| Hotline: 0983.970.780

Thành công và bài học của ngành thủy lợi từ Dự án WB8 [Bài 1]: Tỷ lệ giải ngân sẽ đạt trên 99%

Thứ Hai 03/07/2023 , 12:54 (GMT+7)

Theo chuyên gia Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ giải ngân là thành tựu rất đáng khích lệ, nhất là trong bối cảnh rất nhiều quy định mới được ban hành khiến công tác quản lý, điều hành dự án gặp nhiều khó khăn.

Hoàn thành tốt các hợp phần Dự án WB8

Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8) do Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ có thời gian thực hiện từ năm 2016 đến 2023. Mục tiêu của dự án là hỗ trợ thực hiện Chương trình Bảo đảm an toàn các hồ chứa nước thông qua sửa chữa, nâng cấp các đập ưu tiên, tăng cường năng lực quản lý, vận hành an toàn đập nhằm bảo vệ dân cư và cơ cở hạ tầng kinh tế - xã hội vùng hạ du. Tổng mức đầu tư cho dự án sau khi cắt giảm là 337 triệu USD, trong đó, 28 triệu USD là vốn đối ứng trong nước.

Dự án WB8 hồ Đồng Man, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Minh Phúc.

Dự án WB8 hồ Đồng Man, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Minh Phúc.

Trong tổng số hồ đã thông qua danh mục là 475 hồ, có 436 hồ đã triển khai thi công xây dựng và 39 hồ chưa triển khai thi công (Hải Dương 1 hồ, Hà Tĩnh 18 hồ, Hòa Bình 4 hồ, Quảng Bình 2 hồ, Bộ NN-PTNT 8 hồ, Đắk Lắk 6 hồ). Do WB chỉ đồng ý gia hạn dự án đến 30/06/2023 (ít hơn 6 tháng so với kế hoạch) nên có 39 hồ đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư nói trên sẽ không triển khai thi công bằng nguồn vốn ODA.

Ngày 8/5/2023, Bộ NN-PTNT đã có Quyết định phê duyệt điều chỉnh danh mục hồ triển khai thi công xây dựng là 436 hồ. Trong tổng số 436 hồ đã được khởi công, cập nhật đến nay có 409 hồ đã hoàn thành thi công và 27 hồ đang triển khai thi công. Trong 27 hồ đang triển khai thi công, thì có tới 26 hồ đã hoàn thành khối lượng công việc trên 80%. Riêng chỉ có hồ Thá ở Hòa Bình còn dang dở nhiều khối lượng công việc.

Theo Ban Quản lý Dự án WB8, sau khi kết thúc dự án, Ban Quản lý sẽ đôn đốc 8 tỉnh Phú Thọ, Hòa Bình, Hải Dương, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Phú Yên, Đắk Lắk hoàn thành thi công 27 hồ còn lại.

Các tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Đắk Nông bố trí đủ vốn ODA cấp phát và vay lại. Bên cạnh đó, Ban quản lý dự án WB8 sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan, hoàn thành điều chỉnh cơ cấu vốn dự án và hủy vốn dư đối với các hoạt động không triển khai thực hiện; triển khai công tác lập báo cáo hoàn thành dự án; thanh quyết toán các hợp đồng đã hoàn thành, bàn giao công trình, làm sạch tài khoản và hoàn thành các thủ tục kết thúc dự án sử dụng vốn ODA. 

Tỷ lệ giải ngân vượt kỳ vọng

Phát biểu tại phiên họp tổng kết Đoàn giám sát đánh giá dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập, ông Ahmed Eiweida, Trưởng ban Phát triển bền vững Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, Dự án WB8 là một hành trình dài với Ngân hàng Thế giới, Bộ NN-PTNT và 33 địa phương.

Với sự nỗ lực của các bên, dự án đã mang lại nhiều kết quả tốt đẹp, nhất là việc ngăn chặn các nguy cơ mất an toàn hồ đập gây, ảnh hưởng tới đời sống cũng như kinh tế xã hội của người dân.

Phiên họp tổng kết Đoàn giám sát đánh giá dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8). Ảnh: Quang Linh.

Phiên họp tổng kết Đoàn giám sát đánh giá dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8). Ảnh: Quang Linh.

274 triệu USD từ vốn vay Ngân hàng Thế giới đã được giải ngân, tương đương với 83% tổng nguồn vốn của dự án đã được cấu trúc lại, ông Ahmed Eiweida hy vọng dự án có thể giải ngân 98 - 99% tổng nguồn vốn được phân bổ.

Ông Phạm Hùng Cường, chuyên gia cao cấp thủy lợi của Ngân hàng Thế giới. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Phạm Hùng Cường, chuyên gia cao cấp thủy lợi của Ngân hàng Thế giới. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Phạm Hùng Cường, chuyên gia cao cấp thủy lợi của Ngân hàng Thế giới cho biết, tính tới ngày 15/6, dự án đã giải ngân được 273 triệu USD, tỷ lệ giải ngân đạt 83%. Trong đó, hầu hết các hoạt động về đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp hồ đập đã hoàn thành hoặc xong trong ngày 30/6.

“Về giải ngân, khi kết thúc dự án, tỷ lệ giải ngân sẽ đạt khoảng 99%. Đây là thành tựu rất đáng khích lệ, nhất là trong bối cảnh rất nhiều quy định mới được ban hành khiến công tác quản lý, điều hành dự án gặp rất nhiều khó khăn”, ông Phạm Hùng Cường nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá về hoạt động triển khai dự án WB8. Quang Linh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá về hoạt động triển khai dự án WB8. Quang Linh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá, đây là dự án có thời gian triển khai rất dài, gần 7 năm trải dài trên 33 tỉnh, thành, với đặc thù hơn 90% là dự án nhỏ, thành phần. Với tính chất phức tạp và được thực hiện trên phạm vi rộng, Bộ NN-PTNT đánh giá đây là dự án hoàn thành ở mức xuất sắc.

Về 5 chỉ số giám sát đánh giá, chỉ có Danh mục rủi ro được giảm trong tất cả các hạng mục rủi ro trong dự án, đạt gần 98%, còn lại các chỉ số về Người hưởng lợi trực tiếp từ dự án; Diện tích có nước tưới bảo vệ khỏi rủi ro sự cố đập do kết quả của các can thiệp công trình và phi công trình; Kế hoạch sẵn sàng trong trường hợp khẩn cấp của các hồ đập lớn được Bộ NN-PTNT và các tỉnh thông qua; Cơ sở dữ liệu vận hành hồ đập đều hoàn thành và vượt 100%.

Đáng chú ý, theo báo cáo của Ban Quản lý dự án WB8, có 2,9 triệu người được hưởng lợi trực tiếp từ dự án (vượt 7,4% so với kế hoạch), trong đó có 1,4 triệu phụ nữ (vượt 7,34% so với kế hoạch). Ngoài ra, hưởng lợi trực tiếp từ vùng hạ du cũng đạt 5,06 triệu người (vượt 23,3% so với kế hoạch), trong đó có 2,47 triệu phụ nữ (vượt 17,5% so với kế hoạch). 

Công tác tư vấn gồm các sản phẩm: Báo cáo an toàn đập; Báo cáo nghiên cứu khả thi; Báo cáo đánh giá tác động môi trường; Thiết kế bảo vệ thi công; Sàng lọc chính sách an toàn; Báo cáo cơ sở an toàn môi trường; Báo cáo cơ sở an toàn xã hội đều được hoàn thành đúng hoặc vượt kế hoạch đề ra. 

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị Ban Quản lý trung ương các Dự án Thủy lợi, Vụ Hợp tác Quốc tế, Cục Thủy lợi phối hợp cùng các bên liên quan điều chỉnh nhanh chủ trương đầu tư tổng thể dự án để các tỉnh được cấp vốn đối ứng.

Thứ trưởng cũng yêu cầu 27 hồ đang thi công nếu đến 30/6 vẫn chưa hoàn thành thì từ 1/7, các địa phương chủ động tự bố trí kinh phí để hoàn thành dự án. 

Dự án WB8 gồm 3 hợp phần với nguồn lực được phân bổ như sau:

Hợp phần 1 - Khôi phục an toàn đập, mục tiêu: Đánh giá khả năng xả lũ và nâng cao khả năng phòng, chống lũ cho các hồ chứa lớn; Sửa chữa, cải tạo các hồ, đập bị hư hỏng về kết cấu và thiếu năng lực xả lũ; Trang bị cho hỗ trợ dự báo, giám sát và vận hành hồ chứa.

Hợp phần 2 - Quản lý an toàn đập, mục tiêu: Trang bị thiết bị phục vụ giám sát, vận hành liên hồ chứa và cảnh báo thiên tai trên lưu vực; Trang bị công cụ hỗ trợ cho các đơn vị quản lý an toàn đập; Cải thiện thể chế và chính sách an toàn đập; Hỗ trợ kỹ thuật và kiểm tra, giám sát an toàn đập; Ứng dụng khoa học công nghệ và thực hiện các đánh giá; Đào tạo, truyền thông nâng cao năng lực và kỹ năng ứng phó với sự cố  đập và rủi ro thiên tai.

Hợp phần 3 - Quản lý dự án, mục tiêu: Cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, bao gồm hỗ trợ thực hiện dự án (PIC) và giám sát độc lập bên thứ ba (ISC); Kiểm toán dự án; Đào tạo năng lực quản lý dự án cho các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án cấp trung ương và cấp tỉnh trong và ngoài nước; Cung cấp trang thiết bị, tài chính, hỗ trợ quản lý và thực hiện dự án.

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuất hiện vết nứt trên núi Phú Gia, di dời khẩn cấp hàng chục hộ dân

THỪA THIÊN - HUẾ Trên núi Phú Gia xuất hiện vết nứt dài khoảng 50m, đã có 1 điểm lở xuống phía dưới, độ cao khoảng 20m có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản người dân.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.