| Hotline: 0983.970.780

Thao thức cho bao nhiêu thế hệ học sinh vào đời lập thân lập nghiệp

Chủ Nhật 13/11/2022 , 23:02 (GMT+7)

60 năm trường THPT Can Lộc là điểm hẹn của quá khứ và hiện tại với những gương mặt thân quen, vừa yêu thương gần gũi, vừa ấm áp nghĩa tình sâu nặng.

Toàn cảnh Trường THPT Can Lộc

Toàn cảnh Trường THPT Can Lộc

Tại mảnh đất Trường Lưu – lưu giữ mãi nền văn hóa đẹp, sáng sớm nay có một cuộc hội ngộ với bao niềm vui và tự hào ào ạt hiện về trong mỗi con người của 60 thế hệ.

Hành trình 60 năm

Chúng tôi – thế hệ thứ bao nhiêu trong dòng chảy thời gian ấy, hôm nay cũng có mặt về đây với bao cảm xúc dạt dào. Trường cũ, thầy - cô giáo cũ, bạn cũ và những gương mặt mới đầy thân thương cứ níu kéo trong cảm xúc dâng trào của ngày hội trường.

60 năm mấy hẹn hò

Phút giây gặp lại thầy trò bên nhau

Dựng xây từ thủa ban đầu

Mái trường xưa vẫn trước sau vẹn toàn.

Ngược thời gian của một hoa giáp, chúng ta cùng nhau hành trình tìm về dấu mốc mái trường cấp 3 đầu tiên của huyện Can Lộc.

Năm đó, chiến tranh bom đạn đế quốc Mỹ vẫn ác liệt nhưng nào ngăn cản được truyền thống hiếu học của một miền quê giàu truyền thống cách mạng ấy.

Và tháng 7 năm 1962, Ủy ban Hành chính (nay là UBND tỉnh Hà Tĩnh) đã ra quyết định thành lập Trường cấp III Can Lộc đặt tại Trảo Nha, thị trấn Nghèn.

Ngày 12 tháng 9 năm 1962 – Lễ khai giảng đầu tiên đã diễn ra thật cảm động, có mặt đầy đủ học sinh 3 lớp 8 với 150 em, 9 giáo viên và 4 cán bộ hành chính. Đặc biệt là có đông đủ phụ huynh và đại diện lãnh đạo các huyện có con em học sinh tại trường là Can Lộc, Nghi Xuân, Thạch Hà và Ty Giáo dục Hà Tĩnh.

Thầy giáo Phan Đăng Nhân, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường hôm nay nhớ lại rằng, đội ngũ giáo viên 9 người ngày đó, buổi đầu tuy ít ỏi về số lượng nhưng đủ mạnh về trí lực, tâm huyết và tinh thần say mê cống hiến. Họ là những người thầy khai sinh và đặt nền móng cho sự nghiệp giáo dục của trường. Đó là các thầy Nguyễn Đình Thức (Hiệu trưởng đầu tiên), thầy Bùi Văn Tý, thầy Đậu Bá Công, thầy Phạm Văn Hay, thầy Trần Tấn Hành, thầy Lê Văn Bích, thầy Hoàng Nghĩa Quán, thầy Nguyễn Xuân Hồ và thầy Nguyễn Quy.

Cuối học kỳ I năm học 1963 – 1964, một sự kiện diễn ra đầy cảm động, đó là buổi tiễn đưa các học sinh lớp 9 lên đường nhập ngũ. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, những thanh niên học sinh của Trường Cấp III Can Lộc đã “xếp bút nghiên” lên đường ra trận.

Rồi trước những hành động leo thang phá hoại miền Bắc ngày càng ác liệt của đế quốc Mỹ, Ủy ban Hành chính tỉnh Hà Tĩnh đã có lệnh sơ tán cho các trường học trong tỉnh. Và trường Cấp III Can Lộc đã được lệnh sơ tán về địa điểm mới ở chân Rú Cài xã Thanh Lộc.

Trong ký ức thầy cô giáo, học sinh thời bấy giờ còn tươi nguyên những kỷ niệm. Đêm đêm cứ khoảng 7 giờ tối, thầy trò từng tốp, tác phong “quân sự hóa” vượt qua Quốc lộ 1A tập kết tại địa điểm cũ để gồng gánh chuyên chở bàn ghế, tranh tre lán trại về cơ sở mới. Mỗi lần có máy bay địch thả pháo sáng mọi người nằm rạp sát đất một cách bất động, không kể bùn lầy, ruộng nước, bờ sông …

Cô và trò Trường THPT Can Lộc 

Cô và trò Trường THPT Can Lộc 

Cựu học sinh Trần Thị Lữ (khóa học 1968 – 1971) hôm nay cũng có mặt trong buổi hội trường. Ngồi cạnh tôi, cô chia sẻ, không thể nói hết được những năm tháng ấy. “Ngày hôm qua, lớp của cô hội ngộ được 40 bạn, xúc động lắm cháu ạ. Và hôm nay khi màn hoạt cảnh truyền thống của trường đã nhắc đến giai đoạn của chúng tôi. Lớp của cô có những bạn đã lên đường nhập ngũ. Nhiều người hôm nay không có mặt ở buổi lễ này nhưng họ đã góp phần tô thắm thêm vẻ đẹp truyền thống của mái trường”, cô chia sẻ.

Tiếp tục hành trình với nhiều gian nan thử thách, năm 1983 trường chuyển về địa điểm mới ở xã Trường Lộc. Khoảnh đất 3,5ha thực sự trở thành công trường hối hả. Nào san ủi mặt bằng, cất bốc mồ mã, vận chuyển vật liệu từ trường cũ về, nào xây các phòng học cấp 4, làm thêm các lán học lợp tranh, trát vách đất…

Sau hơn 3 tháng vất vả của thầy trò và phụ huynh, ngôi trường đã cơ bản định hình. Tuy còn ngổn ngang bề bộn nhưng vẫn đáp ứng kịp khai giảng năm học mới.

Trong những năm học từ 1984 – 1988, nhà trường có kế hoạch tập trung huy động nội lực ngói hóa và xanh hóa mái trường. Hàng năm, mỗi học sinh nộp 100 viên gạch mộc, trường thuê thợ đốt lò lộ thiên; kiên trì mãi đến năm 1987 thì xóa được nhà tranh. Cùng với thời gian, những hàng cây được trồng đủ loại, dù chưa quy hoạch rõ ràng cũng ngày càng lớn. Màu xanh khỏa lấp dần những khoảng trống trơ của sân trường và các khu vực khác.

Xây nên bằng trái tim nhiệt huyết của bao nhiêu thế hệ

Với tinh thần cầu thị, quyết tâm xây dựng trường phát triển, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân, của các cấp, của ngành giáo dục, Ban Giám hiệu đã chịu khó học hỏi kinh nghiệm, quản lý từ sách vở, từ thực tiễn phong phú đa dạng, từ kinh nghiệm các bậc tiền nhiệm, xây dựng khối đoàn kết, tập trung cao nhất cho dạy và học. Từ đó, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp, đạt học sinh giỏi tỉnh, quốc gia và đỗ vào các trường Đại học có uy tín ngày càng cao.

Đã có hàng vạn học sinh ra trường từ đây tung cánh muôn phương trên mọi nẻo đường đất nước và có cả ở nước ngoài. Có nhiều tấm gương học sinh thành đạt trên tất cả các lĩnh vực khoa học, kinh tế, chính trị, văn hóa… Họ đã đóng góp công sức trí tuệ và nguồn lực lớn cho phát triển quê hương, đất nước.

Tự hào vì trường 60 năm qua, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đã phấn đấu hy sinh cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp của nhà trường. Nhiều tấm gương thầy cô giáo đã trở thành biểu tượng sáng ngời cao đẹp trong lòng học sinh các thế hệ và trong lòng nhân dân. Họ xứng đáng là những người mở đường gieo mầm ước mơ, truyền cảm hứng và hành trang tri thức cho bao nhiêu thế hệ học sinh vào đời lập thân, lập nghiệp.

Thầy giáo Đinh Sỹ Cổn, nguyên Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường có mặt trong buổi lễ 60 năm thành lập trường đã chia sẻ rằng, cùng với cảm xúc vui sướng tự hào là một niềm tin vững chắc vào sự phát triển của mái trường.

Thầy nói, hành trình xây dựng 60 năm qua đầy gian khó mà vinh quang rất đỗi tự hào. Chặng đường tiếp theo của sự nghiệp nhà trường bên cạnh những yếu tố thuận lợi cũng còn nhiều thử thách. Những năm gần đây quy mô số lượng học sinh giảm khá nhiều, chất lượng tuyển sinh đầu vào luôn ở tốp trường thấp rất khó khăn cho việc phát triển chất lượng mũi nhọn học sinh giỏi.

Giáo dục Việt Nam hiện nay lại đang đứng trước một giai đoạn có những thay đổi lớn, trước tiên là đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Đội ngũ giáo viên còn những bất cập, chưa cân đối về số lượng, chất lượng. Trường đóng địa bàn xa trung tâm, giao thông không thuận tiện.

Tuy vậy chúng ta vẫn luôn có niềm tin vững chắc về sự phát triển tốt đẹp của trường. Quan trọng nhất hiện nay trường có đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý đầy nhiệt huyết sức trẻ và năng lực tốt, đoàn kết phấn đấu tất cả vì học sinh thân yêu.  

Cũng theo thầy giáo Đinh Sỹ Cổn, chất lượng tuyển sinh đầu vào thấp nhưng sản phẩm đầu ra sau 3 năm học rất tích cực. Năm nào cũng có nhiều học sinh vào Đại học, nhiều học sinh đạt điểm cao vào các trường Đại học lớn, uy tín. Hiện tại trường đang đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2 và nhiều năm liền là trường tiên tiến và tiến xuất sắc.

Ghi nhận những đóng góp của nhà trường trong sự nghiệp giáo dục, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều Bằng khen, Cờ thi đua của các Bộ, ngành và UBND tỉnh cho Trường THPT Can Lộc.

Cán bộ, giáo viên và học sinh cũ trong ngày hội trường 60 năm

Cán bộ, giáo viên và học sinh cũ trong ngày hội trường 60 năm

Chúng tôi nhận thức rằng, từ thành quả đã gặt hái được, nhà trường đã rút ra những bài học kinh nghiệm cho chính mình. Chỉ có năng nỗ đổi mới, sáng tạo, làm mới phương pháp giảng dạy, đầu tư trang thiết bị, tiếp cận những tri thức của nhân loại và phát huy trí tuệ con người, chung sức, chung lòng đoàn kết cùng đi lên. Chỉ có suy nghĩ và hành động như vậy mới có thể hoàn thiện được mình tiếp tục đưa sự nghiệp giáo dục của nhà trường phát triển theo xu hướng của thời đại, giáo dục con người vì ngày mai tươi sáng. Đó là một sứ mệnh lịch sử hết sức nặng nề tiếp tục đặt lên đôi vai thầy và trò Trường THPT Can Lộc.

Cuộc hành trình suốt 60 năm trong bối cảnh đất nước trải qua bao biến cố, từ thế hệ thầy trò đầu tiên đến những lớp học sinh sau này là một chặng đường khó phai mờ trong ký ức. Chiến tranh bom đạn tàn phá, mái trường xưa bao lần sơ tán, bấy nhiêu lần chia ly. Long đong vất vả là thế, vậy mà thầy trò nhà trường vẫn vững bước đi lên, đi lên từ gian khổ, đi tới ngày hôm nay để tới một ngày của Trường THPT Can Lộc năm 2022 có cả vạn ngày trước đó xây đắp nên, xây nên bằng trái tim nhiệt huyết chân thành của bao nhiêu thế hệ.

Trường có đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý đầy nhiệt huyết sức trẻ và năng lực tốt, tất cả vì học sinh thân yêu.

Trường có đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý đầy nhiệt huyết sức trẻ và năng lực tốt, tất cả vì học sinh thân yêu.

Ngày mai có thể nhà trường vẫn chưa hết khó khăn, cuộc hành trình phía trước có thể vẫn còn gian truân vất vả, song từ ước mơ xưa đã biến thành hiện thực thì cái hiện thực sinh động hôm nay chắc chắn Trường THPT Can Lộc sẽ vượt qua, sẽ đưa vị thế nhà trường tiếp tục vươn lên một tầm cao mới.

Trong ngày hội trường hôm nay, chúng tôi vui mừng được gặp lại nhiều gương mặt thân quen. Gặp lại người thầy đáng kính Nguyễn Huy Lập cùng với thầy giáo Nguyễn Văn Quyến, tôi nhắc lại một kỷ niệm trong buổi tập huấn công tác đoàn ngày 16 tháng 9 năm 2002.

Hôm đó, thầy Quyến là Bí thư Đoàn trường chủ trì, thầy Lập là Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường dự và có phát biểu. Tôi nhớ thầy Lập đã nhắc đến câu nói của một danh nhân rằng, tuổi trẻ phải biết mơ mộng và cương nghị, giàu trí tưởng tượng và sẵn óc thực hành, có chí lớn say mê làm việc nhỏ.

Sau này ra trường, có dịp biên thư về cho thầy, tôi vẫn nhắc lại lời thầy năm xưa. Vì thế có dịp hội ngộ, thầy trò nhớ lại những kỷ niệm một thời không thể nào quên ấy.

Với cô giáo Phan Thị Sơn, chủ nhiệm chúng tôi 3 năm thì thương học trò vô điều kiện. Ngày đó chúng tôi rất khó khăn, số học sinh nghèo như tôi, thường đầu năm học cô ứng tiền ra để đóng nộp trước cho trò, đến mùa gặt lúa (tháng 5) sắp hết năm học thì bố mẹ bán lúa mới có tiền gửi lại cô. Và tôi, cứ trước Tết thì vay tiền cô để về cho mẹ mua sắm Tết.  

Còn thầy giáo Trần Văn Mão thấy tôi tiếp thu môn học chậm, đã dành khá nhiều thời gian ngoài giờ vào ban đêm để chỉ bảo thêm cho trò. Nhiều đêm, thầy bảo vợ nấu chè đỗ đen cho hai thầy trò ăn. Mới đó đã 20 năm ra trường.

Và thương nhớ thầy giáo Hồ Quang Lục. Trong buổi lễ hôm nay vắng bóng thầy. Trên bàn thờ thầy hôm nay khói hương nghi ngút. Nhiều em học sinh về dự lễ 60 năm thành lập trường đã qua nhà thầy phía sau trường thành kính thắp nén hương tưởng nhớ thầy!

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sáng 23/1, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tới đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất