| Hotline: 0983.970.780

Bao giờ người dân vùng thiên tai núi Cấm được di dời?

Thứ Ba 26/09/2023 , 08:15 (GMT+7)

Đã 2 năm sau vụ núi Cấm bị sạt lở uy hiếp hàng trăm hộ dân sống dưới chân núi, chủ trương di dời dân của UBND tỉnh Bình Định vẫn chưa được thực hiện.

Mùa mưa kinh hoàng

Mùa mưa lũ năm 2023 đã cận kề với dự báo diễn biến rất khó lường. Những ngày này, người dân sống dưới chân núi Cấm thuộc thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành (huyện Phù Cát, Bình Định), nhìn lên vệt sạt lở kéo dài từ đỉnh núi Cấm xuống đến chân núi trông như con suối mà cứ rùng mình.

Họ nhớ lại mùa mưa năm 2021, Bình Định mưa trắng trời. Trên địa bàn huyện Phù Cát cũng không ngoại lệ, khắp nơi mưa xối xả, tổng lượng mưa hơn 1.450mm. Mưa lớn phá vỡ kết cấu của núi Cấm nằm trên địa bàn thôn Chánh Thắng, 35.000m3 đất đá từ trên núi “xổ” xuống chảy vào nhà, lấp cả vườn tược, uy hiếp tính mạng, tài sản của hơn 40 hộ dân ở xóm 1 thuộc thôn Chánh Thắng.

Ngoài ra, núi Cấm sạt lở còn ảnh hưởng đến đời sống của 117 hộ dân trong khu vực. Theo thống kê của chính quyền địa phương, điểm sạt lở có chiều cao 300m, rộng 120m, sâu 3m. Vết sạt lở cách khu dân cư khoảng 30m.

Khu dân cư sống dưới chân núi Cấm thuộc thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành (huyện Phù Cát, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Khu dân cư sống dưới chân núi Cấm thuộc thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành (huyện Phù Cát, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Sau mùa mưa lũ kinh hoàng ấy, ngày 25/12/2021, tỉnh Bình Định công bố tình huống khẩn cấp thiên tai tại thôn Chánh Thắng về sạt lở núi Cấm. Theo đó, Bình Định đề ra chủ trương khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai sạt lở tại núi Cấm, cho chủ trương xây dựng khu tái định cư và di dời khẩn cấp 117 hộ dân sống trong vùng sạt lở tại núi Cấm.

Khi ấy, ngành chức năng và chính quyền địa phương “mướt mồ hôi” đào dọn toàn bộ khối lượng đất đá từ trên núi Cấm trôi xuống khu dân cư, vận chuyển đến bãi thải. Đồng thời nghiên cứu các giải pháp hạn chế sạt lở; chuyển đổi rừng sản xuất trên núi Cấm sang rừng phòng hộ để bảo vệ kết cấu của núi Cấm; từng bước khôi phục hiện trạng núi Cấm, ngăn chặn việc khai thác rừng trồng trên núi để hạn chế nạn sạt lở.

Xóm 1 thuộc thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành (huyện Phù Cát, Bình Định) bị đất đá vùi lấp sau đêm núi Cấm bị sạt lở. Ảnh: V.Đ.T.

Xóm 1 thuộc thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành (huyện Phù Cát, Bình Định) bị đất đá vùi lấp sau đêm núi Cấm bị sạt lở. Ảnh: V.Đ.T.

Tiếp tới, tháng 8/2022, UBND tỉnh Bình Định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng khu tái định cư để di dời khẩn cấp các hộ dân trong vùng sạt lở núi Cấm, giao UBND huyện Phù Cát làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư của dự án là 32 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn đầu tư công của tỉnh Bình Định hỗ trợ 70% chi phí xây dựng, phần còn lại sử dụng vốn đầu tư công huyện Phù Cát và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Quy mô dự án gồm các hạng mục: Chỉnh trị dòng chảy thoát nước lưu vực núi Cấm; san lấp mặt bằng khu tái định cư với diện tích 27.603m2; đường giao thông, hệ thống thoát nước mưa, cấp nước sinh hoạt cho các hộ dân tái định cư.

UBND tỉnh Bình Định giao huyện Phù Cát thực hiện các hạng mục này trong thời gian từ khi phê duyệt chủ trương đến năm 2023. Thế nhưng mãi đến nay, chủ đầu tư và các nhà thầu mới thực hiện cơ bản hoàn thiện phần chỉnh trị dòng chảy thoát nước lưu vực núi Cấm. Khu tái định cư thì đang thi công dở dang, nhà thầu mới đổ được một ít diện tích đất nền.

Vườn tược của người dân ở xóm 1 thuộc thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành (huyện Phù Cát, Bình Định) bị đất đá vùi lấp khi núi Cấm bị sạt lở. Ảnh: V.Đ.T.

Vườn tược của người dân ở xóm 1 thuộc thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành (huyện Phù Cát, Bình Định) bị đất đá vùi lấp khi núi Cấm bị sạt lở. Ảnh: V.Đ.T.

Khu tái định cư 117 hộ dân trong vùng sạt lở dưới chân núi Cấm thuộc thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành (huyện Phù Cát, Bình Định) nằm cách khu dân cư cũ chỉ khoảng 250m. Do vậy, hiện trạng khu tái định cư được xây dựng với tốc độ “rùa bò” hiển hiện trước mắt, khiến nỗi lo trong lòng người dân thêm chồng chất. Họ lo lắng mùa mưa bão tới đây không biết có tái diễn nạn sạt lở núi Cấm nữa hay không, nhà cửa vườn tược của họ có còn bị vùi lấp nữa hay không?

Tốc độ thi công “rùa bò”

Nhà anh Dương Quang Thắng (47 tuổi) ở thôn Chánh Thắng dù không bị ảnh hưởng trực tiếp vụ sạt lở núi Cấm đêm hôm ấy, nhưng bây giờ kể lại chuyện cũ, anh Thắng cũng không khỏi bàng hoàng.

“Đêm ấy mọi người đang say ngủ thì đột nhiên trên núi Cấm phát ra tiếng ầm ầm. Đến khi biết đó là âm thanh sạt lở núi, lập tức bà con sống dưới chân núi ai nấy đều bỏ của chạy lấy người, ai nấy đều hộc tốc chạy về trường học ở cuối thôn, hoặc chạy sang nhà bà con tá túc để giữ mạng sống”, anh Thắng nhớ lại.

Khu tái định cư 117 hộ dân trong vùng sạt lở dưới chân núi Cấm chỉ mới được san lấp một ít diện tích mặt bằng. Ảnh: V.Đ.T.

Khu tái định cư 117 hộ dân trong vùng sạt lở dưới chân núi Cấm chỉ mới được san lấp một ít diện tích mặt bằng. Ảnh: V.Đ.T.

Bà Lê Thị Lấn (72 tuổi), 1 trong hơn 40 hộ dân ở thôn Chánh Thắng có nhà ở dưới chân núi Cấm bị đất đá trên núi tuôn xuống làm vỡ tường rào, đất đá theo dòng nước trôi vào nhà vùi lấp mọi vật dụng. Gần 2 năm qua, mỗi khi có mưa lớn kéo dài là gia đình bà Lấn không ai dám ở trong nhà, vì còn ám ảnh vụ núi Cấm sạt lở năm 2021. Năm 2022, bà Lấn được thông báo gia đình bà thuộc diện di dời tái định cư tránh điểm sạt lở núi Cấm, nhưng đã hơn một năm nay cả nhà bà Lấn mỏi mắt trông chờ ngày di dời mà ngày ấy vẫn chưa tới.

Con mương thoát nước dưới chân núi Cấm nối với vết sạt lở trên núi để khi có nước mưa thì thoát về mương hết, tạo ổn định cho khối trượt. Ảnh: V.Đ.T.

Con mương thoát nước dưới chân núi Cấm nối với vết sạt lở trên núi để khi có nước mưa thì thoát về mương hết, tạo ổn định cho khối trượt. Ảnh: V.Đ.T.

Mang nỗi lo của những hộ dân ở dưới chân núi Cấm đến với chính quyền địa phương, chúng tôi được ông Phạm Dũng Luận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, giải thích: Nguyên nhân chậm hoàn thành khu tái định cư vùng sạt lở núi Cấm là do vướng mỏ đất.

“Đến nay, các thủ tục đấu thầu khu tái định cư núi Cấm đã xong, nhà thầu đang thi công. Sau khi trúng thầu, nhà thầu mới đi tìm mỏ đất làm thủ tục để có đất san lấp mặt bằng khu tái định cư. Vướng là vướng chỗ đó, thời gian hoàn thành thủ tục mỏ rất lâu. Trong khi mùa mưa bão năm 2023 đã cận kề, khả năng bố trí tái định cư cho người dân vùng sạt lở không kịp. Do đó, huyện Phù Cát cập nhật khu vực sạt lở núi Cấm vào phương án phòng chống thiên tai, sẽ di dời một số hộ dân có nguy cơ cao ra trụ sở thôn hoặc trường mẫu giáo thôn Chánh Thắng trong mùa mưa bão này”, ông Phạm Dũng Luận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, cho hay.

Theo ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh Bình Định, ngày 12/9 vừa qua, Tổ Kiểm tra số 2 về công tác phòng chống thiên tai của UBND tỉnh Bình Định đã kiểm tra công tác phòng chống thiên tai và tình hình sạt lở tại khu vực núi Cấm thuộc thôn Chánh Thắng.

Tốc độ thi công 'rùa bò' của khu tái định cư 117 hộ dân trong vùng sạt lở dưới chân núi Cấm thách thức nỗi lo lắng của người dân dưới chân núi. Ảnh: V.Đ.T.

Tốc độ thi công “rùa bò” của khu tái định cư 117 hộ dân trong vùng sạt lở dưới chân núi Cấm thách thức nỗi lo lắng của người dân dưới chân núi. Ảnh: V.Đ.T.

“Hiện những khu vực sạt lở trên núi Cấm cây cối đã lên chồi xanh. Huyện Phù Cát đã xây dựng 1 mương thoát nước nhằm thay đổi dòng chảy từ điểm sạt lở xuống khu dân cư. Con mương này sẽ hạn chế được lượng lớn đất đá đổ xuống khu dân cư nếu xảy ra mưa lớn kéo dài. Trong thời gian chưa hoàn thiện khu tái định cư cho người dân vùng sạt lở núi Cấm, chúng tôi đề nghị huyện Phù Cát phải có phương án đảm bảo an toàn cho người dân vào mùa mưa, đặc biệt là công tác di dời dân và sử dụng lực lượng tại chỗ để ứng phó thiên tai”, ông Chương đề nghị.

“Sau khi bị sạt lở, đến nay khối đất bị sạt tại núi Cấm đã dần ổn định theo thời gian. Con mương thoát nước dưới chân núi Cấm nối với vết sạt lở trên núi để khi có nước mưa thì thoát về mương hết, tạo ổn định cho khối trượt. Hiện Phù Cát cũng đã lên phương án sơ tán dân trong vùng sạt lở, danh sách hộ sơ tán cũng đã có cụ thể. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng đã chỉ đạo cho các địa phương chủ động sơ tán dân khi có mưa lớn”, ông Hồ Đắc Chương Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh Bình Định, chia sẻ.

Xem thêm
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Warsaw, bắt đầu thăm Ba Lan

Rạng sáng 15/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và đoàn đại biểu Việt Nam đã tới thủ đô Warsaw, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Hãy để khoa học gặp gỡ cuộc sống

Chia sẻ với các nhà khoa học ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở, đừng dừng lại ở mục tiêu nghiên cứu mà hãy nhìn về lợi ích của nông dân.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Về 'đại công xưởng' vàng mã đất Bắc dịp Tết ông Công ông Táo

Làng Song Hồ, Bắc Ninh, không chỉ nổi tiếng với tranh Đông Hồ mà còn là 'đại công xưởng' vàng mã lớn nhất cả nước, nhộn nhịp sản xuất mỗi dịp Tết âm lịch.