Những năm trước, nhiều địa phương của tỉnh Quảng Ngãi, nhất là các huyện như Sơn Tịnh, Bình Sơn, Minh Long, Sơn Hà, Trà Bồng… phát triển mạnh cây sắn với diện tích không ngừng tăng. Cây sắn được xem đây là một trong những loại cây trồng cho thu nhập cao của người nông dân. So với các cây trồng khác, sắn chiếm ưu thế hơn nhờ giá cả, thị trường tiêu thụ tương đối ổn định, tạo ra nguồn thu nhập đáng kể cho người trồng.
Từ cuối năm 2019, bệnh khảm lá sắn bắt đầu xuất hiện ở tỉnh Quảng Ngãi sau đó lây lan rộng ra nhiều địa phương khiến cho sản lượng sắn trên địa bàn giảm sút, người dân liên tục mất mùa. Đến nay đã qua 3 niên vụ sản xuất, bệnh này hầu như xuất hiện khắp các huyện, thị xã, thành phố có diện tích trồng sắn của tỉnh và chưa có dấu hiệu được khống chế.
Trong niên vụ sắn năm 2021 - 2022, tỉnh Quảng Ngãi có đến hơn 8.100ha sắn xuất hiện bệnh khảm lá, chưa tính những vùng còn tiềm ẩn mầm bệnh. Điều này khiến cho sản lượng sắn của tỉnh giảm đi đáng kể. Nếu như thông thường, năng suất sắn trung bình ở địa phương đạt khoảng 20 tấn/ha thì niên vụ vừa qua chỉ còn hơn 17 tấn/ha.
Theo kế hoạch, trong niên vụ 2022 - 2023, diện tích trồng sắn của tỉnh Quảng Ngãi khoảng hơn 12.600ha. Thời gian xuống giống của mỗi vụ sản xuất thường bắt đầu từ tháng 11 năm trước kéo dài cho đến tháng 3 năm sau tùy theo từng khu vực. Mặc dù vậy, trong hơn 2 tháng vừa qua do mưa liên tục nên người dân chưa thể làm đất. Hiện tại đã bước qua đầu tháng 2 nhưng toàn tỉnh mới chỉ xuống giống được trên 3.700ha, đạt tỷ lệ rất thấp.
Không những vậy, dù chỉ mới trồng được vài tháng nhưng một số địa phương ở tỉnh này đã xuất hiện bệnh khảm lá sắn. Theo số liệu thống kê từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi, hiện đã có gần 110ha sắn bị nhiễm bệnh khảm lá (nhiễm nhẹ 18ha, nhiễm trung bình 44,5ha, nhiễm nặng 54ha) tập trung ở các huyện như Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Sơn Tây, Bình Sơn, TP Quảng Ngãi…
Ông Nguyễn Thế Vĩnh, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi thừa nhận rằng, dù mới thời điểm đầu vụ nhưng bệnh khảm lá đã xuất hiện ở nhiều địa phương nên trong thời gian tới, nguy cơ bùng phát bệnh trên địa bàn là rất lớn. Bởi đến nay, các giống sắn mà người dân trong tỉnh thường xuyên sử dụng như KM94 hay KM140 cùng với các vùng trồng sắn trọng điểm của tỉnh đều đã bị nhiễm bệnh.
Trong khi đó, ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi cũng đang gặp không ít khó khăn trong việc khống chế bệnh, đặc biệt là tìm nguồn giống sạch cho người dân canh tác. Đa số người dân vẫn còn sử dụng giống tại các vùng bị nhiễm bệnh để trồng lại nên không thể đảm bảo.
“Bài toán về giống sắn trong thời gian tới là rất khó khăn. Do đó, trước khi bước vào niên vụ sản xuất này, chúng tôi cũng đã đề nghị các địa phương cũng như Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi tăng cường tìm, mua các nguồn giống sạch bệnh từ các tỉnh khác về cấp phát, hỗ trợ cho người dân để duy trì vùng nguyên liệu. Về phía người dân cũng cần chủ động tìm kiếm các nguồn giống sạch về canh tác”, ông Vĩnh nói.
Theo ông Đỗ Đình Ban, Giám đốc Nhà máy tinh bột sắn tỉnh Quảng Ngãi (đơn vị trực thuộc Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi), năm nay, Công ty dự kiến trích kinh phí khoảng 2 tỷ đồng để tìm mua nguồn giống sạch bệnh hỗ trợ cho người dân với diện tích từ 350 - 500ha.
“Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể thực hiện được vì hầu hết các tỉnh đều có diện tích sắn bị bệnh khảm lá, khó kiểm chứng, khả năng rủi ro cao. Do vậy, hiện nay mới chỉ có các đại lý đầu tư, tìm kiếm các diện tích có tỷ lệ nhiễm bệnh ít để chọn lại. Trong thời gian tới, Công ty sẽ cho người đi khảo sát lại ở tỉnh Kon Tum, vùng có diện tích không nhiễm bệnh để đưa về Quảng Ngãi”, ông Ban nói.
Cùng với việc tìm nguồn giống sạch bệnh, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi cũng đã khuyến cáo các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch chuyển đổi cây diện tích qua trồng các loại cây trồng khác phù hợp hơn. Tuy nhiên, do những vùng trồng sắn thường ở khu vực miền núi, không chủ động nước tưới nên rất khó. Thực tế cho thấy, việc chuyển đổi trên địa bàn tỉnh này cũng rất thấp (từ gần 15.000ha xuống còn 12.600ha).
Ông Nguyễn Quang Trung, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, hiện nay, người dân trong tỉnh chủ yếu vẫn sử dụng giống sắn KM94 để sản xuất với diện tích chiếm khoảng 90%. Tại Quảng Ngãi vẫn chưa có giống có khả năng kháng bệnh khảm lá để thay thế. Khả năng vào niện vụ 2023 - 2024, khi Bộ NN-PTNT công nhận một số giống thì mới đưa vào sản xuất được.
“Vừa qua, chúng tôi cũng đã xin ý kiến Bộ NN-PTNT cho tỉnh Quảng Ngãi triển khai một số mô hình trồng thử nghiệm các giống sắn mới có triển vọng, kháng được bệnh khảm lá. Dự kiến khoảng 1 tháng nữa sẽ thực hiện”, ông Trung nói.