| Hotline: 0983.970.780

Điểm nhấn ứng dụng khoa học nông nghiệp Tây Ninh

Canh tác thông minh để thích ứng bệnh khảm lá sắn

Thứ Năm 27/10/2022 , 02:01 (GMT+7)

TÂY NINH Đa số nông dân quan niệm sắn là cây dễ trồng nên đầu tư thâm canh thấp, đất trồng sắn đã nghèo lại ngày càng kiệt dinh dưỡng. Ở Tây Ninh lại không như vậy...

Sắn nhiễm khảm lá, vẫn tốt bời bời

Đa số nông dân quan niệm sắn là cây dễ trồng nên đầu tư thâm canh thấp, chưa chú trọng chế độ tưới cho cây sắn. Do vậy, đất trồng sắn đã nghèo lại ngày càng cạn kiệt dinh dưỡng hơn và kéo theo năng suất ngày càng thấp. Ở Tây Ninh lại không như vậy. Với bề dày kinh nghiệm canh tác cùng với việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt 100% hộ trồng sắn đều lắp đặt hệ thống tưới tự động, nên dù dịch khảm lá sắn diễn biến phức tạp nhưng năng suất sắn nơi đây vẫn đạt trên 30 tấn/ha.

DSCN1102

Anh Bùi Công Ngọc bên vườn sắn của mình. Ảnh: Hồng Thủy.

Với 150ha sắn, anh Bùi Công Ngọc ngụ ấp Tân Trường, xã Tân Hiệp, huyện Tân Châu là nông dân trồng sắn tiêu biểu của tỉnh Tây Ninh.

Đến thăm nông trại sắn của anh Ngọc, nhìn những cây sắn to khỏe, ít ai nghĩ rằng đây là những giống đã nhiễm bệnh khảm nhưng vẫn sinh trưởng phát triển tốt. Nhổ thử một gốc sắn lên, những chùm củ vừa to lại vừa nhiều, ước chừng nặng hơn 5kg.

Khi thời tiết khí hậu ngày càng trở nên khó lường, sâu bệnh lạ phát sinh, để bán được sắn giá tốt đòi hỏi chữ bột phải cao. Anh Ngọc đã dành nhiều thời gian tìm hiểu các kỹ thuật trồng sắn hiệu quả trên các phương tiện thông tin đại chúng và các tài liệu khuyến nông, thậm chí sang cả Thái Lan để học hỏi kinh nghiệm.

DSCN1075

Tuy nhiễm khảm lá nhưng sắn vẫn cho năng suất cao nhờ phương thức canh tác thông minh. Ảnh: Hồng Thủy.

Theo đó, anh nhận thấy sắn là loại cây trồng có sức hút dinh dưỡng mãnh liệt từ đất nên việc bón phân, bổ sung dưỡng chất cho đất là yêu cầu bắt buộc nếu không muốn đất nhanh bạc màu. Không giống như nhiều người khác, anh Ngọc hạn chế sử dụng phân hoá học, thay vào đó là phân bón có nguồn gốc hữu cơ, hữu cơ vi sinh. Đồng thời, để cải tạo đất trồng, anh áp dụng phương pháp luân canh, trồng nhiều loại cây khác nhau như bắp, đậu phộng chứ không chỉ độc canh cây sắn.

“Giống cũng là một yếu tố mang tính quyết định đến năng suất của cây sắn. Hiện thời, tôi đánh giá cao giống KM419 do có nhiều ưu điểm vượt trội so với các giống sắn khác. Giống này cho củ độ bột cao (bình quân 28 - 30%) khi trồng ở đất gò, năng suất bình quân từ 40 - 45 tấn/ha, độ bột 25 - 26%, nhỉnh hơn nhiều giống sắn khác”, anh Ngọc chia sẻ.

DSCN2421

Kỹ thuật lên liếp như trồng khoai và gieo hom thẳng đứng tại vườn tái canh của anh Bùi Công Ngọc. Ảnh: Hồng Thủy.

Anh Ngọc cho biết thêm, cách trồng sắn cũng là yếu tố quan trọng tác động nhiều đến năng suất. Khi trồng, đất phải được dọn kỹ, phải tơi xốp. Ngoài ra, anh đã thử nghiệm nhiều cách trồng sắn khác nhau từ trồng hom nằm truyền thống đến cách trồng mới là cắm hom đứng, hom xiên. Kết quả cho thấy, mỗi cách trồng cho hiệu quả khác nhau, trong đó nếu trồng theo cách cắm hom đứng cho năng suất cao nhất. 

“Có nhiều biện pháp để tăng năng suất cây sắn như sử dụng giống cho năng suất cao, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, đầu tư thâm canh, tưới nước, trong đó tưới nước cho cây sắn là một trong những biện pháp quan trọng để tăng năng suất, chất lượng sắn”, anh Ngọc cho biết thêm.

Ưu tiên số 1 nhân nhanh giống kháng

Từ những kinh nghiệm canh tác sắn, vừa qua, anh Bùi Công Ngọc là cá nhân duy nhất được ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh và các viện nghiên cứu chọn làm đối tác trồng thử nghiệm, chuyển giao trồng và nhân 2 giống sắn HN3, HN5. Sau 8 tháng trồng thử nghiệm, đến nay, 10ha giống sắn HN3 và HN5 của anh đạt kết quả ngoài mong đợi, không chỉ kháng với bệnh khảm, năng suất các giống này đạt 45 - 50 tấn/ha.

DSCN1082

Vườn sắn giống 100% kháng khảm của anh Bùi Công Ngọc. Ảnh: Hồng Thủy.

Anh Ngọc cho biết, giống sắn quyết định 30% năng suất, 70% còn lại do phương pháp canh tác. Theo lý thuyết, 2 giống sắn kháng khảm HN3, HN5 cho năng suất từ 39,4 - 42,6 tấn/ha. Nếu trồng theo phương pháp canh tác thông minh, giống sắn này sẽ cho năng suất vượt trội. “Qua kiểm nghiệm thực tế sau 8 tháng canh tác, năng suất trung bình đạt 45 - 50 tấn/ha trên đất cằn, nếu đất tốt và canh tác đúng chuẩn thì đạt trên 70 tấn/ha”, anh Ngọc phấn khởi nói.

DSCN2443

Anh Bùi Công Ngọc chia sẻ kinh nghiệm canh tác sắn vơi người dân trong và ngoài địa phương. Ảnh: Hồng Thủy.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh còn đứng ra vận động các nông dân chuyên trồng sắn thành lập HTX Đăng Quang để chia sẻ giống kháng khảm, không chỉ cho bà con trong vùng mà còn ký hợp đồng cam kết hỗ trợ giống cho các tỉnh thành trong khu vực.

Ngoài nhân giống bằng phương pháp truyền thống, HTX còn được Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT) hỗ trợ 3 nhà màng, mỗi nhà màng 40m2 để nhân giống trong nhà kính. Chỉ cần 50 bó sắn giống, sau 3 tháng sẽ nhân ra được 50ha cây sắn giống, hiện với 3 nhà màng tương đương gần 150ha giống.

DSCN2472

Mô hình nhân giống trong nhà mang tại HTX Đăng Quang. Ảnh: Hồng Thủy.

Theo Sở NN-PTNT Tây Ninh, với diện tích khoảng 60.000ha, cho sản lượng hằng năm đạt hơn 1,7 triệu tấn, những năm qua, Tây Ninh luôn đứng thứ 2 về diện tích và đứng đầu về sản lượng sắn của cả nước. Tính đến ngày 31/8/2022, diện tích sản xuất sắn trên địa bàn tỉnh là 53.169ha, đạt 87,9% so kế hoạch năm 2022 (60.500ha); trong đó vụ đông xuân 2021 - 2022 là 38.900ha, vụ hè thu 2022 là 11.850ha và vụ mùa 2022 xuống giống 2.419ha.

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Mua heo không được lại gần chuồng xem heo

BÌNH ĐỊNH Một thợ chuyên mua heo thịt tại Bình Định chia sẻ, hiện người dân không còn cho thương lái vào chuồng như trước để tránh lây lan dịch bệnh từ ngoài vào trang trại.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.