| Hotline: 0983.970.780

Thanh Hóa có hàng trăm công trình thủy lợi 'kêu cứu'

Thứ Ba 10/08/2021 , 07:05 (GMT+7)

Mùa mưa bão sắp tới nhưng hiện có hàng trăm công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hư hỏng cần duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa, khắc phục.

Thanh Hóa là tỉnh chịu thiệt hại lớn do thiên tai, bão lũ gây ra. Ảnh: VD.

Thanh Hóa là tỉnh chịu thiệt hại lớn do thiên tai, bão lũ gây ra. Ảnh: VD.

Thanh Hóa là một trong những tỉnh hứng chịu nhiều thiệt hại do thiên tai, biến đổi khí hậu gây ra. Đây là địa phương có nhiều công trình thủy lợi như đê điều, hồ đập...được xây dựng từ hàng chục năm trước, nay đã xuống cấp. Những công trình này không chỉ giữ vai trò điều tiết tưới tiêu cho hoạt động sản xuất nông nghiệp mà còn điều tiết nguồn nước giúp giảm thiểu những hậu quả do thiên tai bất thường xẩy ra hàng năm. Vì vậy, nỗi  lo trước mùa mưa bão luôn thường trực.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện có 616 công trình thủy lợi bị hư hỏng cần duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa, khắc phục. Trong đó có 125 công trình hồ chứa; 134  đập dâng; 156 trạm bơm; 179 kênh và hệ thống kênh tưới, tiêu; 22 cống tưới, tiêu.

Số hồ chứa bị hư hỏng nặng, có nguy cơ mất an toàn trên địa bàn tỉnh là 93 hồ, bao gồm 5 hồ chứa nước lớn, 6 hồ chứa nước vừa và 82 hồ chứa nước nhỏ. Các hồ này chỉ được phép tích nước hạn chế. Trong đó có 84 hồ đã đánh giá mất an toàn sau mùa mưa lũ năm 2020, 9 hồ phát sinh mới qua đợt kiểm tra trước lũ năm 2021.

93 công trình hồ đập hư hỏng nặng, có nguy cơ mất an toàn. Ảnh: VD.

93 công trình hồ đập hư hỏng nặng, có nguy cơ mất an toàn. Ảnh: VD.

Cũng qua khảo sát của ngành nông nghiệp địa phương, hiện trên địa bàn tỉnh có một số công trình như cống Nguyễn, huyện Hậu Lộc, âu Mai Chữ, huyện Quảng Xương, trạm bơm tiêu Thanh Thủy, trạm bơm tiêu Yên Phú huyện (Yên Định)... đã xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Trước thực trạng trên, ngành nông nghiệp địa phương này đã phê duyệt và tổ chức thực hiện theo quy định nhằm đảm bảo an toàn công trình thủy lợi; thành lập hội đồng tư vấn đánh giá an toàn đập và thực hiện đánh giá mức độ an toàn đập, hồ chứa, khả năng tích nước hồ. Tuy nhiên, đến nay hầu hết các huyện, thị xã có đập, hồ chứa chưa thực hiện việc thành lập hội đồng tư vấn đánh giá an toàn đập theo phân cấp tỉnh. Đây là một khó khăn thực sự trong việc xác định nguy cơ xẩy ra mất an toàn từ các hồ chứa trước mùa mưa lũ.

Sự cố xói, sạt trượt khoảng 70 m tuyến kênh chính thuộc hệ thống kênh Bắc sông Chu – Nam sông Mã, đoạn từ K5+170 đến K5+240 hiện đã được khắc phục tạm thời nhưng vẫn chưa hoàn thành sửa chữa. Ảnh: VD.

Sự cố xói, sạt trượt khoảng 70 m tuyến kênh chính thuộc hệ thống kênh Bắc sông Chu – Nam sông Mã, đoạn từ K5+170 đến K5+240 hiện đã được khắc phục tạm thời nhưng vẫn chưa hoàn thành sửa chữa. Ảnh: VD.

Bài liên quan

Trước mùa mưa bão hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đều chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cho hồ chứa nước và vùng hạ du.

Đến thời điểm này, các đơn vị thủy nông trên địa bàn tỉnh đã vận hành thử các trạm bơm tiêu, cống tiêu, cửa van, thiết bị phục vụ xả lũ của các hồ chứa nước và bố trí đủ thiết bị dự phòng bảo đảm vận hành công trình trong mọi tình huống.

Thanh Hóa cũng đã bố trí vốn đầu tư sửa chữa, nâng cấp 35 hồ; đang triển khai thi công 54 công trình gồm 17 hồ chứa, 7 đập dâng, 4 trạm bơm và 26 công trình kênh mương. 93 công trình, trong đó có 30 hồ chứa; 30 đập dâng; 7 trạm bơm và 26 công trình kênh mương cũng đang chuẩn bị được đầu tư nâng cấp, sửa chữa.

Các đơn vị thủy nông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vận hành thử các trạm bơm tiêu, cống tiêu, cửa van, thiết bị phục vụ xả lũ của các hồ chứa nước. Ảnh: VD.

Các đơn vị thủy nông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vận hành thử các trạm bơm tiêu, cống tiêu, cửa van, thiết bị phục vụ xả lũ của các hồ chứa nước. Ảnh: VD.

Đại diện Chi cục Thủy lợi tỉnh Thanh Hóa cho hay, hiện nay địa phương đang khẩn trương đốc thúc khắc phục, sửa chữa các công trình bị hư hỏng và chuẩn bị phương án đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa lũ năm 2021. Đối với các công trình đang triển khai thi công, địa phương sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đảm bảo vượt lũ, chống lũ an toàn và sớm đưa vào vận hành, phục vụ sản xuất.

Đối với 93 hồ chứa bị hư hỏng nặng, có nguy cơ mất an toàn, Thanh Hóa sẽ chủ động gia cố, sửa chữa các hư hỏng, hạn chế tối đa xảy ra sự cố mất an toàn cho công trình và vùng hạ du; tập kết đầy đủ nhân lực, vật tư, máy móc, thiết bị theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sáng ứng phó khi có sự cố xảy ra. Với 35 công trình đã được bố trí nguồn vốn đầu tư, Thanh Hóa sẽ khẩn trương thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư để sớm triển khai thi công, sửa chữa, đảm bảo an toàn công trình.

Nhiều công trình thủy lợi tại Thanh Hóa cần được sửa chữa dứt điểm

Năm 2020, tại Thanh Hóa xẩy ra sự cố xói, sạt trượt khoảng 70 m tuyến kênh chính thuộc hệ thống kênh Bắc sông Chu – Nam sông Mã, đoạn từ K5+170 đến K5+240. Sự cố đã được khắc phục tạm thời để phục vụ sản xuất nhưng vẫn chưa hoàn thành sửa chữa. Ngoài ra, các hệ thống thuộc tuyến kênh chính Bắc và Nam sông Mã sau 2 năm đưa vào khai thác sử dụng đã bộc lộ một số tồn tại, hư hỏng. Do kinh phí hạn chế nên việc sửa chữa, khắc phục công trình này vẫn chưa đảm bảo.

  • Tags:
Xem thêm
Trà Vinh kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng

Tỉnh này đã họp bàn tinh gọn tổ chức bộ máy, kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng và thành lập 2 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy.

Vượt thách thức, triển khai toàn diện công tác thủy lợi, nước sạch nông thôn

Mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2024, nhưng Cục Thủy lợi đã triển khai thực hiện toàn diện công tác về thủy lợi, nước sạch nông thôn.

Khánh Hòa dự báo mưa lớn, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất

Theo dự báo, từ đêm 23 - 25/12, tỉnh Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất…