Tính đến hết năm 2018, Trung tâm Tài nguyên thực vật đã thu thập nguồn gen tại 53 tỉnh/thành phố, với tổng số 12.250 mẫu giống nguồn gen. |
Tài nguyên di truyền thực vật có vị trí quan trọng trong công tác nghiên cứu chọn tạo giống, góp phần đảm bảo an ninh lương thực Quốc gia, vì vậy Bộ NN-PTNT đã giao nhiệm vụ phát triển ngân hàng gen cây trồng Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 cho Trung tâm Tài nguyên thực vật, với mục tiêu nâng tầm lĩnh vực này ngang hàng các nước trong khu vực.
Trong gần 10 năm triển khai thực hiện, dự án đã tập trung thu thập nguồn gen có nguy cơ xói mòn, đánh giá nguồn gen, lưu giữ nguồn gen, nhân giống nguồn gen mới thu nhập và khai thác, sử dụng nguồn gen hiệu quả.
Tính đến hết năm 2018, dự án đã triển khai thu thập nguồn gen cây trồng tại 53 tỉnh/thành phố, với tổng số 12.250 mẫu giống nguồn gen các nhóm cây, bao gồm: Hòa thảo (lúa, ngô, kê, cao lương, ý dĩ, mỳ mạch…); nhóm rau, gia vị (bầu, bí, mướp, ớt, cải, cà..); nhóm đậu đỗ (đậu tương, đậu xanh, lạc, vừng…); nhóm cây có củ (khoai môn, khoai sọ, sắn, khoai lang, khoai từ, khoai vạc, dong riềng, gừng, nghệ…); nhóm cây ăn quả, cây công nghiệp và cây hoa...
Dự án đã đánh giá bước đầu các tính trạng hình thái nông học để hoàn thiện cơ sở dữ liệu nguồn gen của 8.405 mẫu giống các nhóm cây hòa thảo, đậu đỗ, rau, gia vị...; đánh giá chi tiết 4.710 mẫu giống, trong đó đánh giá đa dạng di truyền bằng chỉ thị ADN, lập tiêu bản ADN của 1.450 mẫu giống (lúa 1.287 mẫu giống, đậu tương 65 mẫu giống, đậu xanh 98 mẫu giống).
Trong thời gian thực hiện dự án, tập thể cán bộ nghiên cứu của Trung tâm đã đánh giá trong điều kiện nhân tạo 400 mẫu giống lúa chống chịu bệnh đạo ôn, 300 mẫu chống chịu rầy nâu, 250 mẫu chống chịu bệnh bạc lá, 350 mẫu chịu hạn và 350 mẫu giống lúa chịu mặn; phân tích chất lượng nông sản 1.600 mẫu giống lúa; 10 mẫu giống các nguồn gen khoai môn, khoai sọ, khoai từ và khoai vạc.
Trung tâm cũng đã hoàn thành lưu giữ an toàn trong kho lạnh 9.000 mẫu giống mới thu thập; trên 1.200 mẫu giống các nguồn gen cây có củ, cây hoa sen đang được lưu giữ trên đồng ruộng; 500 nguồn gen khoai môn, khoai sọ, khoai từ, khoai vạc, chuối, gừng, nghệ đang được lưu giữ in-vitro.
Cán bộ Trung tâm Tài nguyên thực vật kiểm tra giống. |
Đã tiến hành nhân giống 9.526 lượt mẫu giống các nguồn gen mới thu thập; trong đó, có 2.636 lượt mẫu giống các nguồn gen lúa, kê, cao lương, ý dĩ, mỳ mạch…; 3.053 lượt mẫu giống các nguồn gen đậu tương, đậu xanh, lạc, vừng…; 3.837 lượt mẫu giống các nguồn gen mướp, cà chua, bầu, bí đỏ, cải các loại, cà các loại, ớt, rau đay...
Để cung cấp giống tốt cho sản xuất, Trung tâm đã tiến hành khai thác, sử dụng trực tiếp một số giống cây trồng có tiềm năng năng suất và chất lượng cao. Điển hình là các giống lúa (Dự lùn Nam Định, Nếp xoắn Hải Phòng, Khẩu đạc na, Nếp bắc Hải Hậu, Quế râu Tân Uyên); Cải củ hạt ươm Quảng Yên, Quảng Ninh; Bí xanh pỉn xanh Tân Lạc, Hòa Bình; Đậu đen xanh lòng Tuyên Quang, Đậu xanh hạt nhỏ Nam Đàn, Nghệ An; Bưởi đào chín sớm Song Phượng, Bưởi chua đầu tôm Sài Sơn; Khoai sọ KS4 và Khoai sọ bế em, tỏi Tía Bắc Giang, lạc Chùm Nghệ An và giống Đậu bắp Đông Anh.
Thời gian tới Trung tâm Tài nguyên thực vật đặt mục tiêu điều tra, thu thập nguồn gen cây trồng bản địa, địa phương có giá trị kinh tế. Tập trung đánh giá theo hướng xác định trính trạng quý của nguồn gen, đồng thời đánh giá sâu về di truyền và phân tử. Tư liệu hoá, thông tin và giới thiệu nguồn gen cây trồng bản địa, địa phương có giá trị kinh tế. Xúc tiến chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) dựa trên nguồn gen cây trồng bản địa, địa phương có giá trị kinh tế. |