Theo báo cáo của Sở Công Thương Thanh Hóa tại Hội nghị giao ban báo chí tháng 11/2022, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 343 doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh doanh xăng dầu, trong đó có 1 đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu, 3 doanh nghiệp là đơn vị thành viên của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Mạng lưới bán lẻ xăng dầu có 577 cửa hàng xăng dầu cố định và 16 tàu dầu đang hoạt động bán lẻ xăng dầu…
Đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh (nguồn cung khan hiếm, không có chiết khấu hoặc có nhưng rất thấp không đủ bù đắp chi phí kinh doanh).
Do đó xuất hiện tình trạng các doanh nghiệp gửi văn bản xin tạm ngừng kinh doanh do thua lỗ kéo dài, hoặc không được nhập hàng; nhiều doanh nghiệp có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Thanh Hóa một số nội dung về việc điều hành giá xăng dầu để đảm bảo mức chiết khấu kinh doanh xăng dầu cho doanh nghiệp bán lẻ không bị thua lỗ kéo dài.
Từ thực tế trên, Sở Công Thương đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản kiến nghị Bộ Công Thương sớm tham mưu sửa đổi quy định về điều hành giá xăng dầu, để đảm bảo điều chỉnh linh hoạt theo đúng chu kỳ, tránh tình trạng đầu cơ, tích trữ chờ tăng giá gây khó khăn cho thị trường.
Xem xét điều chỉnh cơ cấu, định mức các yếu tố cấu thành giá cơ sở xăng dầu trong đó tính đúng, tính đủ, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức phù hợp với tình hình thực tiễn nhằm đảm bảo cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có đủ chi phí hoạt động, hạn chế kinh doanh thu lỗ trong thời gian dài.
Chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thương nhân phân phối xăng dầu tăng thêm nguồn cung xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong hệ thống phân phối xăng dầu trên địa bàn tỉnh Thanh hóa để tránh tình trạng các cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải ngừng kinh doanh do gián đoạn cục bộ, hết xăng dầu.