| Hotline: 0983.970.780

Đề xuất xây dựng tiêu chuẩn nước phù hợp điều kiện thực tế từng vùng

Thứ Tư 27/11/2024 , 17:33 (GMT+7)

Xây dựng tiêu chuẩn nước phù hợp với điều kiện từng địa phương giúp đảm bảo chất lượng nước, tiết kiệm chi phí và nâng cao khả năng ứng phó biến đổi khí hậu.

Sáng 27/11, Vụ Hợp tác quốc tế phối hợp với Cục Thuỷ lợi (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm sáng kiến và vận động chính sách phục vụ cung cấp nước sạch quy mô hộ gia đình đạt chuẩn và thích ứng với biến đổi khí hậu”, thuộc khuôn khổ dự án "Nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn bền vững và giảm nhẹ rủi ro thiên tai vì sự phát triển của trẻ em" do Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) tài trợ.

Cấp nước hộ gia đình còn tiềm ẩn nhiều rủi ro

Ông Maharajan Muthu, Trưởng chương trình vì Sự sống còn Phát triển của trẻ, UNICEF Việt Nam, cho biết, cấp nước hộ gia đình, đặc biệt là ở khu vực tự cung cấp, thường không được quản lý an toàn và không hiệu quả bằng hệ thống cấp nước tập trung.

“Theo kết quả khảo sát MICS của Tổng cục Thống kê năm 2020-2021, 34% dân số Việt Nam, tương đương khoảng 33,3 triệu người, phải tự cung cấp nước uống. Tỷ lệ này cao hơn ở các vùng nông thôn, nơi gần 50% dân số vẫn phụ thuộc vào nguồn nước tự cung cấp. Điều đáng lo ngại là việc sử dụng nước từ các công trình nhỏ lẻ cho nhu cầu ăn uống lại phổ biến hơn trong nhóm dân nghèo, khiến họ phải đối mặt với những vấn đề về an toàn nước”, ông Maharajan Muthu cảnh báo.

Ông Maharajan Muthu cảnh báo về rủi ro khi sử dụng nước không đạt chuẩn. Ảnh: Phương Linh.

Ông Maharajan Muthu cảnh báo về rủi ro khi sử dụng nước không đạt chuẩn. Ảnh: Phương Linh.

Báo cáo của Cục Thủy lợi cho thấy, tính đến cuối năm 2023, khoảng 27 triệu người dân nông thôn Việt Nam (45%) sử dụng các hình thức cấp nước hộ gia đình (HGĐ): Loại hình cấp nước hộ gia đình thường không đáp ứng yêu cầu về chất lượng và trữ lượng không ổn định theo mùa, chỉ khoảng 19% đạt quy chuẩn chất lượng nước.

Hiện nay, các hộ gia đình ở nông thôn, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa, đang lưu trữ nước không đủ và giữ thói quen thu, trữ nước không hợp lý, trong khi đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái và ô nhiễm nguồn nước. Tình trạng xâm nhập mặn gia tăng ở các tỉnh ven biển và ĐBSCL càng làm trầm trọng thêm tình hình thiếu nước sạch, đẩy hàng triệu người dân vào cảnh khó khăn trong việc tiếp cận nước sinh hoạt.

Nâng cao tỉ lệ cấp nước sạch quy mô hộ gia đình đạt chuẩn

Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã nỗ lực triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt được mục tiêu nước sạch cho người dân ở nhiều cấp độ khác nhau. Tuy nhiên, các chính sách đối với cấp nước nông thôn nói chung và cấp nước quy mô hộ gia đình nói riêng hiện đang tồn tại nhiều bất cập cần phải bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp nhằm tạo động lực phát triển cho cấp nước quy mô hộ gia đình đạt chuẩn, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Theo chuyên gia Nguyễn Hồng Quân, để đảm bảo việc cấp nước nông thôn quy mô hộ gia đình đạt chuẩn, cần tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý cấp nước sạch từ Trung ương đến các địa phương và áp dụng chuyển giao công nghệ cấp nước tiên tiến, phù hợp với điều kiện từng khu vực.

Ông Quân đề nghị các địa phương xem xét xây dựng dự báo các vùng không thể cấp nước tập trung hoặc thiếu nước do biến đổi khí hậu, để có chính sách ưu tiên đầu tư các công trình cấp nước nhỏ lẻ. Đồng thời, cải thiện công tác giám sát và theo dõi để đảm bảo cập nhật kịp thời và chính xác các số liệu về chỉ số nước, giúp việc quản lý và ra quyết định được dễ dàng hơn.

Người dân Mèo Vạc (Hà Giang) lấy nước sạch từ các bể chứa nước của bản làng về sinh hoạt. Ảnh: Kiên Trung.

Người dân Mèo Vạc (Hà Giang) lấy nước sạch từ các bể chứa nước của bản làng về sinh hoạt. Ảnh: Kiên Trung.

Về Chính sách tín dụng theo Quyết định số 10/QĐ-TTg, cần xem xét tạo điều kiện về mức vay và thời gian vay, đặc biệt là đối với các hộ gia đình gặp khó khăn. Các đơn vị chuyên ngành cấp nước nông thôn cần phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) trong việc lựa chọn loại hình công trình cấp nước phù hợp với từng địa phương.

“Tôi cho rằng nên phát triển các nguồn nước mới, như xây dựng hồ chứa để đáp ứng nhu cầu cấp nước cho các vùng thiếu nước do hạn hán, xâm nhập mặn, đồng thời, chú trọng các công trình bảo vệ và khôi phục nguồn nước hiện có trong khu dân cư, như ao hồ và giếng làng.

Bên cạnh đó, xây dựng tiêu chuẩn nước phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng, giảm bớt các chỉ tiêu xét nghiệm khi cần thiết và đưa ra khuyến cáo rõ ràng về việc sử dụng nước trong ăn uống”, ông Nguyễn Hồng Quân nói.

PGS.TS. Lương Văn Anh, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Phương Linh.

PGS.TS. Lương Văn Anh, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Phương Linh.

Lắng nghe các ý kiến và giải pháp từ các chuyên gia và đại biểu, PGS.TS. Lương Văn Anh, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi, đề nghị các địa phương cần xây dựng chính sách cấp nước hộ gia đình phù hợp với điều kiện thực tế, hướng dẫn kiểm tra chất lượng nước và phương án tích trữ, xử lý nước an toàn.

Tại hội nghị, TS. Vũ Thanh Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác tác quốc tế, bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác giữa Bộ NN-PTNT và các Bộ, ngành, tổ chức quốc tế trong lĩnh vực cấp nước, từ đó tìm kiếm các nguồn tài trợ để cải thiện điều kiện cấp nước sạch, đặc biệt là ở các vùng thường xuyên phải đối mặt với thiên tai.

Xem thêm
Việt Nam - Ba Lan ký Bản ghi nhớ thúc đẩy hợp tác nông nghiệp

Bộ NN-PTNT Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ với Bộ NN-PTNT Ba Lan để thúc đẩy trao đổi thương mại và đạt được sự cân bằng trong quan hệ song phương.

Phú Thọ hỗ trợ hơn 42 tỷ đồng cho các dự án nông nghiệp

Với tổng kinh phí hơn 42 tỷ đồng, tỉnh Phú Thọ đã hỗ trợ cho nhiều dự án nông nghiệp trong năm 2024 với diện tích hàng ngàn ha.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Thủ tướng đồng ý đề xuất nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 9 ngày liên tục

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc nghỉ Tết Âm lịch và một số dịp nghỉ lễ trong năm 2025.