Sáng 15/11, Bộ NN-PTNT phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNICEF) tổ chức Hội nghị toàn quốc công tác nước sạch nông thôn nhằm đề ra các giải pháp, kế hoạch để công tác nước sạch nông thôn phát triển bền vững.
Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã nỗ lực triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt được mục tiêu nước sạch cho người dân, xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống tổ chức quản lý nhà nước, triển khai thực hiện các Chương trình, dự án cụ thể ở nhiều cấp độ khác nhau, cấp quốc gia, vùng, khu vực nông thôn trên toàn quốc.
Tính đến hết năm 2023, toàn quốc đã đưa vào khai thác khoảng 18.000 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung với hơn 219 công trình cấp nước tập trung quy mô liên xã trong đó có 116 công trình có công suất từ 5.000m3/ngày đêm, đảm bảo cấp nước sạch đạt quy chuẩn từ công trình cấp nước tập trung cho khoảng 55% dân số nông thôn, 94% các trường học.
Các hộ gia đình chưa được cấp nước tập trung đã được hỗ trợ về kỹ thuật, tải chính và hướng dẫn các biện pháp thu, trữ, xử lý nước an toàn cho mục đích sinh hoạt.
Mặc dù công tác cấp nước sạch nông thôn đã có những tiến bộ, nhưng vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Cụ thể, hệ thống chính sách chưa hoàn chỉnh và các quy định chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Nhu cầu đầu tư cho nước sạch rất lớn, nhưng nguồn lực từ ngân sách nhà nước hạn chế, trong khi việc huy động nguồn lực xã hội chưa đủ mạnh, đặc biệt ở vùng miền núi, xa xôi.
Mô hình quản lý và khai thác công trình nước sạch thiếu thống nhất, giá nước thấp, thu không đủ chi, nhiều công trình hoạt động kém hiệu quả. Bên cạnh đó, nguồn nước ngọt đang suy thoái do biến đổi khí hậu và ô nhiễm, làm ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cung cấp nước sạch bền vững cho người dân nông thôn.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh: “Nước đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội, giúp duy trì tính toàn vẹn của môi trường tự nhiên. Ngoài ra, nước là thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường, là nhân tố quyết định sự tồn tại và phát triển bền vững của quốc gia. Bảo đảm mọi người dân đều được tiếp cận, sử dụng nước sạch, an toàn là mục tiêu mà Đảng, Chính phủ, các Bộ, ngành, chính quyền địa phương và mọi người dân nông thôn đều hướng tới.
Vì vậy, Hội nghị là dịp để chúng ta cùng nhìn lại những mặt được, các vấn đề tồn tại và đề ra các giải pháp, kế hoạch cụ thể, đồng bộ để công tác nước sạch nông thôn phát triển bền vững, đảm bảo mọi người dân nông thôn được sử dụng nước sạch, an toàn với chi phí hợp lý để không ai bị bỏ lại phía sau”.
Bà Silvia, Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam, đã cảnh báo rằng biến đổi khí hậu đang đe dọa không chỉ tài nguyên nước mà còn cả sinh kế của người dân. Năm 2019, Việt Nam đứng thứ 13 trong số các quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ biến đổi khí hậu toàn cầu, một thực trạng đang gây áp lực lớn lên các cộng đồng, đặc biệt là tại các vùng nông thôn.
Hiện nay, hơn 30 triệu người dân nông thôn vẫn phải sử dụng nước không an toàn, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân mà còn đặc biệt nguy hiểm đối với người già, phụ nữ và trẻ em - nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
Theo Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam, nước ta cần tập trung vào một số hành động quan trọng để đối phó với thách thức về nước sạch và biến đổi khí hậu. Trước hết, mở rộng cung cấp nước sạch, đặc biệt tại khu vực nông thôn, bằng cách huy động các nguồn tài chính và phát triển cơ sở hạ tầng cấp nước.
Đồng thời, chú trọng hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người già và các gia đình nghèo, phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu như trường học và trạm y tế để phục vụ nhu cầu của cộng đồng.