| Hotline: 0983.970.780

Thấy gì qua chuyến thăm tỉnh Sơn Đông của Chủ tịch Tập Cận Bình?

Thứ Hai 25/10/2021 , 08:53 (GMT+7)

Năng lượng, an ninh lương thực và bảo tồn nằm trong chương trình nghị sự khi Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm tỉnh Sơn Đông ở miền đông Trung Quốc tuần qua.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm khu bảo tồn ở đồng bằng sông Hoàng Hà hôm 21/10. Ảnh: THX.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm khu bảo tồn ở đồng bằng sông Hoàng Hà hôm 21/10. Ảnh: THX.

Hãng tin Tân Hoa xã đưa tin, ông Tập đã kiểm tra các nỗ lực bảo tồn ở cửa sông Hoàng Hà ở Đông Đình hôm 20/10 trước khi đi tham quan khu vực trình diễn nông nghiệp công nghệ cao, một cộng đồng dân cư và mỏ dầu lớn thứ hai của Trung Quốc.

Chuyến đi diễn ra khoảng hai tuần trước khi các nhà lãnh đạo hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc tập trung tại Bắc Kinh tham dự cuộc họp trù bị cho đại hội toàn quốc năm tới.    

Đại hội được kỳ vọng sẽ là bối cảnh cho một “Nghị quyết về Lịch sử”, một văn kiện chính trị quan trọng ghi lại những thành tựu của Đảng Cộng sản Trung Quốc và xác định các chính sách lớn trong những thập kỷ tới.

Sơn Đông là nơi sinh sống của hơn 100 triệu dân và là một cơ sở công nghiệp lớn, đứng thứ ba Trung Quốc về GDP, sau tỉnh Quảng Đông và Giang Tô.

Đây cũng là tỉnh quê nhà của vợ Chủ tịch Tập Cận Bình.

Theo Tân Hoa xã, ông Tập đã đến thăm viện nghiên cứu thăm dò dầu mỏ của Shengli và lên giàn khoan để kiểm tra hoạt động.

Năm nay đánh dấu kỷ niệm 60 năm ngày phát hiện ra mỏ dầu. Trong cuộc trò chuyện với các công nhân, ông Tập nói rằng ngành này có “ý nghĩa to lớn” đối với đất nước.

“Khi một quốc gia sản xuất lớn phát triển nền kinh tế thực sự, chúng ta phải nắm chắc nguồn cung cấp năng lượng trong tay của mình”, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh

Xie Maosong, một nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Chiến lược Quốc gia tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, cho biết chuyến đi của ông Tập đến mỏ dầu đã gửi một tín hiệu rõ ràng rằng công nghệ phát triển trong nước là chìa khóa cho mục tiêu của Trung Quốc trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng của đất nước, đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng quốc gia và cắt giảm lượng khí thải carbon.

Mỏ dầu Shengli đã được ca ngợi vì đóng góp vào mục tiêu trung hòa carbon của Trung Quốc, với việc áp dụng công nghệ thu giữ carbon.

Theo đài truyền hình Trung Quốc CCTV, 430.000 tấn carbon dioxide đã được bơm vào mỏ và tất cả 300 cơ sở sản xuất dầu trong khu vực lõi và vùng đệm của khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Hà bị đóng cửa để giúp cải tạo môi trường.

“Ông Tập đang nói với cả nước rằng có nhiều cách để đạt được các mục tiêu khó khăn, dường như mâu thuẫn với nhau là có đủ hệ thống sưởi cho mùa đông, phát triển kinh tế bền vững và giảm thiểu carbon”, nhà nghiên cứu Xie phân tích.

Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu thô và khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới và sự phụ thuộc vào nhập khẩu dầu khí đã tăng lên đáng kể trong thập kỷ qua. Hơn 70% lượng dầu mỏ sử dụng được nhập khẩu, trong khi hơn 40% lượng khí đốt tự nhiên đến từ nước ngoài.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang phải chịu đựng tình trạng thiếu điện trầm trọng do giá nhiên liệu hóa thạch tăng vọt, nhu cầu điện từ ngành xuất khẩu tăng và nhu cầu sưởi ấm gia tăng khi thời tiết mát mẻ hơn nhiều so với những năm trước.  

Theo Tân Hoa xã, ông Tập cũng nhấn mạnh rằng Trung Quốc nên tự túc về nguồn cung cấp lương thực trong chuyến thăm tới một điểm nghiên cứu thử nghiệm các loại cây trồng có khả năng chống chịu với đất mặn - kiềm ở đồng bằng sông Hoàng Hà.

“Tài nguyên đất đai [của Trung Quốc] rất quý giá. Việc phát triển các cây trồng chịu mặn - kiềm có ý nghĩa to lớn đối với việc tăng cường sử dụng đất. Nó cũng có thể đóng một vai trò tích cực trong việc bảo vệ vựa lúa của Trung Quốc và vựa gạo của cả nước”, Chủ tịch Tập Cận Bình nói.

Tiếp đó, ngày 22/10, tại thủ phủ Tế Nam của tỉnh Sơn Đông, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã triệu tập một cuộc họp cấp cao nhất về việc bảo vệ và phát triển lưu vực sông Hoàng Hà.

Ông cho biết vẫn còn “những mâu thuẫn và vấn đề rõ ràng” trong lưu vực, đồng thời yêu cầu các nhà chức trách chuẩn bị tốt hơn cho lũ lụt do thời tiết khắc nghiệt gây ra và theo đuổi con đường phát triển xanh với lượng khí thải carbon thấp hơn.

Ông Tập cũng đã đến thăm Khu đô thị mới Yangmiao, nơi ở của 4.700 cư dân được tái định cư từ vùng lũ sông Hoàng Hà, nói rằng ông “rất vui mừng” khi thấy mức sống của họ được cải thiện.

Di dời hàng triệu cư dân vùng lũ và bảo tồn đồng bằng sông Hoàng Hà là một trong hai ưu tiên trong kế hoạch bảo vệ và phát triển sông Hoàng Hà do Ủy ban Trung ương đảng và Quốc vụ viện Trung Quốc công bố vào ngày 8/10.

Sông Hoàng Hà chạy dài hơn 5.000 km (3.100 dặm) từ Cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng và qua Cao nguyên Hoàng thổ ở miền bắc Trung Quốc.

(Theo SCMP)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Sau ATACMS, Ukraine phóng loạt tên lửa Storm Shadow vào Nga

Ukraine đã phóng một loạt tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh vào lãnh thổ Nga hôm 20/11, chỉ một ngày sau khi sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.