| Hotline: 0983.970.780

Sớm kiện toàn hệ thống thú y các cấp

Thứ Sáu 16/04/2021 , 08:31 (GMT+7)

Không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế mà dịch bệnh trên động vật còn lây sang người nên việc kiện toàn, nâng cao năng lực hệ thống thú y vô cùng cần thiết.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến (trái) và Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông chủ trì Hội nghị triển khai Quyết định số 414. Ảnh: Nguyên Huân.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến (trái) và Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông chủ trì Hội nghị triển khai Quyết định số 414. Ảnh: Nguyên Huân.

Dịch tả lợn Châu Phi gây thiệt hại khoảng 28.000 tỷ đồng

Tại Hội nghị triển khai Quyết định số 414/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021-2030 và phòng chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò (VDNC) diễn ra ngày 15/4 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, có tới 75% dịch bệnh nguy hiểm ở trên người có nguồn gốc từ động vật và đại dịch Covid-19 vừa qua là ví dụ điển hình.

Tại Việt Nam, năm 2015, Quốc hội thông qua Luật Thú y, tạo hành lang pháp lý quan trọng để ngành thú y có cơ sở tổ chức triển khai nhiệm vụ chuyên ngành.

Cụ thể, quy định của Luật Thú y, ở cấp Trung ương có Cục Thú y, trực thuộc Bộ NN-PTNT, cấp tỉnh có Chi cục Chăn nuôi, Thú y trực thuộc Sở NN-PTNT, cấp huyện có trạm thú y trực thuộc Chi cục Chăn nuôi, Thú y tỉnh đóng trên địa bàn cấp huyện.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, do dịch bệnh trên động vật không chỉ có nguy cơ gây bệnh đối với con người mà còn đang gây tổn thất rất lớn về kinh tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển ngành chăn nuôi, tác động lớn đến nguồn cung thực phẩm nên việc tổ chức kiện toàn hệ thống ngành dọc thú y thành các cấp có ý nghĩa vô cùng quan trọng với ngành chăn nuôi của Việt Nam.

Riêng dịch tả lợn Châu Phi đã gây thiệt hại cho nền kinh tế của nước ta khoảng 28.000 tỷ đồng, trong đó Nhà nước đã hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh này khoảng 13.000 tỷ đồng.

Dịch bệnh cũng chính là rào cản kỹ thuật rất lớn đối với xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi có nguồn gốc động vật từ Việt Nam sang các nước hiện nay.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sớm kiện toàn, nâng cao năng lực hệ thống thú y các cấp. Ảnh: Nguyên Huân.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sớm kiện toàn, nâng cao năng lực hệ thống thú y các cấp. Ảnh: Nguyên Huân.

Cần bám sát Luật Thú y và Quyết định 414

"Đúng là việc triển khai Quyết định số 414 của Thủ tướng có những chỗ chồng chéo với Nghị quyết 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương, nhưng trên tinh thần các địa phương phải bám sát vào Luật Thú y và Quyết định 414.

Bộ NN-PTNT và Bộ Nội vụ sẽ thống nhất về Đề án này và có hướng dẫn cụ thể các địa phương trong thời gian tới. Nhưng trên hết, ngành chăn nuôi thú y cần phải đoàn kết, thống nhất trách nhiệm và chủ động hội nhập, đặc biệt trong công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái, đẩy mạnh xúc tiến thương mại xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Theo Cục Thú y, để tổ chức triển khai thực hiện Đề án, ngày 1/4/2021, Bí thư Ban Cán sự Đảng bộ Bộ NN-PTNT đã ban hành Kế hoạch số 02-KH-BCSĐ tổ chức triển khai thực hiện Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp (Đề án ngành thú y).

Kế hoạch đưa ra 8 nhóm nhiệm vụ kèm theo giải pháp tương ứng với các nội dung trong Đề án ngành thú y, cũng như phân công nhiệm vụ, thời gian thực hiện cụ thể cho các cơ quan thuộc Bộ.

Ngày 14/4/2021, Bộ NN-PTNT ban hành Công văn số 2173/BNN-TY gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức triển khai Đề án ngành thú y và Kế hoạch số 02-KH-BCSĐ, theo đó đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy chỉ đạo các Ban, Sở, ngành liên quan và chính quyền các cấp khẩn trương tổ chức xây dựng, trình cấp có thẩm quyền của địa phương phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện bảo đảm đúng các nội dung tại Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ và phù hợp với Kế hoạch số 02-KH/BCSĐ của Ban Cán sự Đảng Bộ NN-PTNT.

Mục tiêu chung của Đề án trong giai đoạn 2021- 2030 hướng đến kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, bảo đảm tổ chức thực hiện các hoạt động thú y có hiệu lực, hiệu quả, kiểm soát tốt dịch bệnh động vật, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và chủ động hội nhập sâu rộng quốc tế.

Hiện công tác phòng chống dịch bệnh đang gặp rất nhiều khó khăn do nhiều địa phương không còn cán bộ thú y cơ sở. Ảnh: TL.

Hiện công tác phòng chống dịch bệnh đang gặp rất nhiều khó khăn do nhiều địa phương không còn cán bộ thú y cơ sở. Ảnh: TL.

Tại hội nghị, các đại biểu thống nhất cao với việc tiếp tục tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp để hoàn thành tốt các nhiệm vụ với yêu cầu ngày càng cao và những thách thức, áp lực giao thương với quốc tế ngày càng lớn. Đặc biệt, việc sớm kiện toàn Đề án giúp ngăn chặn, kiểm soát tốt các loại dịch bệnh nguy hiểm, bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Nhìn chung, đa phần các kiến nghị tại Hội nghị đều mong muốn Bộ NN-PTNT và Bộ Nội vụ cần thống nhất khung hướng dẫn kiện toàn bộ máy thú y cơ sở để thuận tiện trong việc triển khai khi xuống địa phương.

Ông Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, cho rằng, khó khăn nhất là việc thực hiện tái sáp nhập lại các trạm thú y cấp huyện như thế nào nhằm đảm bảo phù hợp với các vị trí việc làm, phù hợp với công tác phòng chống dịch bệnh hiện nay. Đơn cử như đợt chống dịch viêm da nổi cục trên gia súc vừa qua, tỉnh Hòa Bình phải huy động cả hệ thống chính trị vào tham gia mới chống được.

Ngay cả hoạt động tiêm phòng, vừa rồi tỉnh Hòa Bình nhập vacxin về nhưng nhiều huyện không có cán bộ thú y để tiêm do cán bộ thú y cấp xã đã nghỉ hết khi giải thể các trạm. Có huyện vacxin viêm da nổi cục về 1 tuần rồi nhưng chưa tiêm được mũi nào, buộc lực lượng của Chi cục Thú ý tỉnh phải huy động nhân lực xuống giúp.

Cả nước còn 761 ổ dịch viêm da nổi cục

Theo Cục Thú y, tính từ tháng 10/2020 đến nay, cả nước xảy ra 950 ổ dịch tại 917 xã thuộc 151 huyện của 25 tỉnh, thành phố. Tổng số gia súc mắc bệnh là 22.397 con, trong đó đã tiêu hủy là 1.761 con. Hiện nay, cả nước có 761 ổ dịch tại 126 huyện của 21 tỉnh chưa qua 21 ngày. Tổng số gia súc mắc bệnh là 20.478 con, số gia súc đã tiêu hủy là 1.525 con.

Ngay khi có thông tin về dịch bệnh viêm da nổi cục (VDNC) xuất hiện tại Trung Quốc vào tháng 7/2020 và nguy cơ dịch bệnh xâm nhiễm vào Việt Nam, ngày 18/8/2020, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Cục Thú y ban hành Công văn số 1355/TY-DT gửi Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố và các cơ quan liên quan hướng dẫn nhận biết về bệnh VDNC, lấy mẫu xét nghiệm và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Bộ NN-PTNT bên cạnh việc ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh VDNC đã thành lập nhiều đoàn công tác trực tiếp đến các địa phương để phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo xử lý các ổ dịch cũng như triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh lây lan diện rộng. Tổ chức 6 hội nghị, hội thảo với sự tham dự của đại diện của đại diện Văn phòng Chính phủ, các Ban, Bộ, ngành liên quan, UBND, Sở NN-PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y các tỉnh, thành phố, đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ NN-PTNT về công tác chủ động phòng, chống dịch bệnh VDNC với đồng thời đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch bệnh một cách hiệu quả và chủ động.

Cục Thú y đã ban hành Quyết định số 515/QĐ-TY-DT ban hành Tiêu chuẩn cơ sở xét nghiệm phát hiện virus gây bệnh VDNC ở trâu bò trên mẫu sinh phẩm từ trâu, bò để thống nhất áp dụng tại tất cả 8 phòng thí nghiệm thuộc Cục Thú y. Song song với việc chủ động trong công tác chẩn đoán xét nghiệm, Bộ NN-PTNT cũng đã chỉ đạo Cục Thú y chủ động phối hợp với các Viện nghiên cứu, học viện và các doanh nghiệp có tiềm năng, kinh nghiệm để tổ chức nghiên cứu đặc điểm dịch tễ từ đó làm cơ sở để nghiên cứu, sản xuất vacxin phòng bệnh.

Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp giai đoạn 2021-2030 sẽ có 4 dự án theo danh mục ưu tiên. Theo đó sẽ tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật, bệnh truyền lây giữa động vật và người. Tăng cuờng năng lực quản lý, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm đối với động vật, sản phẩm động vật. Nâng cao năng lực quản lý, nghiên cứu, sản xuất, kiểm nghiệm, khảo nghiệm thuốc, vac xin thú y bảo đảm chất lượng, an toàn và hiệu quả. Đầu tư, nâng cấp, tăng cường năng lực quản lý, hệ thống các phòng thí nghiệm chẩn đoán, xét nghiệm bệnh động vật, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.

Xem thêm
Báo chí phải phản ánh hào khí và sức vươn lên của dân tộc

Kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới, cao hơn đối với báo chí cách mạng, đòi hỏi báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc, xứng tầm nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng là 500.000 đồng

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất kể từ ngày 1/7, mức trợ cấp hưu trí xã hội là 500.000 đồng cho người từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu.

Trường Sơn: Hương tóc, hương rừng

Những ngày cuối năm, đồng bào PaKô, Vân Kiều thôn Trăng – Tà Puồng, mang a chói (gùi) sau lưng, lũ lượt vào rừng hái bồ kết đem về phơi khô, bán cho thương lái...