| Hotline: 0983.970.780

Thay đổi tập quán canh tác cũ

Thứ Tư 27/04/2016 , 13:15 (GMT+7)

Vụ ĐX 2015-2016 Trung tâm KNQG phối hợp cùng Viện KHKT nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ, Sở NN-PTNT Phú Yên xây dựng mô hình liên kết SX và tiêu thụ hạt giống xác nhận 1 với 2 giống lúa ngắn ngày ĐV108 và ML48...

Nhằm làm thay đổi tập quán canh tác truyền thống của nông dân trong việc lấy lúa thịt làm lúa giống và gieo sạ mật độ dày, vụ ĐX 2015-2016 Trung tâm KNQG phối hợp cùng Viện KHKT nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ, Sở NN-PTNT Phú Yên xây dựng mô hình liên kết SX và tiêu thụ hạt giống xác nhận 1 với 2 giống lúa ngắn ngày ĐV108 và ML48 tại các xã An Thạch, An Định (huyện Tuy An), quy mô 50 ha.

Mô hình nằm trong khuôn khổ Dự án xây dựng và phát triển mô hình liên kết SX và tiêu thụ hạt giống xác nhận 1 của một số giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao tại các tỉnh miền Trung do Trung tâm KNQG làm chủ dự án.

Theo ông Thiều Quốc Hương, GĐ HTXNN An Thạch, nơi SX 25 ha giống ĐV 108 thì thời tiết vụ ĐX 2015-2016 diễn biến phức tạp, đầu vụ mưa lạnh gây ngập úng, giai đoạn lúa non thời tiết nắng nóng kéo dài, tình hình sâu bệnh hại trên cây lúa diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng không nhỏ đến sinh trưởng phát triển của cây lúa. Thêm nữa, nông dân đã quen với tập quán canh tác truyền thống nên khi áp dụng quy trình SX giống khiến họ không khỏi bỡ ngỡ, chưa áp dụng triệt để, do đó còn nhiều khó khăn trong xây dựng mô hình.

Tuy nhiên, ngay từ đầu vụ SX, trước khi gieo sạ tại mỗi điểm mô hình, Viện KHKT nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ đã tổ chức tập huấn quy trình kỹ thuật SX hạt giống lúa xác nhận 1 cho nông dân tham gia. Trong từng giai đoạn chăm sóc, khử lẫn, thu hoạch, cán bộ kỹ thuật của viện trực tiếp hướng dẫn thực hành trên đồng ruộng để nông dân nắm bắt và tuân thủ nghiêm túc về kỹ thuật khử lẫn, phun thuốc BVTV, công tác chuẩn bị cho thu hoạch giống, phơi sấy, chế biến.

"Người trực tiếp hướng dẫn là kỹ sư, cán bộ kỹ thuật của viện có chuyên môn và kinh nghiệm nhiều năm về SX hạt giống. Với phương pháp truyền đạt theo cách cầm tay chỉ việc, gắn lý thuyết với thực hành theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây lúa nên nông dân dễ tiếp thu và nhớ kỹ hơn”, ông Thiều Quốc Hương nói.

Dù gặp nhiều bất thuận về thời tiết, nhưng nhờ sự bám sát của cán bộ kỹ thuật nên nông dân thực hiện tốt quy trình và các biện pháp kỹ thuật. Nhờ đó diện tích lúa trong mô hình sinh trưởng phát triển tốt, sâu bệnh ít, năng suất lúa khá cao. Bình quân năng suất dự kiến các điểm SX đạt hơn 70 tạ/ha; tại xã An Thạch SX giống ĐV108 đạt 70,3 tạ/ha; mô hình SX giống lúa ML48 tại xã An Định đạt 69 tạ/ha, vượt cao hơn so với yêu cầu của dự án; cao hơn năng suất của giống cùng loại trong SX đại trà tại địa phương.

Ngoài hiệu quả trên, nông dân tham gia mô hình còn không phải lo về đầu ra về sản phẩm, bởi Viện KHKT nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ và 2 HTXNN An Thạch và An Định ký hợp đồng bao tiêu hạt giống các nhận 1 với nông dân với mức: 1kg giống đạt chuẩn bằng 1,25kg lúa khô thương phẩm cùng loại.

Theo đánh giá của cán bộ nông nghiệp 2 địa phương triển khai mô hình, sau khi tham gia SX giống, nông dân rút ra một điều là lượng giống gieo sạ ít hơn nhiều so với thói quen cũ, chỉ 80 - 100kg/ha (trong khi đó SX đại trà gieo sạ từ 240 - 260kg giống/ha), nhưng năng suất cho vẫn đạt cao hơn. Chính điều này đã từng bước làm thay đổi tập quán gieo sạ mật độ dày của bà con.

Ông Thiều Quốc Hương tính toán: “Tổng chi phí đầu tư cho 1 ha ruộng giống xác nhận 1 là hơn 25,3 triệu đồng cho những khoản chi VTNN, công lao động; còn chi phí cho 1ha lúa SX bình thường chi phí hết gần 26,5 triệu đồng. Chi phí đã thấp hơn, năng suất lại cao hơn và giá trị sản phẩm lại được gia tăng nên lợi nhuận của 1 ha SX giống cao hơn nhiều so với SX đại trà từ 23 - 25%”.

Theo ông Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện KHKT nông nghiệp duyên gải Nam Trung bộ, trước thực trạng tập quán canh tác lúa của nông họ ở Phú Yên còn sử dụng lúa thương phẩm để gieo sạ với mật độ dày (từ 240 - 260kg giống/ha) và mối liên kết trong SX hạt giống cấp cao (nguyên chủng và xác nhận) giữa các HTXNN với các DN chưa chặt chẽ, việc triển khai dự án này sẽ là cơ sở góp phần giải quyết được những tồn tại về SX và cung ứng giống tại địa phương, được các cơ quan quản lý, các cấp ngành của tỉnh Phú Yên đánh giá cao, nông dân tin tưởng hưởng ứng. Do vậy việc nhân rộng xây dựng các mô hình liên kết bền vững giữa người dân và doanh nghiệp trong SX và tiêu thụ hạt giống trong thời gian tới là rất cần thiết.

"Các tỉnh miền Trung cần đưa nhanh các giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao, phẩm cấp hạt giống tốt và thích ứng với điều kiện hạn hán và SX nhằm né tránh thiên tai ngày càng khắc nghiệt, nâng cao hiệu quả SX lúa. Đồng thời cần xây dựng được các mô hình liên kết bền vững trong SX và tiêu thụ hạt giống nhằm tăng cường SX giống tại chỗ để giảm chi phí về giống, chủ động đáp ứng nhu cầu của nông dân”, ông Hồ Huy Cường nói.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Nông dân Cao Phong chuyển đổi hàng ngàn bể phun thuốc vuông sang tròn

Hầu hết bể phun thuốc hình vuông sau một thời gian sử dụng đều bị nứt nhưng bể hình tròn thì không. Sáng kiến của ông Cường đã được hàng ngàn nhà vườn áp dụng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.