| Hotline: 0983.970.780

Thí điểm mô hình 'nông nghiệp dinh dưỡng' để giảm nghèo

Thứ Tư 20/11/2019 , 08:48 (GMT+7)

Mô hình “Nông nghiệp dinh dưỡng” được tổ chức thí điểm tại tỉnh Trà Vinh nhằm hỗ trợ đồng bào Khmer thuộc diện hộ nghèo khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

12-31-11_1
Các hộ dân được chọn tham gia mô hình thí điểm “Nông nghiệp dinh dưỡng” tại Trà Vinh là hộ nghèo, cận nghèo đồng bào dân tộc Khmer.

Mô hình nuôi gà, trồng rau xanh được các chuyên gia của Bộ NN-PTNT và Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) khảo sát thực tế và Chi cục Phát triển nông thôn (PTNT) Trà Vinh đề xuất thực hiện. Mới đây, ngày 13/11/2019, Chi cục đã khảo sát đánh giá bước đầu mô hình trên địa bàn xã Long Hiệp, huyện Trà Cú.
 

Trên 24% hộ đồng bào Khmer khó khăn

Trà Vinh là một trong những tỉnh, thành tại ĐBSCL có dân số trên 1 triệu người, trong đó có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống (chiếm khoảng 30% tổng dân số). Giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm từng bước nâng cao thu nhập cải thiện cuộc sống cho hộ nghèo, giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các nhóm dân cư trong xã hội, giữa các dân tộc, giữa các vùng.

Thời gian qua, với sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ban ngành đoàn thể, kết quả triển khai thực hiện công tác giảm nghèo bền vững của tỉnh Trà Vinh đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Đời sống nhân dân có nhiều thay đổi, bộ mặt của các xã phát triển rõ rệt, nhất là nhân dân vùng đồng bào dân tộc Khmer; giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo từ 13,23% năm 2015 còn dưới 3% vào cuối năm 2020, nhất là hộ dân tộc Khmer giảm từ 23,12% cuối năm 2015.

Song, theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh, kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ cuối năm 2018, toàn tỉnh vẫn còn 16.414 hộ nghèo, chiếm 5,95% so với tổng số hộ dân cư toàn tỉnh.

Trong đó, hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập (hộ N1) là 15.576 hộ, chiếm tỷ lệ 94,89% so với tổng số hộ nghèo. Hộ nghèo thiếu hụt sự tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (hộ N2) 838 hộ, chiếm tỷ lệ 5,11% so với tổng số hộ nghèo.

Hộ nghèo đồng bào dân tộc Khmer 10.079 hộ, chiếm tỷ lệ 11,27% so với tổng số hộ dân cư dân tộc Khmer. Hộ cận nghèo 23.046 hộ, chiếm tỷ lệ 8,36% so với tổng số hộ dân cư toàn tỉnh, trong đó hộ cận nghèo dân tộc Khmer 11.892 hộ, chiếm tỷ lệ 13,30% so với tổng số hộ dân cư dân tộc Khmer.

12-31-11_2
Đoàn công tác của Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, Viện Dinh dưỡng Quốc gia khảo sát nhu cầu của các hộ nghèo tại xã Long Hiệp, huyện Trà Cú.

Để hỗ trợ đồng bào Khmer nghèo vượt qua khó khăn, mô hình “Nông nghiệp dinh dưỡng” trong khuôn khổ Chương trình hành động “Không còn nạn đói ở Việt Nam đến năm 2025” được triển khai thí điểm tại 3 tỉnh khó khăn.

Tại Trà Vinh, mô hình này được triển khai tại xã Long Hiệp thuộc huyện Trà Cú, khó khăn nhất tỉnh Trà Vinh. Huyện có đến trên 60% đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, cao nhất cả tỉnh.
 

Hỗ trợ đồng bào nghèo vươn lên

Đây là mô hình được Chi cục PTNT Trà Vinh tổ chức thực hiện dưới sự tài trợ, hỗ trợ của Cục Kinh tế hợp tác và PTNT và Viện Dinh dưỡng quốc gia. Nguồn vốn thực hiện chương trình từ Bộ NN-PTNT và của các Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) và Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế (CIAT). Tổng chi phí thực hiện mô hình thí điểm tại tỉnh Trà Vinh là 436 triệu đồng, cấp cho 36 hộ dân dùng để nuôi gà và trồng rau.

Mô hình được thực hiện tại 3 ấp là ấp Chợ, ấp Trà Sất A, Trà Sất B của xã Long Hiệp, huyện Trà Cú. Tham gia mô hình có 36 hộ dân của 3 ấp, mỗi ấp 12 hộ. Các hộ dân tham gia mô hình là các gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, là đồng bào dân tộc Khmer sinh sống trên địa bàn xã khó khăn diện 135, huyện nghèo theo chương trình huyện 30A.

Để thực hiện mô hình này, từ tháng 3/2019, đoàn công tác của Cục Kinh tế hợp tác và PTNT và Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã phối hợp với UBND xã Long Hiệp đã khảo sát các thông tin về nhân khẩu học, thu nhập, mức sống, khẩu phần ăn của bà mẹ và trẻ của từng hộ gia đình. Để từng bước xác định nhu cầu dinh dưỡng, xây dựng mô hình kinh tế phù hợp với nhu cầu của hộ gia đình để từng bước nâng cao thu nhập, xóa bỏ tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em và người dân.

Kết quả khảo sát của đoàn công tác cho thấy đặc điểm của hộ nghèo, cận nghèo đồng bà dân tộc Khmer tham gia trong mô hình thí điểm lần này tại tỉnh Trà Vinh gần như không có hoặc có rất ít đất sản xuất, gia đình thường chỉ có một lao động chính làm việc, lao động chính làm việc không có thời gian rảnh rỗi, gia đình có trẻ em bị suy dinh dưỡng.

12-31-11_3
Chuyên gia dinh dưỡng thu nhập thông tin các đặc điểm nhân khẩu học của trẻ em tại các hộ dân nhằm đánh giá thể trạng và mức độ suy dưỡng của các em.

Bên cạnh đó, truyền thống chăn nuôi của người dân địa phương chủ yếu là nuôi đại gia súc như heo, bò, nghề chăn nuôi gia cầm chưa phát triển. Các hộ dân chưa biết hoặc có chăn nuôi chăn nuôi gia cầm nhưng kỹ thuật chưa cao. Theo kết quả khảo sát, phân tích của Viện Dinh dưỡng quốc gia, đặc điểm dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em bị suy dinh dưỡng của các hộ dân trong mô hình thí điểm là thiếu thịt, trứng, sữa và rau xanh trong khẩu phần ăn hàng ngày.

Từ đó, đoàn công tác Chi cục PTNT Trà Vinh đã đề xuất xây dựng mô hình hỗ trợ cho các hộ dân trong mô hình tại tỉnh Trà Vinh nuôi gà và trồng rau xanh. Theo đó, kể từ tháng 8/2019, mỗi hộ gia đình được hỗ trợ 147 con gà giống, 20,5 bao thức ăn công nghiệp, 4 lần tiêm chủng vắc xin và thuốc ngừa bệnh, giống cải ngọt, phân chuồng ủ hoai, phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Cùng với đó là các buổi tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gà và trồng rau xanh.

Hộ dân tham gia mô hình thực hiện đối ứng chuồng trại, trấu và men vi sinh, bóng đèn, máng ăn, máng uống nước cho gà, 100m2 đất trồng rau xanh, thùng tưới và một số chi phí khác.

Theo ông Phạm Thanh Tiếng, Phó Chi cục trưởng Chi cục PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết, 5 mục tiêu của mô hình “Nông nghiệp dinh dưỡng” tại tỉnh Trà Vinh đó là:

Thứ nhất, thông qua mô hình để nâng cao nhận thức trong quá trình đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, cải thiện dinh dưỡng cho người dân, để phổ biến ra rộng rãi trong thời gian tới.

Thứ hai, nâng cao nhận thức của hộ dân trong việc tận dụng vùng đất trống xung quanh nhà để khai thác sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng, nhằm bổ sung nguồn thức ăn hàng ngày đảm bảo dinh dưỡng.

Thứ ba, giảm suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 2 tuổi, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng gầy còm ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Thứ tư, nâng cao ý thức người dân trong quá trình sản xuất, tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã và liên kết sản xuất.

Cuối cùng, giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần tăng thêm nguồn thu nhập, cải thiện đời sống người dân nông thôn.

Mô hình thực hiện thành công sẽ mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực cho hộ dân thuộc diện khó khăn vùng đồng bào dân tộc Khmer của xã Long Hiệp nói riêng và tỉnh Trà Vinh nói chung. Đây là cơ sở để các chuyên gia tiến hành nghiên cứu và nhân rộng.

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.