Hội nghị chế biến và phát triển thị trường nông sản hôm nay nằm trong một câu truyện chuỗi giá trị gia tăng ngành hàng nông sản nước ta bao gồm: trồng trọt, chăn nuôi, giống, sản xuất thủy sản, phân loại và bảo quản nông sản sau thu hoạch. Sau đó các mặt hàng này mới đưa ra thị trường trong nước hay xuất khẩu.
Chế biến tạo ra giá trị gia tăng
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ: Chuỗi giá trị sản xuất nông sản sẽ được nhiều người quan tâm. Nói đúng ra chúng ta bán một sản phẩm tiên tiến thì bán giá trị của chúng chứ không bán theo giá cả. Chúng ta đã tích hợp rất nhiều hàm tri thức và hàm công nghệ ở khâu chế biến nông sản đó là câu chuyện đang được quan tâm hiện nay.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, hiện nay nông sản trong nước có 20-30% thông qua chế biến xuất khẩu. Trong khi đó Đài Loan họ có gần 80% nông sản thông qua chế biến mới bán ra thị trường. Chính vị vậy, ngành nông nghiệp chúng ta phải so sánh hai con số nói trên giữa hai nước, từ đó có phương án chủ động nông sản qua chế biến tạo ra giá trị gia tăng.
Bên cạnh đó sẽ giải được bài toán cung vượt cầu, giảm áp lực cho nông dân thường gặp cảnh trúng mùa rớt giá. Thị trường không nở ra, cầu không tăng mà cung tăng thì dứt khoát nông sản phải giảm giá dẫn đến “giải cứu” như hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng), cam (Hà Giang và Tuyên Quang). Lâu lâu ngành nông nghiệp nước ta lại nghe nông sản giải cứu giống như khúc cua của quy luật thị trường khi bị mất cân bằng giữa cung và cầu.
Theo Bộ trưởng, chính những sản phẩm chế biến sẽ giải quyết được những nguyên nhân đó. Trước nhất, giải quyết được cái cung của thị trường. Thay vì chúng ta bán cùng một thời gian, giờ chúng ta bớt lại sản lượng đó từ đó giá cả sẽ thể hiện sự khan hiếm của hàng hóa đó. Theo quy luật, cái gì ít giá bán sẽ cao, còn cái gì nhiều, dư thừa giá bán sẽ giảm. Đó là bàn tay vô hình của thị trường sẽ điều chỉnh những câu chuyện đó.
Không chỉ giúp những câu chuyện tạo gia chuỗi giá trị gia tăng của các mặt hàng nông sản nước ta mà giúp cho nền nông nghiệp phát triển, trong đó nông sản đi vào quy luật của chuỗi giá trị của nó. Từ đó có những giải pháp khắc phục được tình trạng nông sản nước ta giảm đi vấn đề được mùa mất giá.
Thật ra, hiện nay các doanh nghiệp chế biến nông sản trong nước có thừa sức để làm. Ở đây Nhà nước và doanh nghiệp cùng bắt tay kết nối giúp mở rộng thị trường, hay các nghiên cứu về khoa học công nghệ trong chế biến và bảo quản sau thu hoạch.
Hệ sinh thái hoài hòa trong sự phát triển
Hiện nay, Bộ NN-PTNT quan tâm nhiều hơn chính là các HTX nông nghiệp hay các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là số đông hàng ngày ở trong xóm ấp, làng xã trực tiếp với mặt hàng nông sản. Đó là mục đích mà Nhà nước muốn tạo cho số đông đó bằng hỗ trợ các nguồn vốn đầu tư, hạ tầng logistics, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, công nghệ chế biến cho các HTX và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Từ đó chúng ta đưa ra sự cân bằng chính sách đối với các doanh nghiệp lớn và công nhận số đông thành phần tạo ra sản phẩm kinh tế ở nông thôn.
Tuy những đối tượng này khá nhỏ nhưng họ giải quyết được các vấn đề trực tiếp trong mùa vụ của từng khu vực địa phương trong nước. Rồi từ những sản phẩm sơ chế biến ban đầu của các HTX hay doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ mang đến các doanh nghiệp lớn hơn để tinh chế.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chốt vấn đề: Từ phân khúc thị trường sẽ cụ thể nông dân sẽ làm gì? HTX làm được gì? Doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể làm được gì? Và cuối cùng doanh nghiệp lớn có thể làm được gì? Như vậy, mặt hàng nông sản sẽ tạo ra hệ sinh thái hoài hòa trong sự phát triển. Trước nhất là tạo công ăn việc làm cho nông dân vùng nông thôn từ câu chuyện chế biến nông sản.