| Hotline: 0983.970.780

Theo dấu chúa sơn lâm

Thứ Hai 24/12/2007 , 11:25 (GMT+7)

Tin dấu chân hổ xuất hiện dưới đồng bằng (Quảng Nam) buộc chính quyền địa phương nghiêm lệnh cấm dân ra đồng! Một đội truy lùng được thành lập, suốt đêm theo dấu chúa sơn lâm...

Leo lên cầu thang tre tiến vào bãi tập kết con thúChúng tôi đồng loạt bật đèn pin sáng rực cả một góc bãi. Từng cành cây ngọn cỏ được soi rọi tỷ mỷ.

Men theo dấu chân hướng về bên tả ngạn của con sông. Một cành cây non vừa bị dấu chân con thú lớn đè lên chưa kịp bật dậy.

Hoang mang vì dấu chân hổ đột nhiên xuất hiện, mấy đêm qua, hàng chục dân quân, công an thức trắng để truy tìm... và phát hiện thêm nhiều vết chân mới

Dân hoang mang, chính quyền lúng túng

Làng Bình An, xã Nam Phước, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) bỗng chốc bị xáo trộn khi có người phát hiện có dấu chân của con thú lạ mà người lớn tuổi có kinh nghiệm cho rằng đó chính là dấu chân hổ. Cả tuần nay họ sống trong nỗi thấp thỏm, âu lo vì sợ. Ông Nguyễn Đình Chính, Trưởng thôn Bình An, cho biết: “Việc con thú lạ này đào ăn xác con bò vừa chôn trước đó vài ngày càng khiến người dân sợ hơn. Có khả năng là con thú này đang rất đói”. Theo ông Chính thì con thú trên xuất hiện hết sức kỳ lạ: “Nó chỉ di chuyển vào ban đêm và để lại những dấu vết rất rõ.” Hiện hàng trăm người dân đang sản xuất vụ đông trên gò đồi Đông Khương, nơi có những dấu vết thú lạ trong tâm trạng phập phồng. Ông Ngô Văn Danh 61 tuổi, ở thôn Bình An, nói: “Dấu vết mà con thú này để lại rất giống bàn chân hổ. Chúng tôi làm ăn trên mảnh đất này cũng sợ lắm nhưng biết làm sao được, vụ sản xuất không thể chậm được”. Mấy ngày nay, người dân ở đây không dám đi làm sớm hoặc về tối. Số người làm trên gò đất này cũng giảm hẳn dù đang thời gian sản xuất mùa vụ. “Làm sao mà yên tâm sản xuất được khi sau một đêm lại thấy hàng ngàn dấu chân mới xuất hiện. Trên thửa ruộng của tôi đây cũng đầy dấu chân... hổ!” bà Văn Thị Huệ lo lắng.

Sau khi phát hiện con thú lạ xuất hiện, người dân Nam Phước đã báo chính quyền địa phương. Do khả nghi đây là loài thú quý hiếm, ngành kiểm lâm đã có văn bản thông báo không được săn bắn. Chưa biết là thú gì, chưa biết có nguy hiểm hay không lại không được bắn, chính quyền địa phương đang rất lúng túng trong xử lý vụ việc này. “Không thể cấm bà con sản xuất ở vùng đất này vì đang bước vào vụ mùa. Chúng tôi chỉ khuyến cáo là bà con không nên ra đồng quá sớm và về quá muộn vì lúc trời tối nếu có thú dữ xuất hiện sẽ nguy hiểm. Hiện địa phương cũng chẳng có phương tiện gì hỗ trợ nên nếu có thú lạ xuất hiện cũng khó mà đối phó lại” - ông Nguyễn Đình Chính nói.

Ông Lê Trung Ba, người dân thôn Bình, tha thiết nói: “Nếu để tình trạng này kéo dài thì không thể yên ổn làm ăn được. Chúng tôi mong rằng cơ quan chức năng sớm có biện pháp đối phó để người dân khu vực này yên tâm sản xuất, sớm ổn định cuộc sống”.

Chỉ tìm thấy dấu chân

Để xác định rõ ràng con thú này, mấy đêm liền lực lượng dân quân thôn, xã đã liên tục tổ chức truy tìm thú lạ. Đêm 22-12, phóng viên Báo Pháp Luật TP.HCM đã tham gia lực lượng truy tìm này. Mười giờ đêm, cuộc truy tìm thú dữ bắt đầu. Lúc này trên thành cầu Câu Lâu, hàng trăm người hiếu kỳ vẫn còn tụ tập đến xem thú dữ. Anh Nguyễn Văn Pháp, Tổ trưởng tổ dân phòng khu phố Bình An, ra lệnh: “Đêm nay sẽ không xuống sớm như tối qua mà hãy ẩn trên cầu để rình con vật xuất hiện. Anh em tuyệt đối hạn chế tiếng động, nếu không con thú sẽ phát hiện và ẩn nấp ngay”. Hai giờ khuya, chúng tôi mang mồi nhử thú. Tất cả anh em nín thở leo xuống cầu. Gần một ký thịt bê thui Cầu Mống chính hiệu được đem ra làm mồi nhử thú.

Theo chiếc cầu tre cũ của những người làm đồng dựng lên ngay chính giữa cầu Câu Lâu thả xuống cù lao Đông Khương, từng người một chúng tôi leo xuống dưới chân cầu, nơi có những móng vuốt in tròn từ những đêm trước.

Anh Chính đứng trên thành cầu nín thở quan sát. Anh Pháp tay cầm đèn pin rón rén bước theo từng bậc thang tre. Hai dân phòng khác lặng lẽ tiếp cận cây cầu tre. Mặt đất nhầy nhụa bùn và bốc mùi tanh ghê rợn.

Như kế hoạch đã vạch sẵn, anh Pháp mang thịt bê thui bò sát đến lùm tre um tùm gần mép nước ven sông treo lên đấy. Chúng tôi quay ngược lên thượng nguồn của bãi bồi để đánh lạc hướng con thú. Anh Chính nép sát thành cầu, ánh mắt không rời miếng mồi để tìm con thú.

Không ai nói với nhau lời nào. Từng người một băng qua đám đất khô, tiến dần về căn chòi bỏ hoang của một người làm đồng. Anh Pháp ra hiệu chúng tôi tụm lại. Dưới ánh trăng, dấu chân con thú to gần bằng bàn tay hiện ra tần ngần trên mặt đất.

Cuộc tìm kiếm bất thành. Cả đoàn rã rời chân tay trèo lên bờ ngồi nghỉ. Ba giờ sáng, bỗng nhiên có tiếng la lớn của một thành viên trong đoàn: “Nó đây rồi. To lắm! Nó mới ở quanh đây thôi”. Tất cả mọi người dựng dậy. Chúng tôi đồng loạt bật đèn pin, ánh đèn neon sáng rực cả một góc bãi. Từng cành cây ngọn cỏ được soi rọi tỷ mỷ. Men theo dấu chân hướng về bên tả ngạn của con sông. Một cành cây non vừa bị dấu chân con thú lớn đè lên chưa kịp bật dậy. Dấu chân ngày một đậm rồi chìm dần vào đống bùn non nhão nhoẹt sâu gần nửa mét bên vực sông đen ngòm.

Chúng tôi đã tiến đến khúc thượng nguồn của bãi Đông Khương. Nơi có những bãi cát trắng nằm trải mình dưới bóng đêm. Từ phía trên cây cầu chợt có tiếng hú dữ dội. Tiếng la ó kéo dài vang theo tiếng xe ca.

Gần sáu tiếng đồng hồ quần quật trên bãi cát, mọi người đã rệu rã chân tay nhưng vẫn chưa tìm thấy tung tích của con thú. Trời bắt đầu ló sáng, mọi người lại phát hiện ra những dấu chân mới của con thú bên bờ sông. Vẻ đăm chiêu, lo lắng hiện lên trên nét mặt của người dân Nam Phước. Giờ đây họ chỉ biết trông chờ vào sự trợ giúp của cơ quan chức năng.

Xem thêm
Chương trình hành động của Chính phủ chống khai thác IUU

Mục đích của Chương trình hành động là xác định chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.