| Hotline: 0983.970.780

Bất lực trước hàng ngàn ha sắn bị bệnh khảm lá

Thứ Tư 05/10/2022 , 18:00 (GMT+7)

GIA LAI Bệnh khảm lá sắn tiếp tục hoành hành ở Gia Lai, việc tìm nguồn giống kháng bệnh, sạch bệnh đang là bài toán khó.

Lại một vụ sắn cầm chắc thất thu

Khoảng 4 năm trở lại đây, bệnh khảm lá sắn (khoai mì) đã xuất hiện trên diện rộng, tập trung ở vùng trồng sắn các huyện phía đông và đông nam của tỉnh Gia Lai, ảnh hưởng rất lớn đến các vùng sản xuất. Hầu hết các giống sắn trồng chủ lực tại địa phương đều nhiễm bệnh (KM 419, KM 140, KM 98-5...). Bệnh khảm lá sắn hiện lan truyền chủ yếu qua môi giới truyền bệnh và hom giống.

Năm nay, tổng diện tích sắn trên địa bàn tỉnh Gia Lai gần 80 ngàn ha, trong đó hơn 6 ngàn ha bị nhiễm bệnh khảm lá. Bệnh khảm lá sắn tập trung chủ yếu tại huyện Krông Pa (5.390ha), Ia Pa (125ha), Phú Thiện (129ha), thị xã Ayun Pa (200ha) và thị xã An Khê (110ha).

z3769780780128_f5562ffd83c2482552fb4fa342b9398b

Sắn bị bệnh khảm lá, cùng với mưa kéo dài buộc nhiều người dân phải thu hoạch sớm hơn so với dự kiến. Ảnh: Tuấn Anh.

Ghi nhận tại huyện Krông Pa, nơi có diện tích sắn lớn nhất tỉnh Gia Lai, bệnh khảm lá đang khiến người dân lo lắng trước nguy cơ cây sắn giảm năng suất, ảnh hưởng đến thu nhập.

Dẫn chúng tôi dạo quanh vườn sắn của gia đình, anh Ksor Yim (xã Ia Rmok, huyện Krông Pa) cho biết, bệnh khảm lá hoành hành khiến năng suất sắn của gia đình trong mùa vụ này cầm chắc sẽ giảm ít nhất 30%. Hiện gia đình anh Yim có 3ha sắn, trong có 2ha sử dụng giống cũ nên bị bệnh khảm lá gần hết, 1ha còn lại sử dụng giống mới nên cây phát triển ổn định.

“Khoảng cuối tháng 12 tới, vườn sắn sẽ bước vào thu hoạch, nhưng với việc sắn bị khảm lá nặng nên năm nay chúng tôi cầm chắc thua lỗ”, anh Yim lo lắng.

Tương tự, bệnh khảm lá đang hoành hành trên diện tích 1ha trồng sắn của gia đình ông Trương Văn Hưng (xã Phú Cần, huyện Krông Pa). Trong đó, gần nửa diện tích bị nhiễm bệnh khảm lá với mức độ nặng.

“Nhìn cây sắn lá cứ xoăn tít lại, củ kém phát triển, năng suất chắc chắn sẽ giảm đi rất nhiều. Lợi nhuận từ cây sắn vốn đã thấp, trong khi chi phí đầu tư tăng cao, cùng với công chăm sóc nên vụ này cầm chắc không có lời”, ông Hưng buồn bã cho biết.

z3769780791825_a514ab6f58f069aa5acce3dd7fb53f89

Bệnh khảm lá hoành hành khiến nhiều người dân lo lắng mất mùa. Ảnh: Tuấn Anh.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Krông Pa, nguyên nhân khiến sắn bị bệnh khảm lá vẫn diễn biến phức bởi người dân tự ý sử dụng các giống bị nhiễm bệnh từ vụ trước để trồng mà không tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Thời gian qua, Phòng NN-PTNT đã khuyến cáo người dân tuyệt đối không trồng giống sắn có tỷ lệ nhiễm bệnh cao, chỉ sử dụng các giống sắn mới có thể kháng bệnh tốt như KM94, HN3, HN5...

Chuyển sang cây trồng khác để cắt nguồn bệnh

Dự báo thời gian tới, bệnh khảm lá sắn sẽ tiếp tục gây hại trên các diện tích sắn đã bị nhiễm bệnh do môi giới truyền bệnh bọ phấn trắng.

Trước tình hình này, ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai đã yêu cầu các địa phương, cơ quan chuyên môn tổ chức hướng dẫn nông dân vùng bị nhiễm bệnh tiến hành các biện pháp phòng trừ bệnh khảm lá theo khuyến cáo của tỉnh. Đặc biệt, đối với các vùng trồng sắn bị nhiễm bệnh khảm lá nặng, cần xây dựng phương án chuyển sang trồng cây khác để cắt đứt nguồn bệnh.

Ông Võ Ngọc Châu, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Pa cho biết, địa phương đang gây dựng giống sắn mới HN3, HN5 kháng bệnh để hỗ trợ bà con trong thời gian tới. Năm nay, huyện đã trồng được 20ha, dự kiến năm tới sẽ phát triển lên thành 200ha và sau 5 năm sẽ nhân đủ giống cho người dân trong vùng.

Trong khi đó, tại huyện Phú Thiện, dù tỷ lệ nhiễm bệnh khảm lá sắn không cao nhưng địa phương cũng đã tăng cường công tác kiểm soát chặt chẽ nguồn giống sắn tại địa phương và từ nơi khác đến

z3769253637549_6545810c8797cbcdcacb4caba6b75616

Giống sắn HN3, HN5 kháng bệnh khảm lá được đưa vào trồng thử nghiệm ở huyện Krông Pa cho kết quả rất tốt. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện cho biết, địa phương đã hướng dẫn người dân tuyệt đối không được mua bán, trao đổi, vận chuyển giống sắn từ các vùng bị bệnh về làm giống. Đồng thời, chỉ đạo tiêu hủy ngay khi phát hiện và xác minh nguồn gốc để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Mặt khác, cung cấp thông tin những khu vực, diện tích sắn đã bị nhiễm bệnh để người dân biết, không sử dụng nguồn giống đó.

“Chúng tôi đang khuyến khích người dân tập trung trồng các giống sắn có năng suất cao, chống chịu tốt với bệnh virus khảm lá như KM 94, HN3, HN5… Đồng thời, khuyến cáo người dân không trồng các giống sắn mẫn cảm với bệnh virus khảm lá như KM 419, KM 60, KM 140, KM 98-5”, ông Tuấn chia sẻ.

Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Gia Lai cho biết, trước diễn biến phức tạp của bệnh khảm lá sắn, Sở đã hướng dẫn người dân sử dụng giống sắn có nguồn gốc rõ ràng, sạch bệnh.

Thời gian tới, Sở NN-PTNT Gia Lai sẽ đưa một số giống mới sạch bệnh, chống chịu sâu bệnh tốt như KM94, HN3, HN5… để hỗ trợ người dân. Bên cạnh đó, thực hiện theo chương trình của Bộ NN-PTNT nhằm khống chế bệnh khảm lá sắn.

"Hiện chúng tôi đã vận động các nhà máy chế biến tinh bột sắn vào cuộc để mua cây giống về cung cấp cho người dân sản xuất trong vùng nguyên liệu của nhà máy đầu tư. Mặt khác, giao các phòng ban chuyên môn tiếp tục tuyển chọn những giống mới sạch và kháng bệnh tốt để nhân giống phục vụ sản xuất cho người dân trên địa bàn”, ông Có chia sẻ.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.