Trước ảnh hưởng mạnh của hiện tượng thời tiết cực đoan, người dân sống tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang phải đối mặt với những khó khăn của tính trạng thiếu nước sạch từ khô hạn và xâm nhập mặn vào sâu trong đất liền. Tuy nhiên, giải pháp thay đổi quy luật xâm nhập mặn trong những năm gần đây đã gây khó khăn lớn cho công tác dự báo, cung cấp thông tin cho quản lý vận hành công trình thủy lợi, điều tiết nguồn nước, bố trí cơ cấu sản xuất và mùa vụ.
Tại hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm sáng kiến và vận động chính sách phục vụ cung cấp nước sạch quy mô hộ gia đình đạt chuẩn và thích ứng với biến đổi khí hậu” tổ chức sáng 27/11, đại diện Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết, người dân nông thôn tại Sóc Trăng trước đây chủ yếu sử dụng nguồn nước dưới đất và nguồn nước sông nhưng hiện không còn sử dụng nữa do sông bị ô nhiễm nặng. Nguồn nước ngầm lại thường xuyên nhiễm sắt, phèn, làm cho việc xử lý nước trở nên khó khăn và tốn kém.
Để giải quyết vấn đề này, cần có mô hình cấp nước phù hợp với đặc thù của từng vùng, đồng thời xây dựng các quy chuẩn đánh giá chất lượng nước đơn giản, tinh gọn nhưng hiệu quả, giúp đảm bảo nước sạch và an toàn cho người dân.
Các chuyên gia đều nhất trí rằng việc lựa chọn các thiết kế công trình cấp nước quy mô hộ gia đình phải đảm bảo các yếu tố: đơn giản, dễ vận hành, dễ thay thế và các vật liệu phải có sẵn tại địa phương; đầu tư ban đầu thấp, phù hợp nhu cầu của tất cả các hộ gia đình nông thôn chưa được sử dụng nước từ công trình cấp nước tập trung.
Những năm gần đây, các hoạt động phát triển công nghiệp và các ngành khác tại ĐBSCL có bước phát triển đáng kể nhưng hầu như chưa được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải.
Chế độ nước ngầm của vùng khá phức tạp, phần lớn ở độ sâu 100m. Nếu khai thác quá nhiều có thể làm nhiễm mặn. Chất lượng nước ngầm vùng ĐBSCL có hàm lượng Asen không cao, thường dưới tiêu chuẩn Việt Nam, ngoài ra, hàm lượng Mn, NH4 vượt tiêu chuẩn cho phép trong nước ngầm. Mặc dù nước mưa có chất lượng đảm bảo, nhưng mưa trong vùng chỉ từ tháng 4-11, nên nếu chỉ lựa chọn duy nhất nguồn nước này sẽ không đủ sử dụng quanh năm.
Trong điều kiện hiện tại, các hộ tại ĐBSCL vẫn nên khai thác nước mưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày tại hộ gia đình. Ngoài ra, có thể khai thác thêm nguồn nước mặt đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt trong gia đình, bao gồm phương thức như: Sử dụng trực tiếp nguồn nước mặt (nước kênh) lấy về nhà hoặc xử lý nước mặt bằng phương pháp lắng phèn để sinh hoạt.