Ngày 2/5, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam chủ trì cuộc họp triển khai một số nội dung liên quan đến việc triển khai 5 mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL.
5 mô hình được lựa chọn nằm ở 5 địa bàn có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau. Các mô hình sẽ đi đầu về triển khai quy trình canh tác lúa bền vững; tổ chức cơ giới hóa đồng bộ; liên kết tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu gạo giảm phát thải; nâng cao năng lực HTX, khuyến nông cộng đồng, cán bộ cấp xã, huyện, tỉnh; các giải pháp tăng trưởng xanh, thu gom rơm rạ, bình đẳng giới trong sản xuất và sinh kế người dân…
Bên cạnh đó, thiết kế mẫu toàn bộ hệ thống thủy lợi nội đồng một cách hoàn chỉnh. Phù hợp với thổ nhưỡng, triều cường, nguồn nước của các vùng sinh thái.
Các mô hình sẽ được triển khai trong 3 vụ: Hè thu 2024, đông xuân 2024 – 2025 và hè thu 2025.
Đặc biệt, ngay trong vụ hè thu 2024, các mô hình sẽ triển khai luôn việc đo đạc - báo cáo - thẩm định các giải pháp giảm phát thải (MRV).
Cụ thể, mô hình của TP Cần Thơ dự kiến triển khai trên quy mô khoảng 50ha, do HTX nông nghiệp Thuận Tiến (xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh) thực hiện. Trong đó, vụ hè thu 2024, HTX đã khởi động gieo sạ 47ha và sẽ tiếp tục mở rộng trong vụ đông xuân 2024 – 2025 và hè thu 2025.
Tỉnh Kiên Giang đã đăng ký tham gia 340ha, ở vùng sản xuất tôm lúa của HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh niên Phú Hòa (xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp) và HTX tôm cua lúa Thạnh An (xã Đông Thạnh, huyện An Minh). Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Thanh Nam yêu cầu Sở NN-PTNT tỉnh nghiên cứu kỹ, giảm quy mô diện tích nói trên.
Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng thống nhất đăng ký tham gia 50ha tại HTX nông nghiệp Hưng Lợi (xã Long Đức, huyện Long Phú).
Tương tự, tỉnh Trà Vinh và Đồng Tháp cũng nhất trí quy mô đăng ký mô hình điểm của địa phương là 50ha/mô hình. Các mô hình sẽ được triển khai tại HTX nông nghiệp Phước Hảo (xã Phước Hảo, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) và HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú Thọ (xã An Long, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp).
Sau cuộc họp này, Thứ trưởng Nam đề nghị các địa phương xác định lại một lần nữa diện tích cụ thể các mô hình điểm, tránh xảy ra tình trạng “đăng ký hôm trước, hôm sau lại thay đổi”. Bởi thực tế nông dân vẫn còn băn khoăn, lo ngại về vấn đề năng suất lúa có đạt theo cách làm hiện tại hay không.
“Năng suất hiện đạt từ 6 – 7 tấn/ha, bây giờ kêu bà con làm mô hình gieo sạ từ 60 – 80kg lúa/ha. Nông dân băn khoăn, nên rút chưa muốn tham gia. Bà con muốn địa phương cứ làm, có hiệu quả lúc đó bà con đồng tình hưởng ứng. Do đó, các địa phương đã đăng ký thì phải thật sự làm”, Thứ trưởng Nam nhấn mạnh.
Về nguồn vốn thực hiện các mô hình thí điểm, Thứ trưởng Nam cho biết, các địa phương tham gia và Trung ương sẽ cùng bỏ ra. Trong đó, Trung ương sẽ chi trả về mặt kỹ thuật mô hình, địa phương chi trả về vật tư và hạ tầng. Ngoài ra còn có sự tham gia đồng hành, hỗ trợ của doanh nghiệp.
Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI) cũng cam kết hỗ trợ về kỹ thuật canh tác lúa phát thải thấp, chất lượng cao; cung cấp dịch vụ gieo sạ bằng máy (tối đa 50ha/mô hình); hỗ trợ 50% chi phí giống xác nhận (còn lại là nguồn hỗ trợ của địa phương); thiết bị đo mực nước tự động; đo đếm các chỉ tiêu nông học, đất, tính toán hiệu quả kinh tế…
Với các nguồn lực hỗ trợ trên, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh, nông dân khi tham gia vào các mô hình điểm sẽ “không bỏ ra cái gì” để bà con phấn khởi tham gia.