| Hotline: 0983.970.780

Nhiều thách thức trong công tác bảo vệ thực vật

Thứ Năm 17/11/2022 , 10:04 (GMT+7)

Khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên trong năm có hàng nghìn ha cây trồng bị bệnh, nhưng cơ quan chức năng đã thực hiện tốt công tác bảo vệ thực vật.

Sáng 17/11, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội nghị Tổng kết công tác bảo vệ thực vật năm 2022, triển khai kế hoạch công tác năm 2023 các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Hàng nghìn ha cây trồng bị sâu bệnh

Theo báo cáo của Trung tâm BVTV miền Trung thuộc Cục BVTV năm 2022 thời tiết diễn biến phức tạp, cực đoan, khác thường so với những năm gần đây.

Đầu vụ đông xuân mưa lũ lớn gây úng ngập trôi dạt giống ở các tỉnh ven biển. Giữa đến cuối vụ nắng nhẹ xen kẽ có mưa thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng và phát triển. Nhưng đến cuối vụ mưa trái mùa trên diện rộng gây úng ngập, đỗ ngã ảnh hưởng đến năng suất lúa và rau màu ở các địa phương.

Vụ hè thu mưa đều có phần thuận lợi cho các loại cây trồng sinh trưởng phát triển nhưng cũng thuận lợi cho sinh vật gây hại phát sinh gây hại diện rộng. Đến cuối vụ mưa trái mùa trên diện rộng gây ảnh hưởng đến lúa và rau màu ở các địa phương nhất là vùng trũng.

Ông Lương Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm BVTV miền Trung báo cáo về công tác bảo vệ thực vật năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Ảnh: Quang Yên.

Ông Lương Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm BVTV miền Trung báo cáo về công tác bảo vệ thực vật năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Ảnh: Quang Yên.

Tình hình sinh vật gây hại diễn biến phức tạp như: bệnh đạo ôn, chuột, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh khô vằn, lem lép, thối hạt phát sinh gây hại diện rộng trên lúa; bệnh khảm lá virus hại sắn; bọ xít muỗi, thán thư trên cây điều; bệnh nứt thân xì mũ trên cây sầu riêng; bệnh chết nhanh, chết chậm trên hồ tiêu; bệnh chết rạp cây con sâm Ngọc Linh đã ảnh hưởng đến sản xuất. Bên cạnh đó giá nhiên liệu và vật tư nông nghiệp tăng cao, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng đòi hỏi cấp thiết nhất là xuất khẩu hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc đang được siết chặt. Hệ thống tổ chức của ngành BVTV chưa được ổn định.

Trong đó, có 3.718ha lúa bị rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh lem lép hạt và ốc bươu vàng; 699,4ha ngô bị các bệnh sâu keo mùa thu; 44.806,8ha sắn bị bệnh khảm lá; 2.908,2ha sầu riêng bị bệnh nứt thân chảy mủ do nấm Phytophthora sp. gây ra…

Ông Lương Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm BVTV miền Trung cho biết, tình hình sinh vật gây hại trong năm 2022 khá đa dạng và phong phú về chủng loại, một số đối tượng nổi lên gây hại nặng cục bộ từng vùng như: Chuột, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn...

Đặc biệt bệnh khảm lá virus trên sắn đã phát sinh gây hại ở hầu hết các tỉnh trong vùng, đây là sinh vật gây hại nguy hiểm, tốc độ lây lan nhanh uy hiếp sản xuất, cần nhanh chóng khống chế bằng nhiều giải pháp tránh để lây lan ra diện rộng. Bọ xít muỗi, bệnh thán thư hại điều phát sinh hại nặng cục bộ ở Lâm Đồng, Đắk Lắk.

Bệnh chết nhanh, chết chậm, tuyến trùng rễ hại hồ tiêu… tiếp tục gây hại cục bộ trên các vùng trồng tiêu. Bệnh do nấm Phytophthora sp. gây hại trên cây sầu riêng ở Lâm Đồng, Khánh Hòa, Đắk Lắk. Bệnh xoăn lá do virus hại cà chua ở Lâm Đồng. Rệp sáp bột hồng trên sắn ở Phú Yên. Bệnh chết rạp cây con trên sâm Ngọc Linh ở Kon Tum… đây là những đối tượng cần quan tâm trong thời gian tới.

Bệnh khô ngược cành trên cây sầu riêng. Ảnh: Quang Yên.

Bệnh khô ngược cành trên cây sầu riêng. Ảnh: Quang Yên.

Theo ông Tuấn, để chủ động bảo vệ an toàn các vụ sản xuất chính, trên cây trồng chính trong năm không để sinh vật gây hại gây thiệt hại nặng cho sản xuất công tác chuyên môn nghiệp vụ thường xuyên được củng cố và nâng cao.

Thông báo sinh vật gây hại, chỉ đạo bảo vệ sản xuất kịp thời, vận động đông đảo bà con tham gia diệt chuột, phát hiện và xử lý kịp thời rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn, bệnh trên cây sầu riêng, bệnh đốm nâu thanh long, bệnh trên sâm Ngọc Linh, khảm lá virus hại sắn… hạn chế thấp nhất thiệt hại cho sản xuất.

Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình trọng điểm của Bộ, Cục như: An ninh lương thực, thông tin qua mạng, thanh kiểm tra quản lý thuốc BVTV, phân bón, vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng thuốc sinh học trong phòng trừ chuột, nhân nuôi bọ đuôi kìm sử dụng trong phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa... Đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện chương trình IPM, “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng”, sản xuất rau an toàn… đạt hiệu quả cao, được địa phương và nông dân nhiệt tình tham gia, tiết kiệm chi phí sản xuất góp phần xoá đói, giảm nghèo.

Nhiều nhiệm vụ trọng tâm

Ông Tuấn cho biết thêm, sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên là khu vực chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, tình hình hạn hán và bão lũ thường xuyên xảy ra. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ của sản xuất nông nghiệp dẫn đến quy luật phát sinh của sinh vật gây hại có sự thay đổi, diễn biến phức tạp, khó dự báo. Tình hình bệnh khảm lá virus trên sắn; bệnh chết nhanh, chết chậm hồ tiêu; bệnh đốm nâu thanh long; bọ xít muỗi, thán hại điều; bệnh virus hại cà chua; bệnh chết rạp cây con sâm Ngọc Linh… đã xuất hiện gây hại ngày càng tăng là những nguy cơ tiềm ẩn và luôn uy hiếp sản xuất. Đây là những thách thức mà ngành BVTV luôn phải cố gắng để bảo vệ sản xuất.

Hơn 44.806,8ha sắn bị bệnh khảm lá trong năm 2022 tại Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Ảnh: Quang Yên.

Hơn 44.806,8ha sắn bị bệnh khảm lá trong năm 2022 tại Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Ảnh: Quang Yên.

Trong năm 2023, theo ông Tuấn cho biết, Trung tâm BVTV miền Trung sẽ giữ vững và tiếp tục ổn định tổ chức chuyên ngành cấp tỉnh, cũng cố và hoàn thiện cấp huyện, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về bảo vệ và kiểm dịch thích vật, quản lý thuốc BVTV và phân bón, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.

Cụ thể, nắm chắc tình hình sinh vật gây hại chủ yếu trên những cây trồng chính, bảo vệ an toàn các vụ sản xuất góp phần đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao chất lượng sản phẩm với chi phí tiết kiệm, giá thành hạ đạt hiệu quả kinh tế cao; Tăng cường công tác khoa học, tập trung giải quyết những khó khăn trong sản xuất mang tính đặc thù của vùng, của từng địa phương; Tích cực ứng dụng khoa học công nghệ (về thuốc BVTV, phân bón, giống…) phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.

Quan tâm chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức của ngành BVTV. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huấn luyện cho nông dân về sử dụng an toàn, hiệu quả thuốc BVTV, phân bón, công tác an toàn thực phẩm, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Tập trung chú ý đến các xã vùng sâu, vùng xa, vùng sản xuất rau và cây trồng xuất khẩu.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết, trong bối cảnh và yêu cầu mới, để đưa nông nghiệp vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên phát triển theo đúng định hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, gắn với chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu theo hướng sinh thái, hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững; chúng ta cần tập trung tháo gỡ những nút thắt còn tồn tại gây cản trở sự kết nối bền vững trong chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó cục trưởng Cục BVTV đề nghị các đơn vị tập trung thảo luận, có kế hoạch xử lý sâu bệnh trong năm 2023. Ảnh: Quang Yên.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó cục trưởng Cục BVTV đề nghị các đơn vị tập trung thảo luận, có kế hoạch xử lý sâu bệnh trong năm 2023. Ảnh: Quang Yên.

Cụ thể, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao năng lực bảo quản, chế biến, chế biến sâu. Bảo đảm và nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; Triển khai tốt công tác truy xuất nguồn gốc, xây dựng mã vùng trồng, mã xưởng chế biến, theo thông lệ quốc tế, chuyển đổi số trong nông nghiệp; Xây dựng hệ thống logictics và kho lạnh bảo quản đáp ứng đủ nhu cầu, cơ chế vận hành, kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị bền vững.

Tiếp tục tăng cường công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn gắn với chế biến, tiêu thụ; Phát triển mạnh, nhân rộng các mô hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả, hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, theo vùng; Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp.

Theo ông Đạt, kế hoạch công tác năm 2023 các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên và các năm tiếp theo, cần tập trung thảo luận, làm rõ giải pháp phòng chống bệnh khảm lá sắn, sâu keo mùa thu hại ngô; Tình hình sản xuất cà phê, hồ tiêu theo hướng bền vững, chương trình IPHM và sản xuất hữu cơ; Những khó khăn trong việc cấp mã số vùng trồng; Thực hiện công tác phòng chống sinh vật gây hại và quản lý vật tư nông nghiệp trong tình hình thực hiện Nghị quyết 18, 19 khi sáp nhập hệ thống.

Xem thêm
Vùng cao nuôi con đặc sản: [Bài 1] Lợn đen không đủ để bán

Nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Định đang phát triển mạnh nghề nuôi heo đen, giống heo bản địa còn được gọi là heo đồng bào được tiêu thụ rất mạnh.

Cục trưởng Cục Thú y: ‘Không có lợi ích nhóm trong hoạt động kiểm dịch động vật’

Trước thông tin có lợi ích nhóm trong hoạt động kiểm dịch động vật, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long đã đối thoại với các doanh nghiệp để làm rõ tin đồn này.

Sầu riêng rụng quả non hàng loạt do sốc nhiệt

KHÁNH HÒA Nhiều diện tích sầu riêng ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa đang thời kỳ quả non bị rụng hàng loạt do sốc nhiệt.

Quảng Ngãi xây dựng mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa

Các đơn vị đã phối hợp tổ chức gieo sạ bằng máy sạ cụm 12 hàng trên diện tích 5.000m2 tại mô hình ở cánh đồng lúa xã Đức Chánh (Mộ Đức, Quảng Ngãi).