| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam với 'Không còn nạn đói'

Thứ Ba 19/11/2019 , 08:45 (GMT+7)

Ngày 12/6/2018, Chính phủ chính thức phê duyệt quyết định Ban hành Chương trình hành động Quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam đến năm 2025.

00-11-10_1
Những năm qua, Việt Nam đã và đang nỗ lực giảm nghèo bền vững.

Ban chỉ đạo Quốc gia và Văn phòng thường trực chương trình do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng làm trưởng ban.
 

Chương trình thiết thực

Song song với việc ra quyết định, Chính phủ cũng ban hành chương trình hành động Quốc gia “Không còn nạn đói”. Theo đó, chương trình “Không còn nạn đói” là sáng kiến của Tổng Thư ký Liên hợp quốc đưa ra nhằm “100% dân cư có đủ lương thực quanh năm; không còn trẻ em dưới 2 tuổi bị suy dinh dưỡng; toàn bộ các hệ   thống lương thực, thực phẩm bền vững; 100% nông hộ nhỏ tăng năng suất và thu nhập đặc biệt là phụ nữ và không còn tổn thất, lãng phí lương thực, thực phẩm”.

Đây là Chương trình phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững (SDG2) xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và phát triển nông nghiệp bền vững đã được Chính phủ Việt Nam cam kết thực hiện phù hợp với Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững đang thực hiện tại Việt Nam.

Việt Nam là một trong những nước đạt được thành tích nổi bật trong việc giảm số người bị đói từ 46,9% (32,16 triệu người) giai đoạn 1990 - 1992 xuống còn 9% (8,01 triệu người) trong giai đoạn 2010 - 2012 và đã đạt được mục tiêu phát triển bền vững số 2 (SDG2), hướng tới mục tiêu giảm một nửa số người bị đói vào năm 2015 và cơ bản giải quyết được tình trạng đói vào năm 2020 (theo đánh giá của tổ chức FAO).

Tuy nhiên, suy dinh dưỡng ở trẻ em vẫn còn ở mức cao so với phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới và còn có sự khác biệt khá lớn giữa các vùng, miền. Đặc biệt là suy dinh dưỡng thấp còi - ảnh hưởng đến chiều cao, tầm vóc của người Việt Nam, tỷ lệ này vẫn còn ở mức cao (24,6% năm 2015) và phân bố không đều giữa các vùng, miền trong cả nước.

Hiện nay còn 12 tỉnh có tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở mức cao (trên 30%), các tỉnh này tập trung chủ yếu ở 3 vùng: Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và miền núi phía Bắc. Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng (thiếu sắt, thiếu Iốt, thiếu vitamin A) vẫn cần quan tâm đầu tư, đặc biệt ưu tiên các vùng khó khăn và vùng sâu vùng xa, vùng có tỷ lệ thiếu vi chất dinh dưỡng cao.

Theo điều tra năm 2014 - 2015 của Viện Dinh dưỡng, tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam là 27,8%, tỷ lệ này cao hơn ở miền núi 31,2%, nông thôn (28,4%) và thấp hơn ở thành thị (22,2%). Tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai là 32,8% và tỷ lệ này ở phụ nữ không có thai là 25,5%. Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 13%.

Tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ em dưới 5 tuổi rất cao tới 69,4%, đặc biệt rất cao ở miền núi (80,8%), nông thôn (71,6%) và ở thành thị có thấp hơn nhưng vẫn khá cao (49,7%). Tỷ lệ thiếu kẽm ở phụ nữ có thai trên toàn quốc đặc biệt cao ở mức 80,3%, và ở miền núi là 87%, ở nông thôn là 80,1%, ở thành phố là 70,8%.

Tỷ lệ thiếu kẽm ở phụ nữ tuổi sinh đẻ cũng rất cao chiếm 63,6%, tỷ lệ này ở miền núi là 73,4%, nông thôn là 60,3% và thành thị là 54,5%. Vấn đề phòng chống thiếu kẽm, thiếu vitamin D cần được xem xét, có các chương trình hỗ trợ và có kế hoạch giám sát định kỳ, theo dõi tình trạng thiếu những vi chất này.
 

Nâng cao tầm vóc người Việt

Chương trình hành động Quốc gia “Không còn nạn đói” đến năm 2025 thực hiện mục tiêu đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm, đáp ứng đủ dinh dưỡng cho người dân nhằm nâng cao thể trạng, trí tuệ, tầm vóc con người Việt Nam. Đồng thời thực hiện mục tiêu phát triển bền vững số 2 (SDG2) do Chính phủ Việt Nam cam kết với Tổ chức Liên hợp quốc.

00-11-10_2
Mục tiêu 2025, các hộ cơ bản đủ dinh dưỡng quanh năm.
Hiện nay, “Không còn nạn đói” đang được thí điểm triển khai tại 1 thôn (bản) của 3 huyện nghèo là Bắc Hà (Lào Cai), Sơn Tây (Quảng Ngãi) và Trà Cú (Trà Vinh) của nước ta. Việt Nam được Liên hiệp quốc công nhận như tấm gương trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, song những thách thức lớn để không còn nạn đói ở Việt Nam vẫn còn rất lớn.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, cơ bản các hộ có đủ lương thực, thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng quanh năm. Phát triển hệ thống lương thực thực phẩm bền vững: 100% hộ tham gia chương trình được tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã và liên kết sản xuất. Phấn đấu không còn thất thoát hoặc lãng phí lương thực, thực phẩm.

Theo Chính phủ, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cho người dân, các cấp chính quyền và toàn xã hội hiểu được ý nghĩa đây là chương trình giảm nghèo bền vững. Đồng thời tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, nắm được phương pháp, cách làm, đặc biệt với các hộ gia đình là chủ thể thực hiện chương trình này, nhằm tổ chức triển khai hiệu quả chương trình.

Ngày 29/11/2018, tại Hội nghị toàn thể Chương trình Hỗ trợ Quốc tế (ISG), Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã có bài phát biểu về chương trình “Không còn nạn đói”.

Bộ trưởng khẳng định, nhận thức được tầm quan trọng của chương trình, Chính phủ Việt Nam đã khẳng định tham gia chương trình với Liên hiệp Quốc. Đối với Việt Nam, công cuộc xóa bỏ tình trạng đói nghèo cùng cực và thiếu đói kéo dài 3 thập kỷ đã thu được những tiến bộ đáng kể và trở thành một câu chuyện thành công của Việt Nam.

Theo báo cáo quốc gia, kết quả 15 năm thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Việt Nam vào tháng 9/2015, Việt Nam là một trong các quốc gia thành công về giảm nghèo và đã đạt Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về giảm nghèo trước thời hạn. Quá trình giảm nghèo ấn tượng trên là kết quả của tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, tự do hóa thương mại và các chính sách giảm nghèo nhắm trực tiếp vào các nhóm yếu thế.

Trong thời gian từ 1993 – 2008, 43 triệu người đã thoát khỏi tình trạng đói nghèo. Trong giai đoạn tiếp theo, tỷ lệ thiếu đói đã giảm mạnh và tình trạng thiếu đói kinh niên đã được xóa bỏ ở hầu hết các tỉnh thành. Đến năm 2008, Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu “giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi”.

Trong nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, hàng loạt các chính sách giảm nghèo đã được triển khai đồng bộ ở tất cả các cấp với nguồn kinh phí huy động và sự chung tay của Chính phủ, cộng đồng, các tổ chức xã hội,và bạn bè quốc tế. Nhờ đó tình trạng nghèo đói ở tất cả các vùng miền trong cả nước đã được cải thiện một cách căn bản.

“Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao” vì vậy, thay mặt Ban chỉ đạo Quốc gia Không còn nạn đói, Bộ NN-PTNT tôi kêu gọi các Bộ/ban/ngành Chính phủ; cộng đồng các tổ chức quốc tế; doanh nghiệp trong và ngoài nước; các chuyên gia và tình nguyện viên, tất cả cùng đồng lòng, chung tay vì “Không còn nạn đói ở Việt Nam đến 2025” và “Để Thế giới không còn nạn đói vào năm 2030 là điều có thể”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh tại hội nghị.

13 Thứ trưởng Bộ, ngành tham gia chương trình

Vừa qua, tại Hà Nội, Cục Kinh tế hợp tác-PTNT đã tổ chức hội nghị triển khai chương trình hành động Quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam tới năm 2025 và tham vấn xây dựng mô hình nông nghiệp dinh dưỡng.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác-PTNT cho biết, đây là chương trình hết sức ý nghĩa, thực tế với nhiều mục tiêu lớn. Dự kiến, tới năm 2025, có khoảng 700 thôn, bản sẽ được triển khai chương trình.

Ban chỉ đạo Quốc gia và văn phòng thường trực chương trình sẽ do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng làm trưởng ban. Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường làm phó ban. Thứ trưởng 13 Bộ, ngành cũng tham gia chương trình với tư cách ủy viên.

PV

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Hậu Giang: 200ha diện tích nông nghiệp được xác nhận an toàn thực phẩm

Hậu Giang khẳng định vị thế phát triển nông nghiệp an toàn với hơn 200ha được xác nhận an toàn thực phẩm, gồm chuỗi giá trị cây ăn trái, lúa gạo, thủy sản, rau màu.

Cập nhật bảng giá xe Mazda 6 mới nhất tháng 11/2024

Cập nhật bảng giá xe Mazda 6 mới nhất tháng 11/2024. Mazda6 cũng giống Mazda3, có kiểu dáng đẹp, nhiều trang bị, giá bán hợp lý trong phân khúc

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.