẩm đạt 5 sao. Đặc biệt, tỷ lệ hài lòng của người dân đối với từng nội dung tối thiểu đạt 80%, đối với câu hỏi tổng hợp chung tối thiểu 90% và không có nợ đọng xây dựng cơ bản…

Theo ông Trần Huy Oánh, sở dĩ Hà Tĩnh yêu cầu phải nâng cấp, nâng tầm các tiêu chí là để đảm bảo tính bền vững của Chương trình Xây dựng NTM, cũng như thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Trung ương “xây dựng NTM chỉ có khởi đầu không có kết thúc”.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.