| Hotline: 0983.970.780

Thấp thỏm dưới chân núi lở

Thứ Ba 10/10/2023 , 06:20 (GMT+7)

Quảng Bình Từ nhiều năm nay, hàng chục hộ dân ở thị trấn Quy Đạt đang thấp thỏm sống dưới chân núi đã bị sạt lở.

Người dân ở tổ dân phố 8 (thị trấn Quy Đạt, huyện miền núi Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) từ bao đời vẫn sống yên ổn dưới chân núi Cấm. Tuy nhiên, bắt đầu từ trận mưa lũ kéo dài vào cuối năm 2018 thì sự yên ổn đã không còn nữa.

Ông Trần Mạnh Hà, Tổ trưởng tổ dân phố 8 kể lại, cuối trận lũ năm đó, đang đêm, mọi người nghe như có tiếng sấm ầm ầm vọng về và cảm nhận thấy sự rung chuyển của đất. Sáng ra, nhiều người gọi nhau đội mưa trèo lên ngọn núi phía sau lưng nhà để xem xét thì phát hiện ra các đường nứt lớn, kéo dài do đất núi bị trượt xuống ở nhiều đoạn. Nhìn vết nứt rộng chừng cả mét và sâu hút, ai cũng lắc đầu lo lắng.

Nhà anh Đinh Thanh Sơn (tổ dân phố 8) ở sát chân núi. Phía sau lưng nhà là “trọng điểm” của vùng sạt lở ở núi Cấm. Khi phát hiện ra núi bị lở đe dọa đến an toàn cho cả gia đình, anh rất sợ hãi. Để kiểm chứng về mức độ sạt lở của núi, năm sau, anh Sơn kiếm cọc gỗ đóng găm vào những vị trí có dấu hiệu bị sụt lún, sạt lở và lấy điểm mốc đo chính xác.

"Có những thời điểm, mưa kéo dài vài giờ đồng hồ, tôi đi kiểm tra thì thật đáng lo lắng vì có những cọc gỗ đã bị dịch chuyển so với vị trí ban đầu lên tới 2m”, anh Sơn cho hay.

Đường nứt và sạt lở ở chân núi tại khu vực dân cư tổ dân phố 8 sinh sống. Ảnh: T.P.

Đường nứt và sạt lở ở chân núi tại khu vực dân cư tổ dân phố 8 sinh sống. Ảnh: T.P.

Để đề phòng việc lở núi bất thường, anh Sơn vay mượn tiền rồi kêu thợ đào móng xây một bờ tường rào dài khoảng 15m khá chắc chắn ở phía sau vườn nhằm ngăn không cho nước lũ và đất đá tràn vào. Thế nhưng, bức tường kiên cố chỉ trụ được 2 năm thì mưa bão làm đất, đá theo nước lớn từ trên ngọn núi đổ xuống đánh sập toàn bộ.

Những năm gần đây, khi vào mùa mưa bão, gia đình anh Sơn lại khăn gói di dời. Dù đi làm ăn xa, nhưng khi nghe tin dự báo thời tiết có mưa lớn, anh Sơn phải nghỉ việc để về nhà cùng vợ dọn đồ đạc và 3 đứa con nhỏ đi ở nhờ nhà người thân hay vào tá túc ở trụ sở UBND xã Quy Hóa.

“Gia đình tôi đang còn khó khăn nên không thể di chuyển nhà ở đến nơi ở mới được. Đành phải sống chung với nỗi lo nơm nớp như vậy”, anh Sơn lo lắng nói.

Hiện, tổ dân phố 8 có 242 hộ, với 948 nhân khẩu đang sinh sống dưới chân núi Cấm. Ông Trần Mạnh Hà, Tổ trưởng tổ dân phố cho biết, từ khi phát hiện ra nguy cơ sạt lở ở khu vực đã kịp thời báo cáo lên UBND thị trấn Quy Đạt và các cơ quan chức năng để triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho nhân dân sinh sống tại khu vực đó.

“Qua khảo sát, thống kê của UBND thị trấn Quy Đạt và các cơ quan chức năng, thì có 41 hộ, với trên 200 nhân khẩu đang nằm trong nguy cơ bị sạt lở và không an toàn trong mùa mưa bão”, ông Hà cho hay.

Ngôi nhà anh Đinh Thanh Sơn sát với vùng sạt lở ở chân núi nên không an toàn vào mùa mưa bão. Ảnh: T.P.

Ngôi nhà anh Đinh Thanh Sơn sát với vùng sạt lở ở chân núi nên không an toàn vào mùa mưa bão. Ảnh: T.P.

Cũng theo ông Hà, kể từ đó đến nay, năm nào địa phương cũng thông báo trên hệ thống loa phát thanh về nguy cơ sạt lở núi để người dân biết mà phòng tránh, di dời đến nơi an toàn. Vào những thời điểm nhận thấy nguy cơ sạt lở núi cao, UBND thị trấn Quy Đạt tổ chức di dời toàn bộ các hộ dân sống trong vùng nguy hiểm đến trụ sở UBND xã Quy Hóa (cũ) nhằm lánh nạn, đến lúc nào an toàn thì mới cho họ quay về nhà.

Trước tình hình đó, UBND huyện Minh Hóa đã có văn bản xin chủ trương đầu tư dự án Kè chống sạt lở đồi núi thị trấn Quy Đạt (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư 18,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, với mức kinh phí này khó thực hiện được. Mới đấy, huyện Minh Hóa đã có văn bản xin điều chỉnh dự án lên 50 tỷ đồng.

Ông Đinh Văn Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa trao đổi: “Hiện, các thủ tục của dự án đang được UBND huyện và các Sở, ngành liên quan phối hợp hoàn thiện để trình UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Vào mùa mưa bão năm nay, huyện đã bố trí 3 địa điểm (chủ yếu là trưng dụng các công trình trụ sở và nhà văn hóa) để thực hiện việc di dời hơn 40 hộ dân nằm trong nguy cơ bị sạt lở đến nơi an toàn”.

Xem thêm
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Warsaw, bắt đầu thăm Ba Lan

Rạng sáng 15/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và đoàn đại biểu Việt Nam đã tới thủ đô Warsaw, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan.

Thi công hạ tầng hồ chứa nước lớn nhất miền Tây vượt tiến độ

Trà Vinh Dự án hạ tầng Hồ chứa nước Láng Thé, hiện đạt tiến độ thi công trên 15%, trong đó gói thầu số 34 đạt 34% khối lượng công việc.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Về 'đại công xưởng' vàng mã đất Bắc dịp Tết ông Công ông Táo

Làng Song Hồ, Bắc Ninh, không chỉ nổi tiếng với tranh Đông Hồ mà còn là 'đại công xưởng' vàng mã lớn nhất cả nước, nhộn nhịp sản xuất mỗi dịp Tết âm lịch.