Cơ sở vật chất, con giống của Trung tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương có sự phát triển rõ rệt sau khi triển khai dự án. |
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương Phạm Duy Phẩm nhấn mạnh, từ nguồn kinh phí được đầu tư trong giai đoạn 2009 - 2015, dự án đã xây dựng được một cơ sở chăn nuôi lợn giống hạt nhân với qui mô chuồng trại 350 lợn nái (Trạm Nghiên cứu và Phát triển giống lợn hạt nhân Kỳ Sơn) tại Kỳ Sơn, Hòa Bình.
Dự án cũng nhập nguồn gen cao sản cho cơ sở chăn nuôi lợn giống hạt nhân trên, gồm các giống Landrace, Yorkshire và Duroc: 250 con lợn cái hậu bị và 40 con lợn đực hậu bị thuần từ Pháp, Mỹ và Canada.
Các giống lợn Landrace, Yorkshire có năng suất sinh sản tại nơi nhập đạt số con cai sữa/ổ ≥ 12. Số lứa đẻ/nái/năm > 2,3; năng suất sinh trưởng đạt > 700gr/con/ngày. Nhập 600 liều tinh lợn các giống Landrace, Yorkshire và Duroc.
Đến nay, các giống lợn và số lượng tinh lợn nhập nội đã được sử dụng nhân thuần, chọn lọc nâng cao năng suất, tăng qui mô lợn nái cho Trạm Nghiên cứu và Phát triển giống lợn hạt nhân Kỳ Sơn lên 350 nái, cải tạo thay thế và tăng qui mô đàn lợn nái sinh sản tại Trạm Nghiên cứu và Phát triển giống lợn hạt nhân Tam Điệp lên 800 con.
Các giống lợn trên đang được sử dụng để nghiên cứu tạo ra các giống lợn mang thương hiệu Việt Nam có đặc điểm về ngoại hình, năng suất cao đáp ứng đươc yêu cầu của sản xuất.
Cụ thể, đối với dòng lợn nái có năng suất đã nhân được 26 - 28 lợn con cai sữa/nái/năm; ngày tuổi đạt khối lượng 100kg: 150-155 ngày; tỷ lệ nạc: 61%; FCR < 2,5 kg và dài thân thịt (khi mổ ở 100kg) đạt: 95 – 97 cm.
Đối với dòng lợn đực có năng suất ngày tuổi đạt khối lượng 100kg: 140-145 ngày; tỷ lệ thịt xẻ ở khối lượng 100-120 kg/con đạt: 73 -75%; tỷ lệ nạc > 62%; tỷ lệ mỡ giắt > 3,5%; FCR < 2,5 kg; dài thân thịt (khi mổ ở 100kg): 95 - 97 cm.
Với qui mô 350 lợn nái cụ kỵ, hàng năm Trạm Nghiên cứu và Phát triển giống lợn hạt nhân Kỳ Sơn có thể chuyển giao vào sản xuất 2.270 lợn cái hậu bị ông bà và 1.170 lợn đực giống hậu bị các loại. Năng suất đàn lợn cao hơn so với trung bình toàn đàn 17 - 27%.
Việc tiến hành cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị cho Trạm Nghiên cứu và Phát triển giống lợn hạt nhân Tam Điệp từ dự án đã đáp ứng nâng qui mô từ 500 lên 800 nái sinh sản.
Đầu tư dự án đã giúp trung tâm có cơ sở nuôi giữ đàn giống an toàn về dịch bệnh, đảm bảo giữ gìn môi trường an toàn cho cộng đồng. |
Từ năm 2016, Trạm Nghiên cứu và Phát triển giống lợn hạt nhân Tam Điệp đã sản xuất được 3.250 lợn cái hậu bị ông bà, 1.300 lợn cái hậu bị bố mẹ và 1.600 lợn đực giống, tăng năng suất 27% và tăng số lượng 40% so với qui mô trước khi được đầu tư.
Giám đốc Trung tâm Phạm Duy Phẩm khẳng định, kết quả thực hiện dự án phù hợp đúng mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các hạng mục đầu tư đáp ứng với yêu cầu phát triển công tác nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực về chăn nuôi lợn không chỉ đối với Trung tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương mà còn hỗ trợ đắc lực trong công tác nghiên cứu của các bộ môn trực thuộc Viện và các cơ sở nghiên cứu khoa học khác.
"Trong giai đoạn 2012 - 2014, năng suất chăn nuôi lợn vẫn còn nhiều hạn chế. Số con cai sữa/nái/năm chỉ đạt khoảng 20 con. Tuy nhiên, sau khi có sự hỗ trợ con giống từ dự án, đàn giống tại các cơ sở sản xuất giống được dự án hỗ trợ đã nâng cao được số con cai sữa/nái/năm. Đối với đàn lợn ông bà đạt 21,6 – 22,1 con, đàn lợn bố mẹ đạt 22,1 - 23,1 con, tăng 10,5 - 15,5% so với đàn lợn các cơ sở đang nuôi giữ”, ông Phạm Duy Phẩm.
Đầu tư dự án đã giúp trung tâm có cơ sở nuôi giữ đàn giống an toàn về dịch bệnh, đảm bảo giữ gìn môi trường an toàn cho cộng đồng. Từ đó có thể nghiên cứu tạo và nhân các giống lợn có chất lượng cao chuyển giao vào sản xuất. |