| Hotline: 0983.970.780

Thành công và bài học của ngành thủy lợi từ Dự án WB8 [Bài 2]: Tạo dựng hệ thống dữ liệu quốc gia về hồ đập

Thứ Tư 05/07/2023 , 06:20 (GMT+7)

Ngoài nâng cấp an toàn hồ đập, Dự án WB8 còn để lại nhiều bài học về tiến độ thực hiện và giá trị cơ sở dữ liệu quốc gia về hồ đập.

Nguyên nhân một số chương trình, hồ đập chưa hoàn thành

Bên cạnh những thành công của Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8) về giải ngân vốn đầu tư, Dự án WB8 cũng để lại cho cơ quan quản lý nhiều bài học và kinh nghiệm khi triển khai dự án có phạm vi thực hiện rộng.

Về những chương trình của dự án chưa thực hiện được, ông Phạm Hùng Cường, chuyên gia cao cấp thủy lợi của Ngân hàng Thế giới cho biết, do thời gian còn lại không đủ để tổ chức đấu thầu và thực hiện thi công song song với toàn dự án, nên không thể thực hiện một số chương trình do Bộ NN-PTNT làm chủ đầu tư như nâng cao khả năng xả của 8 hồ chứa và nâng cấp các trang thiết bị cần thiết cho Cục Thủy lợi dù công tác chuẩn bị đã được thực hiện tương đối hoàn thiện.

Dự án WB8 tại hồ Khe Chão, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Minh Phúc.

Dự án WB8 tại hồ Khe Chão, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Phạm Hùng Cường cho rằng, đây là bài học lớn cho các đơn vị thực hiện dự án rút kinh nghiệm. Các chương trình, dự án do Bộ NN-PTNT làm chủ đầu tư cần triển khai sớm và đồng bộ, song song với các tỉnh thay vì để chậm lại.

Các đơn vị quản lý của Bộ NN-PTNT cũng cần rút kinh nghiệm làm việc, phải triển khai các công việc đồng bộ và có tính chính xác cao, thay vì phải sửa đi sửa lại nhiều lần, ngoài ra cũng cần tăng cường sự kết nối và phối hợp chặt chẽ hơn với các tổ chức quốc tế.

Liên quan đến hồ Thá ở Hòa Bình chưa hoàn thành với giá trị còn lại khoảng 7,2 tỷ đồng, ông Phạm Hùng Cường đánh giá, đây là công trình không phức tạp, không vướng mắc về mặt bằng, tuy nhiên, năng lực tài chính của các nhà thầu thi công rất yếu khiến tiến độ thi công gặp rất nhiều khó khăn.

Do đó, ông Phạm Hùng Cường kiến nghị Bộ NN-PTNT và tỉnh Hòa Bình cần xác định rõ nguyên nhân năng lực tài chính nhà thầu yếu kém. Nếu có các vi phạm thì cần đưa vào danh sách đen trong việc lựa chọn nhà thầu trong tương lai.

Ông Ahmed Eiweida, Trưởng ban Phát triển bền vững - Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Ảnh: Quang Linh.

Ông Ahmed Eiweida, Trưởng ban Phát triển bền vững - Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Ảnh: Quang Linh.

Liên quan đến hai tỉnh Hòa Bình và Hà Tĩnh còn một số hộ dân chưa nhận tiền đền bù, ông Ahmed Eiweida, Trưởng ban Phát triển bền vững - Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh, nếu dự án còn tồn đọng các vấn đề liên quan đến chính sách bồi thường, an sinh, nhất là thu hồi đất, chúng ta sẽ cần có thêm kế hoạch hoàn thành sau ngày đóng dự án. 

Những giá trị phi công trình Dự án WB8 mang lại

Ngoài các hoạt động về xây lắp và cải tạo hồ đập, dự án còn nâng cao năng lực thế chế rất hiệu quả như xây dựng 11 bộ hướng dẫn cho công tác khảo sát, thiết kế, đánh giá an toàn lao động cũng như quản lý vận hành và 14 bộ hướng dẫn kỹ thuật.

Ngoài ra, dự án cũng xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia về an toàn hồ đập được đặt tại Cục Thủy lợi thông qua Trung tâm công nghệ phần mềm. Ông Phạm Hùng Cường cho rằng, vấn đề bây giờ của hệ thống phải làm sao để phủ sóng được tất cả các tỉnh, thành có hồ đập. Qua đó, đào tạo cán bộ địa phương cập nhật số liệu hồ, đập vào cơ sở dữ liệu cấp trung ương này.

Dự kiến ban đầu, dự án WB8 sẽ tài trợ lập 116 kế hoạch hành động khẩn cấp EPB theo chính sách bắt buộc về an toàn hồ, đập liên quan đến các dự án đầu tư của Ngân hàng Thế giới. Tuy nhiên, Bộ NN-PTNT đã lập và phê duyệt 122 kế hoạch hành động khẩn cấp cho 122 đập lớn, vượt xa kế hoạch đề ra ban đầu khi thực hiện dự án.

Chuyên gia cao cấp thủy lợi của Ngân hàng Thế giới cũng đề xuất Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương cần nghiên cứu thống nhất bộ quy trình và tiêu chí đánh giá, an toàn hồ đập. Việc thống nhất bộ quy trình và tiêu chí này sẽ giúp hoạt động quản lý tập trung được tối ưu.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp. Ảnh: Quang Linh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp. Ảnh: Quang Linh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu Ban Quản lý Trung ương các Dự án Thủy lợi (CPO) và các đơn vị thực hiện dự án tập hợp lại bộ cơ sở dữ liệu quốc gia an toàn đập nhằm phục vụ cho cơ sở dữ liệu của ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, toàn bộ sổ tay hướng dẫn kỹ thuật, kế hoạch hành động khẩn cấp… cần được tập hợp để phục vụ dữ liệu chung và triển khai ở các dự án tiếp theo.

Về một số hạn chế khi thực hiện dự án, “Mục tiêu ban đầu của dự án là triển khai sửa chữa, nâng cấp 475 hồ, đến thời điểm này là 435 hồ, giảm 40 hồ so với mục tiêu đặt ra. Chính vì vậy, nguồn tiền giải ngân còn dư tới 80 triệu USD không được sử dụng đến. Rất đáng tiếc khi đây là nguồn kinh phí cần thiết cho đảm bảo an toàn hồ đập”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho hay.

Thứ trưởng cho rằng, đây là bài học cho các đơn vị thực hiện dự án về việc phối hợp hoàn thiện thủ tục giữa các đơn vị phải được thực hiện khoa học và kịp thời để các hợp phần được diễn ra đúng tiến độ. Dự kiến hội nghị tổng kết dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập sẽ diễn ra vào tháng 10 năm nay.

Những dự án kiểu mẫu cần nhân rộng

Nghệ An, Khánh Hòa, Bình Định và Quảng Trị là 4 tỉnh thuộc nhóm đầu thực hiện công trình rất tốt và là hình mẫu trong thiết kế và thực hiện thiết kế cần được nhân rộng. Trong đó, các hồ đập thuộc dự án WB8 tại tỉnh Khánh Hòa không chỉ tốt về mặt công trình mà còn hoàn thành rất nghiêm túc công tác giám sát vận hành và duy tu bảo dưỡng. Các phòng quản lý được trang bị đầy đủ phương tiện làm việc từ điều hòa nhiệt độ cho tới đường truyền mạng máy tính. 

"Mô hình của tỉnh Khánh Hòa là hình mẫu cho ngành thủy lợi nhân rộng, khi áp dụng được nhiều tiến bộ công nghệ hiện đại vào quản lý và khai thác hồ đập. Các thông số về mực nước, độ mở của cống... được ghi chép vào sổ công tác hàng ngày và cung cấp tới công ty thủy nông. Do vậy, các hồ đập tại Khánh Hòa được thực hiện rất nhiệu quả nhờ bám sát thời gian thực", ông Phạm Hùng Cường cho hay. 

Theo đại diện Ngân hàng Thế giới, đối với những hồ có chiều cao trên 15m hoặc sau khi sửa chữa, nâng cấp hồ có lưu lượng dòng chảy qua đập tràn quá lớn và đông dân cư dưới vùng hạ du thì các địa phương có hồ đập đó cần lập kế hoạch hành động khẩn cấp để ứng phó với các tình huống nguy hiểm. 

Dự án WB8 được khởi động khi nhiều hồ đập trên cả nước rơi vào tình trạng xuống cấp trầm trọng, thiếu trang thiết bị vận hành... khiến các hồ không phát huy được hết giá trị vốn có, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khi mùa mưa tới.

Dự án WB8 khi thực hiện đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ các địa phương, thậm chí Dự án sửa chữa, nâng cao an toàn đập do Ngân hàng Thế giới tài trợ đã được tỉnh Bắc Giang đưa vào danh sách các dự án trọng điểm của địa phương.

Theo đó, việc thực hiện dự án đã góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu rủi ro do sự cố đập, hồ chứa thủy lợi. Đảm bảo an toàn cho người dân ở vùng hạ du, tăng diện tích sản xuất nông nghiệp được cung cấp nước tưới, phù hợp với Chiến lược Quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, tái cơ cấu nền kinh tế của tỉnh nói chung, ngành nông nghiệp nói riêng…

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.

Làng Nủ trước ngày khánh thành

40 ngôi nhà mới sẽ được bàn giao cho các hộ dân thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) vào ngày 15/12 sau gần 3 tháng thi công.