Sáng 27/10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 khai mạc trọng thể.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự và chỉ đạo đại hội.
Chỉ tiêu chủ yếu của nhiệm kỳ 2020-2025
GRDP bình quân đạt từ 11% trở lên; GRDP bình quân đầu người năm 2025 đạt 5.200 USD trở lên; tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt 750 ngàn tỷ đồng trở lên; Tốc độ tăng thu ngân sách bình quân hằng năm đạt 10% trở lên; Kim ngạch xuất khẩu năm 2025 đạt 8 tỷ USD; Tỷ lệ đô thị hóa năm 2025 đạt 40% trở lên; Đến hết năm 2025 có 17 huyện, thị xã, thành phố, 88% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm theo tiêu chí mới 1,5% trở lên; Năm 2025 đạt 13 bác sỹ/vạn dân; Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đến năm 2025 đạt 81%...
"Một nhiệm kỳ xác lập được nhiều dấu mốc quan trọng"
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ 19 diễn ra vào thời điểm đặc biệt.
Đó là nhiệm kỳ đầu tiên, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị khóa 12 về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, để Thanh Hóa bước vào giai đoạn tăng tốc và bứt phá.
Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Thanh Hóa đạt được nhiều thành tích, kết quả quan trọng và toàn diện trên các lĩnh vực; hoàn thành và hoàn thành vượt mức 26/28 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra.
GRDP bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 12,1%, gấp 1,5 lần so với tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015, nằm trong số các tỉnh, thành phố tăng trưởng cao nhất cả nước.
Quy mô kinh tế của tỉnh tăng nhanh, năm 2020 gấp 1,77 lần năm 2015, đứng thứ 8 cả nước, cao nhất các tỉnh Bắc Miền Trung; GRDP bình quân đầu người dự kiến đạt 2.616 USD, gấp 1,8 lần năm 2015.
Thu ngân sách nhà nước luôn vượt dự toán và tăng cao so với đầu nhiệm kỳ. Tốc độ tăng thu bình quân hằng năm dự kiến đạt 18,1%, trong nhóm các tỉnh có tốc độ tăng thu ngân sách cáo nhất cả nước. Năm 2020 dự kiến đạt 29.000 tỷ đồng, gấp 2,3 lần năm 2015.
Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP chuyển dịch đúng hướng. Năm 2020, tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản dự kiến còn 10,4%, giảm 7,4%; công nghiệp xây dựng chiến 48,2%, tăng 8,9%; dịch vụ chiếm 32.2%, giảm 6,3%; thuế sản phẩm chiếm 9,2%, tăng 4,2% so với năm 2015. Mô hình tăng trưởng kinh tế chuyển đổi từ chiều sâu.
Từ năm 2016 đến nay, Thanh Hóa đã thu hút được trên 1 nghìn dự án đầu tư trực tiếp (trong đó có 76 dự án FDI), tổng vốn đầu tư đăng ký 114.522 tỷ đồng và 3.655 triệu USD, đứng thứ 8 cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị đạt kết quả tích cực; giáo dục mũi nhọn và thể thao thành tích cao luôn đứng trong nhóm các tỉnh thành dẫn đầu cả nước; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh; đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; quốc phòng an ninh được đảm bảo; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được thực hiện đồng bộ…
Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ qua, Thanh Hóa có 2 chỉ tiêu không đạt là GRDP bình quân đầu người và số đảng viên kết nạp mới bình quân hằng năm; chất lượng tăng trưởng kinh tế, năng suất lao động còn thấp; việc bổ nhiệm cán bộ ở một số nơi còn để xảy ra sai sót …
Phát biểu khai mạc Đại hội, ông Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa khẳng định, chưa bao giờ Thanh Hóa có được thế và lực như giai đoạn hiện nay.
“Nhiệm kỳ vừa qua, vượt lên những khó khăn, thách thức do tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp; thiên tai, dịch bệnh, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh ta đã đoàn kết một lòng, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, phát huy hiệu quả những tiềm năng, lợi thế; khơi dậy mạnh mẽ các nguồn lực, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và đã kết thúc nhiệm kỳ với rất nhiều thành công và thắng lợi:
Đến thời điểm này, có thể khẳng định: 5 là một nhiệm kỳ đầy ắp những sự kiện trọng đại và đã xác lập được nhiều dấu mốc quan trọng mà từ trước đến nay chưa bao giờ có được.
Thành công lớn nhất của nhiệm kỳ này là Tỉnh ủy đã lãnh đạo khơi dậy được niềm tự hào, ý chí, nghị lực của gần 230 nghìn đảng viên trong Đảng bộ và 3,65 triệu người dân Thanh Hóa cùng chung mục tiêu phấn đấu xây dựng Thanh Hóa phát triển, đáp lại sự quan tâm, kỳ vọng của Trung ương đối với Thanh Hóa và thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu”.
Phấn đấu trở thành cực tăng trưởng mới ở khu vực phía Bắc
Bước sang giai đoạn phát triển mới, tỉnh Thanh Hóa đang đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi, nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.
Báo cáo chính trị do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng trình bày tại Đại hội nêu rõ phương hướng chung của nhiệm kỳ tới đó là phấn đấu đến năm 2025, Thanh Hóa trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở khu vực phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước.
Đây cũng là nội dung quan trọng được bổ sung vào các văn kiện Đại hội sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 58 về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đại hội xác định 6 chương trình trọng tâm và 3 khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025.
Đó là: Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; Chương trình phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu Công nghiệp; Chương trình phát triển du lịch; Chương trình nâng cao chất lượng văn hóa, giáo dục, y tế; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi; Chương trình nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng. 3 khâu đột phá gồm: Đột phá về phát triển hạ tầng; Đột phá về đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn; Đột phá về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ…
Đối với các nhiệm vụ, giải pháp, Đại hội xác định tập trung phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực gồm: TP Thanh Hóa – TP Sầm Sơn; Khu Kinh tế Nghi Sơn; Trung tâm động lực phía Bắc: Thạch Thành – Bỉm Sơn và Khu trung tâm động lực phía Tây: Lam Sơn – Sao Vàng.
5 trụ cột tăng trưởng được xác định bao gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo; Nông nghiệp; Du lịch; Y tế và Phát triển hạ tầng.
Phát triển 6 hành lang kinh tế bao gồm: Hành lang kinh tế ven biển; Hành lang kinh tế Bắc – Nam; Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh; Hành lang kinh tế Đông Bắc; Hành lang kinh tế trung tâm và hành lang kinh tế quốc tế.
Các đại biểu quyên góp 635 triệu đồng ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt
Với tinh thần “tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách”; cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã tích cực quyên góp, ủng hộ vì miền Trung ruột thịt.
Đến nay, các tổ chức, cá nhân trong tỉnh đã đăng ký, ủng hộ qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh với số tiền lên tới trên 7 tỷ đồng.
Ngay tại Đại hội này, trong phiên trù bị chiều hôm qua - 26/10, các đại biểu của đại hội đã quyên góp ủng hộ đồng bào với số tiền 635 triệu đồng. Đại hội xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến các gia đình có người thân bị nạn và gửi lời thăm hỏi ân cần nhất đến Quân khu 4 và các tỉnh miền Trung thân yêu.