Sáng 24/8, Tân Hoa xã đưa tin Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm núi Mặt Trăng tại Trang trại trồng rừng Tắc Hãn Bá (Saihanba). Ông được giới thiệu tóm tắt về công việc của chính quyền tỉnh Hà Bắc về “quản lý tổng hợp cảnh quan núi, rừng, hồ và cát” và khảo sát việc quản lý và bảo vệ trang trại trồng rừng.
Sau khi gặp gỡ các nhân viên kiểm lâm, Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm khu rừng tưởng niệm bí thư đầu tiên của nông trường, người đã dành cả đời để trồng cây tại trang trại. Ông Tập cũng nghe báo cáo của ban quản lý trang trại về việc thúc đẩy “tinh thần Tắc Hãn Bá” và sự thúc đẩy “phát triển chất lượng cao”.
Ông Tập Cận Bình khen ngợi các kiểm lâm và “công việc gương mẫu” của họ và nhắc lại rằng “tinh thần Tắc Hãn Bá là một phần không thể thiếu trong hệ tinh thần của đảng”.
“Toàn đảng và nhân dân cả nước phải thực hiện tinh thần này và phát triển một nền kinh tế xanh và văn minh sinh thái”, ông Tập nhấn mạnh.
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, ông Tập Cận Bình đã thừa nhận rằng bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu là những mối đe dọa cấp bách đối với sự tồn tại lâu dài của Trung Quốc.
Phục hồi rừng là một bước quan trọng để Trung Quốc đạt được mục tiêu phát thải carbon. Vào năm 2020, ông Tập Cận Bình đã cam kết một mục tiêu đầy tham vọng là đạt mức phát thải carbon cao nhất vào năm 2030 và đạt được mức độ trung tính carbon vào năm 2060.
Từng là địa điểm săn bắn của hoàng gia với một khu rừng rộng lớn, vùng đất ngập nước và là nơi sinh sống của các loài động vật hoang dã đa dạng, khu vực Tắc Hãn Bá nhanh chóng biến thành sa mạc từ 50 năm cuối của triều đại nhà Thanh (1644-1911) nông dân được phép khai hoang.
Trung Quốc bắt đầu dự án trang trại trồng rừng đầy tham vọng vào năm 1962, cố gắng ngăn chặn những cơn bão cát ảnh hưởng đến Bắc Kinh và khu vực xung quanh. Khu vực cằn cỗi đã trở thành công viên rừng quốc gia vào năm 1993 và được Hội đồng Nhà nước nâng cấp thành khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia vào năm 2007.
Từ một mảnh đất hoang "chim không chỗ trú, cát vàng che mây" đến biển rừng nhân tạo lớn nhất bắc bán cầu, những người trồng rừng Tắc Hãn Bá đã bằng ý chí bất hủ, viết nên truyền kỳ "bức họa đồng xanh".
Hấp thụ 747.000 tấn carbon dioxide và giải phóng 545.000 tấn oxy mỗi ngày, Tắc Hãn Bá cũng có thể sản xuất hơn 450.000 tấn gỗ thị trường và khối lượng giao dịch giấy phép phát thải carbon của nó có thể vượt quá 30 triệu nhân dân tệ (4,55 triệu đô la Mỹ), theo Quỹ China Green Carbon Foundation.
Trong một cuộc họp cấp quốc gia vào tháng 8/2017, ông Tập đã ca ngợi dự án này là “một ví dụ sinh động” về việc thúc đẩy ưu tiên chính sách xây dựng một Trung Quốc xanh, và kêu gọi đất nước học hỏi từ “tinh thần Tắc Hãn Bá”.
Xie Maosong, một nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Chiến lược Quốc gia của Đại học Thanh Hoa, cho biết Tắc Hãn Bá đóng vai trò quan trọng trong việc khôi phục hệ sinh thái ở khu vực Bắc Kinh - Hà Bắc -Thiên Tân - một trong những khu vực phát triển quan trọng nhất ở miền bắc Trung Quốc.
“Hàng nghìn người đã làm việc từ nhiều thế hệ này sang thế hệ khác để xây dựng tài sản môi trường dài khổng lồ này giúp làm sạch không khí, bảo tồn nguồn nước quý giá và cải thiện khí hậu tổng thể ở khu vực khô và lạnh”, Xie nói.
“Nó đã chứng tỏ rõ ràng giá trị của mình khi Bắc Kinh đối mặt với ít khói bụi và bão cát hơn đáng kể trong những năm qua”, ông bổ sung.
Giáo sư Yang Zhaoxia, Phó Trưởng khoa Luật của Đại học Lâm nghiệp Bắc Kinh, cho biết quyết định của ông Tập khi bắt đầu công việc kiểm tra ở Tắc Hãn Bá là sự "ca ngợi động viên" đối với những người đã dành nhiều thập kỷ trồng cây trên sa mạc.
“Trung Quốc đang phát triển từ một nền văn minh nông nghiệp, công nghiệp thành một nền văn minh [thân thiện với sinh thái]", Giáo sư Yang nói.
“Các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp có thể kiếm tiền dễ dàng thông qua thị trường, nhưng các sản phẩm sinh thái, vốn là hàng hóa công cộng cần nhiều thập kỷ để xây dựng, thường rất khó định giá… Đó là lý do tại sao tinh thần Tắc Hãn Bá xưa rất phù hợp bây giờ, bao gồm sự tận tâm quên mình, sự bền bỉ qua nhiều thế hệ, tư duy khoa học và đổi mới,...”, giáo sư Yang lý giải.
Phó Trưởng khoa Luật của Đại học Lâm nghiệp Bắc Kinh kêu gọi Trung Quốc nâng cấp các biện pháp khuyến khích đối với các nhà cung cấp dịch vụ sinh thái và các khu vực để thúc đẩy giai đoạn tiếp theo của quá trình phục hồi sinh thái tổng thể.
“Trên thực tế, công nghiệp sinh thái là nền tảng của bất kỳ ngành nông nghiệp và công nghiệp nào và trồng rừng là quan trọng nhất trong số các dự án sinh thái vì nó khôi phục lá phổi của Trái đất. Các đơn vị và cá nhân tham gia vào lĩnh vực này, đặc biệt là nhiều lâm trường quốc doanh đã có đóng góp đáng kể trong lĩnh vực này. Đất nước phải làm nhiều hơn nữa để giải quyết các vấn đề sinh kế của họ", giáo sư Yang khẳng định.
“Chúng ta cần công bằng với những người làm công tác trồng rừng, họ không nên là những người đổ lệ sau khi đổ mồ hôi công sức từ bao đời nay", ông Yang nói.
Cơ quan Quản lý Lâm nghiệp và Đồng cỏ Quốc gia Trung Quốc công bố kế hoạch tăng tỷ lệ che phủ rừng của nước này lên 24,1% vào năm 2025, từ mức 23% vào năm ngoái.
Cơ quan này cũng có kế hoạch tăng diện tích mở rộng các vườn quốc gia lên chiếm 18% diện tích vào năm 2025 và thiết lập hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên với các vườn quốc gia là một thành phần chính vào năm 2035.