Bước vào năm 2024, các doanh nghiệp ngành tôm Việt Nam tiếp tục đối mặt với những khó khăn lớn. Trước hết là tình trạng dư cung. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tình trạng dư cung trên toàn cầu có thể vẫn tiếp diễn tới ít nhất nửa đầu năm 2024, do sản lượng tôm thế giới sẽ tăng, với mức tăng được dự báo là 4,8% và đạt 5,9 triệu tấn.
Bên cạnh đó là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các nước nuôi tôm lớn. Cụ thể, Ecuador và Ấn Độ đang tăng thị phần cả ở Mỹ, Trung Quốc, EU và Nhật Bản. 2 nước này cũng tăng xuất khẩu tôm chế biến dù tỷ trọng còn khiêm tốn.
Ngoài ra, ngành tôm còn đối mặt với nỗi lo bị áp thuế chống trợ cấp ở Mỹ, khi nước này đang tiến hành điều tra chống trợ cấp với tôm nhập khẩu từ 4 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Căng thẳng ở Biển Đỏ cũng ảnh hưởng ít nhiều tới xuất khẩu tôm sang Mỹ, EU …
Trước tình hình đó, nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong ngành tôm Việt Nam đang thực hiện những giải pháp linh hoạt để thích ứng kịp thời và xây dựng các kịch bản cho nhiều tình huống xảy ra.
Như tại Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC) - doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam vào thị trường Nhật Bản, thì nhiệm vụ hàng đầu mà công ty đặt ra là tiếp tục tăng cường phát triển thị trường Nhật Bản.
Đồng thời, FMC sẽ duy trì các thị trường đang có và chú trọng tìm hiểu từng bước thâm nhập thị trường Trung Quốc. Thông tin từ VASEP cho thấy, trong năm qua, Trung Quốc đã trở thành thị trường đầu tiên trên thế giới có lượng tôm nhập khẩu vượt mốc 1 triệu tấn. Điều này cho thấy nhu cầu tiêu thụ tôm ở Trung Quốc đang rất lớn.
Với thị trường Mỹ, FMC đang đứng thứ 5 trong những doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu tôm vào thị trường này. Trước nguy cơ tôm Việt Nam bị áp thuế chống trợ cấp và tiếp tục bị áp thuế chống bán phá giá trong năm 2024, công ty đã có phương án thích ứng kịp thời. Cụ thể, nếu như thuế trợ cấp cao và thuế chống bán phá giá cao, khiến cho công ty khó có thể duy trì được thị trường Mỹ thì có kịch bản thay đổi cơ cấu thị trường ngay.
Về sản phẩm, FMC sẽ cải tiến đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với điều kiện nhà xưởng của công ty, đặc biệt đẩy mạnh sản xuất sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng. Các sản phẩm cần tăng sản lượng nhằm phát huy thế mạnh là tôm bao bột, tôm duỗi, tôm chiên, tôm sush. Ngoài việc phát triển các sản phẩm này, công ty vẫn nỗ lực giữ thị phần cho các mặt hàng tôm khác.
Hiện nay FMC có 3 nhà máy và 2 vùng nuôi tôm có diện tích lớn sản lượng cung cấp dự kiến trên 16.000 tấn /năm.
Về nuôi tôm, tận dụng nền nhiệt độ cuối năm 2023 không xuống thấp như các năm trước đó, FMC đã quyết định triển khai nuôi mùa nghịch trên toàn bộ các ao tôm của công ty. FMC đang phấn đấu đạt sản lượng tối đa và giảm chi phí, tăng hiệu quả trong nuôi tôm năm 2024.
Theo TS Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT FMC, khi triển khai nuôi tôm mùa nghịch, FMC không chủ quan làm liều. Bởi về cơ bản FMC có những thế mạnh mà các trại tôm khác chưa hoàn thiện nổi. Chẳng hạn, FMC có quy trình nuôi riêng phù hợp các yếu tố cụ thể ở ĐBSCL. Quy trình nuôi liên tục được hoàn thiện qua từng vụ và có kết quả tốt đẹp qua rất nhiều vụ nuôi liên tục. FMC đã xây dựng được hệ thống lên men lợi khuẩn giúp cải thiện tốt môi trường nước nuôi tôm. Công ty có đội ngũ kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm và tận tụy với công việc luôn túc trực thường xuyên ở các ao nuôi để phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố.