| Hotline: 0983.970.780

Thiết kế Chiến lược marketing ngành nông nghiệp Việt Nam

Thứ Hai 01/01/2024 , 09:27 (GMT+7)

Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần thiết kế bài bản Chiến lược marketing ngành nông nghiệp Việt Nam, đích hướng tới là gì với các lộ trình, thời gian cụ thể.

Có thể nói 2023 là một năm vô cùng sôi nổi của ngành nông nghiệp Việt Nam với hàng loạt sự kiện quốc tế tầm cỡ, nhiều nghị định thư, thỏa thuận hợp tác... được ký kết. Đóng góp cho những "trái ngọt" của ngành nông nghiệp trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu và trong nước không thể thiếu vắng sự tham gia, vào cuộc tích cực của lĩnh vực hợp tác quốc tế hay ở tầm cao hơn là ngoại giao nông nghiệp.

Để nhìn lại bức tranh toàn cảnh cũng như những chương trình, định hướng sắp tới, Báo Nông nghiệp Việt Nam có buổi phỏng vấn ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT), người "căn lề, kẻ bảng" cho công tác hợp tác quốc tế ngành nông nghiệp Việt Nam ở thời kỳ mới. 

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT), trong phiên họp cùng FAO tại Hội nghị Lương thực, thực phẩm lần 4 hồi tháng 4/2023. Ảnh: Tùng Đinh. 

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT), trong phiên họp cùng FAO tại Hội nghị Lương thực, thực phẩm lần 4 hồi tháng 4/2023. Ảnh: Tùng Đinh. 

Sẵn sàng cho chuyển đổi nông nghiệp để mở rộng thị trường nông sản

Năm 2023, nhiều nghị định thư, thỏa thuận hợp tác, trao đổi thương mại được ký kết sau các chuyến thăm và làm việc song phương giữa Bộ NN-PTNT và các nước. Theo ông, hợp tác quốc tế đã đóng góp thế nào vào việc hỗ trợ mở rộng thị trường, xúc tiến giao thương giữa Việt Nam và thị trường quốc tế?

Cảm xúc đầu tiên của tôi trong năm nay là sự vui mừng và tự hào về những thành tích của ngành nông nghiệp trong năm 2023, trong đó có phần đóng góp của công tác hợp tác quốc tế. Trong bối cảnh đầy khó khăn, thách thức của năm 2023 như suy thoái kinh tế hậu Covid-19, lạm phát cao, sức mua giảm, đứt gãy chuỗi cung ứng, xung đột địa chính trị phức tạp, nhưng nông nghiệp Việt Nam không những duy trì thành tích xuất khẩu của năm 2023 mà còn có tăng trưởng để đạt kim ngạch trên 53 tỷ USD.

Điểm đáng chú ý là xuất khẩu nông - lâm - thủy sản (NLTS) của Việt Nam đã đa dạng ra nhiều thị trường, hướng tới các phân khúc có chất lượng và giá trị cao hơn. Cùng với nỗ lực của cán bộ trong toàn ngành, địa phương, doanh nghiệp và bà con nông dân, công tác hợp tác quốc tế của ngành đã thể hiện vai trò mở đường cho xuất khẩu NLTS trong cả ngắn và dài hạn.

Năm nay, chúng ta tiếp tục tham gia đàm phán một loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như FTA ASEAN - Canada, nâng cấp FTA ASEAN - Trung Quốc,  Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF), xem xét khả năng đàm phán Hiệp định kinh tế toàn diện giữa Việt Nam và UAE, nâng cấp Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA).

Đồng thời, toàn ngành tiếp tục triển khai tốt 19 FTA mà Việt Nam đã và đang tham gia (15 FTA đã có hiệu lực thực thi), trong đó có nhiều FTA mới rất quan trọng, như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA).

Bộ trưởng Lê Minh Hoan tiếp Bộ trưởng Cơ quan Lâm nghiệp Hàn Quốc Nam Sung Hyun. Ảnh: Linh Linh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan tiếp Bộ trưởng Cơ quan Lâm nghiệp Hàn Quốc Nam Sung Hyun. Ảnh: Linh Linh.

Và điều quan trọng hơn là sự vào cuộc của các địa phương, doanh nghiệp và sự hưởng ứng của bà con nông dân để chúng ta tuân thủ các tiêu chuẩn cao nhất của các FTA thế hệ mới mà tiêu biểu là việc xâm nhập vào thị trường cao cấp và khó tính là thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Bên cạnh đó, với sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các cơ quan chuyên môn của Bộ đã tích cực mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông sản như bưởi sang Hoa Kỳ, nhãn sang Nhật Bản, sầu riêng, chuối, dưa hấu sang Trung Quốc.

Việc mở cửa thị trường đã đem lại tác động tích cực và rõ nét cho xuất khẩu NLTS mà điển hình là thành tích xuất khẩu rau quả năm 2023, trong đó đặc biệt ấn tượng là xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc. Đồng thời, chúng ta cũng đã rất nỗ lực và nhạy bén trong xử lý các vấn đề phát sinh khi xuất khẩu, từ việc cung cấp thông tin thị trường kịp thời, tham gia giải quyết tranh chấp thương mại NLTS, xử lý ách tắc, ùn ứ hàng xuất khẩu, đưa ra các quyết sách kịp thời để tận dụng tốt nhất thời cơ và vượt qua các thách thức của thị trường toàn cầu.

Về dài hạn, năm 2023 chúng ta tiếp tục triển khai các cam kết trong các FTA đã ký, xây dựng lộ trình mở cửa thị trường, tạo niềm tin với các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Lãnh đạo Bộ đã có trên 50 cuộc làm việc ở cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng các nước, và cùng với đó chúng ta cũng tiếp tục ký và bố sung các bản ghi nhớ hợp tác (MoU) mới về hợp tác nông nghiệp với các nước.

Đây sẽ là nền tảng cơ sở để Việt Nam tiếp tục làm sâu hơn mối quan hệ về thương mại, đầu tư đối với các đối tác truyền thống, đồng thời mở cửa và đa dạng hóa xuất khẩu sang các thị trường đầy tiềm năng như Trung Đông, Nam Á, Đông Nam Á, châu Phi, châu Mỹ Latin trong trung và dài hạn.

Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp Việt Nam chú trọng chuyển đổi theo hướng xanh, bền vững, trách nhiệm, nhằm hiện thực hóa cam kết của Việt Nam trên trường quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính, net zero và tăng trưởng xanh. Vậy thưa ông, chúng ta cần làm gì trong thời gian tới để thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài hỗ trợ ngành nông nghiệp Việt Nam chuyển đổi theo hướng này?

Ở cấp cao nhất, Việt Nam đang định hướng chuyển đổi mạnh mẽ sang kinh tế xanh, phát thải thấp. Điều này thể hiện rõ trong tuyên bố của Chủ tịch nước tại Hội nghị thượng đỉnh Hệ thống Lương thực, thực phẩm (LTTP) của Liên hợp quốc năm 2021, trong đó định hướng Việt Nam trở thành nhà cung cấp lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm, bền vững.

Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) năm 2021, Thủ tướng Chính phủ cũng đã cam kết đưa phát thải ròng bằng "0" năm 2050 và giảm 30% phát thải vào năm 2030. Đây là những mục tiêu mang tính đột phá, đặc biệt trong bối cảnh xuất phát điểm của nền kinh tế, cơ sở vật chất, trình độ công nghệ của chúng ta còn thấp. Nhưng đây là xu hướng tất yếu để Việt Nam bắt kịp thời đại và đảm bảo tương lai bền vững cho chính thế hệ chúng ta và con cháu chúng ta.

Để làm được điều này, ngành nông nghiệp đã nhanh chóng dự thảo và trình Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045, Kế hoạch hành động cho tăng trưởng xanh, Kế hoạch hành động chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững, Chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL…

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam - Pháp giữa tháng 12/2023. Ảnh: Linh Linh.

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam - Pháp giữa tháng 12/2023. Ảnh: Linh Linh.

Các cam kết và hành động của chúng ta đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của đối tác quốc tế. Hàng loạt các dự án hỗ trợ kỹ thuật, viện trợ không hoàn lại của các đối tác quốc tế đã được mở mới và triển khai cho nông nghiệp Việt Nam trong phát triển và bảo vệ rừng, tăng cường năng lực cho các khu bảo tồn, các vườn quốc gia, phát triển sinh kế cho người dân dựa vào bảo tồn tài nguyên, đa dạng sinh học, hỗ trợ canh tác theo hướng giảm phát thải, hỗ trợ kết nối thị trường tín chỉ carbon…

Đặc biệt, Việt Nam được Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) chọn là 1 trong 3 nước đầu tiên thí điểm việc hình thành Mạng lưới đổi mới sáng tạo lương thực, thực phẩm gắn với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Đây là các nền tảng ban đầu rất tốt để chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam lên nấc thang mới trong phát triển bền vững. Hay nói cách khác, xung lực chúng ta đã có nhưng cần thổi bừng những đốm lửa mới lên, thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp và bà con nông dân theo các định hướng và mục tiêu phát triển bền vững mới.

Để làm được điều này, cần lưu ý một số lưu ý một số điểm sau:

Thứ nhất, cần tiếp tục nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực, hướng tới đổi mới và ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản nhằm thích ứng với dịch bệnh, biến đổi khí hậu và giảm phát thải; Ứng dụng kỹ thuật số trong sản xuất, quản lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và chế biến nông lâm thủy sản; Phát triển sản phẩm mới nhằm đa dạng hóa, gia tăng giá trị của sản phẩm; ứng dụng công nghệ xử lý và tái sử dụng các phế thải, phụ phẩm, bảo vệ tài nguyên và hệ sinh thái nông nghiệp, áp dụng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm.

Thứ hai, cần tạo hành lang pháp lý và cơ chế tài chính xanh nhằm tạo thuận lợi, thiết lập hệ sinh thái tuần hoàn và tận dụng triệt để các loại hình thị trường mới, phi vật thể gắn với sản xuất nông lâm ngư nghiệp, tăng tốc việc thử nghiệm và áp dụng các cây trồng, vật nuôi, giải pháp kỹ thuật mới hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải.

Thứ ba, tận dụng tốt nhất cơ chế hợp tác công tư, kéo các nhà đầu tư hàng đầu, trình độ công nghệ tiên tiến tham gia tích cực vào việc hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo nông nghiệp, hỗ trợ xây dựng các mô hình thí điểm, qua đó nhân rộng và kéo theo sự tham gia của các doanh nghiệp địa phương và tổ nhóm nông dân.

Nhiều thị trường hàng đầu với nông sản Việt Nam hiện đang đưa ra những quy định, yêu cầu rất khắt khe về truy xuất nguồn gốc, SPS, để đáp ứng xu hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn. Vậy, Vụ Hợp tác quốc tế có cách tiếp cận nào giúp phổ biến một cách nhanh và hiệu quả nhất những thay đổi như vậy đến địa phương, doanh nghiệp?

Nông nghiệp Việt Nam có độ mở cao và định hướng xuất khẩu rất lớn. Vì vậy, chúng ta cần sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn đa dạng và ngày càng phức tạp mới của các thị trường. Chúng ta đã từng bước tiến từ xuất khẩu dựa trên khối lượng, giá thành rẻ sang đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, kiểm soát dịch bệnh, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng và tiến tới là đảm bảo các tiêu chuẩn mới về môi trường và xã hội.

Hai Thứ trưởng Nông nghiệp Mỹ Alexis Taylor và Jenny Moffitt tới thăm một vườn trồng bưởi tại huyện Hoài Đức (thành phố Hà Nội) vào ngày 28/2/2023. Ảnh: Tùng Đinh.

Hai Thứ trưởng Nông nghiệp Mỹ Alexis Taylor và Jenny Moffitt tới thăm một vườn trồng bưởi tại huyện Hoài Đức (thành phố Hà Nội) vào ngày 28/2/2023. Ảnh: Tùng Đinh.

Đây là xu hướng chung không chỉ của thị trường cao cấp và khó tính như EU, mà các nước khác cũng đang hướng theo. Nếu biết nắm bắt thời cơ, có hành động nhanh chóng thì sẽ thu được kết quả to lớn và giúp chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam nhanh chóng. Nếu bỏ lỡ thì chúng ta sẽ tụt hậu.

Trong thời gian qua, Bộ NN-PTNT đã có nhiều đề xuất và triển khai các hành động cụ thể để cập nhật và hài hòa các tiêu chuẩn mới của các thị trường xuất khẩu. Từ việc cung cấp, cập nhật thông tin, xây dựng sổ tay hướng dẫn, triển khai các chương trình khuyến nông, áp dụng mã số vùng trồng, siết chặt quản lý truy xuất nguồn gốc và chất lượng sản phẩm, kết nối doanh nghiệp và địa phương trong nước với các nhà nhập khẩu…

Với những tiêu chuẩn mới áp dụng đặc biệt trong các vấn đề về môi trường và xã hội, có lẽ chúng ta cũng cần đổi mới phương pháp thích ứng với yêu cầu của thị trường. Một số việc cần xem xét có thể là, thứ nhất, xây dựng được hệ thống thông tin thông suốt và đội ngũ chuyên gia phân tích các thị trường xuất khẩu với các yêu cầu mới để nhanh chóng đưa ra các phương án đàm phán, trao đổi, xây dựng lộ trình triển khai và các điều kiện cần hỗ trợ đi kèm cùng với việc áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật mới của thị trường. 

Thứ hai, xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành để có đầy đủ thông tin, cơ sở dữ liệu đáp ứng các đòi hỏi minh bạch về môi trường, xã hội trong quá trình sản xuất ra sản phẩm để xuất khẩu.

Thứ ba, xây dựng cơ chế hợp tác công - tư để các doanh nghiệp và địa phương cùng tham gia từ đầu trong đàm phán, xây dựng lộ trình triển khai, đóng góp và chia sẻ cơ sở dữ liệu cũng như triển khai các hoạt động hỗ trợ nông dân chuyển đổi quy trình sản xuất đáp ứng các yêu cầu mới của thị trường xuất khẩu.

Tôi muốn nhấn mạnh đây là những việc chúng ta cần làm thường xuyên, liên tục để tránh bị động trong mọi tình huống vì yêu cầu của thị trường xuất khẩu đối với hàng NLTS sẽ thay đổi thường xuyên, liên tục với các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội ngày càng khắt khe hơn.

Nông nghiệp Việt Nam từng bước vươn mình qua các sự kiện quốc tế

Có thể nói năm nay là một năm sôi nổi của ngành nông nghiệp với nhiều sự kiện diễn ra có sự tham gia của các nhà lãnh đạo, tổ chức, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu quốc tế như Hội nghị Lương thực, thực phẩm lần 4, Festival làng nghề, Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo,... Nhìn chung, những hoạt động này đều có sự tham gia "đậm đặc" của công tác đối ngoại, hợp tác giữa phía Bộ NN-PTNT và các đối tác, ông có thể đánh giá thế nào về những "cái được" mà các sự kiện đem lại?

Năm 2023 đánh dấu một cột mốc mới trong tổ chức các sự kiện hợp tác quốc tế của Bộ NN-PTNT. Lần đầu tiên chúng ta được Mạng lưới Một hành tinh (One Planet Network) của Liên hợp quốc lựa chọn để đăng cai Hội nghị Lương thực, thực phẩm lần thứ 4. Và cũng là lần đầu tiên, chúng ta cũng đã chủ động tổ chức 2 Festival quốc tế về làng nghề và ngành hàng lúa gạo. Các sự kiện này đã thu hút được sự tham gia của hàng ngàn đối tác trong nước và quốc tế, nhận được sự quan tâm sâu sắc của các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn (thứ hai bên phải) đưa ý kiến tại một phiên họp trong khuôn khổ Hội nghị Lương thực, thực phẩm lần thứ 4 hồi tháng 4/2023. Ảnh: Tùng Đinh. 

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn (thứ hai bên phải) đưa ý kiến tại một phiên họp trong khuôn khổ Hội nghị Lương thực, thực phẩm lần thứ 4 hồi tháng 4/2023. Ảnh: Tùng Đinh. 

Về công tác tổ chức, các Hội nghị và Festival quốc tế đã được chuẩn bị khá công phu, được sự đánh giá cao của bạn bè quốc tế, thể hiện sự vươn mình của ngành nông nghiệp Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế. Điều này cũng thể hiện sự đổi mới tư duy trong cách tiếp cận của Bộ trong các hoạt động hợp tác quốc tế, định hướng tư duy mở, thể hiện trách nhiệm của ngành nông nghiệp Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế. Thông qua các hoạt động này, chúng ta cũng đã giúp kết nối thông tin, trí thức và khách hàng quốc tế đến các địa phương, doanh nghiệp và nông dân Việt Nam.

Đồng thời, đây cũng là dịp để các đối tác biết đến nông nghiệp như là điểm tham chiếu tin cậy trong các vấn đề toàn cầu về an ninh lương thực, phát triển xanh, phát triển bền vững, tích hợp đa giá trị. Bên cạnh các hoạt động trong sự kiện, đã có hàng trăm tin bài được truyền thông quốc tế đăng tải, giúp quảng bá ngành nông nghiệp Việt Nam ra thế giới với tư cách là đối tác tin cậy, minh bạch, trách nhiệm, bền vững.

Những sự kiện tầm cỡ trên không chỉ giúp Việt Nam khẳng định cam kết của mình về an ninh lương thực trong khu vực và thế giới, cam kết về phát triển xanh mà còn giúp Việt Nam giới thiệu đến bạn bè quốc tế sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Theo ông, chúng ta cần có những giải pháp gì để quảng bá hình ảnh nông nghiệp Việt Nam hiệu quả hơn thông qua các sự kiện này?

Các sự kiện vừa tổ chức mới chỉ là những bước đầu tiên để ngành nông nghiệp Việt Nam vươn mình ra thế giới. Cần có những giải pháp mang tính hệ thống để quảng bá hình ảnh nông nghiệp Việt Nam một cách hiệu quả, thường xuyên và liên tục hơn. Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần thiết kế bài bản Chiến lược marketing ngành nông nghiệp Việt Nam, trong đó cần định vị lại xem chúng ta đang đứng ở đâu, năng lực cạnh tranh cốt lõi nằm ở đâu, thị trường đích hướng tới là gì với các lộ trình thời gian cụ thể.

Cần tổng kết, đánh giá lại việc tổ chức các sự kiện quốc tế nêu trên để tổ chức bài bản và chuyên nghiệp hơn, tăng cường sự phối kết hợp giữa các đơn vị trong Bộ và đơn vị tổ chức sự kiện, phối hợp, kết hợp với các Bộ và địa phương, lựa chọn và sắp xếp doanh nghiệp tham gia gian hàng, triển lãm, tổ chức các sự kiện và không gian bên lề…

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dự phiên họp tại Festival Quốc tế ngành hàng Lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023. Ảnh: Tùng Đinh.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dự phiên họp tại Festival Quốc tế ngành hàng Lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023. Ảnh: Tùng Đinh.

Đồng thời, bên cạnh các sự kiện này cần tổ chức một loạt các hoạt động song hành như phối hợp chặt chẽ với các Bộ: Ngoại giao, Công Thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch để quảng bá hình ảnh của ngành NN-PTNT Việt Nam. Nhân dịp các chuyến thăm của các đoàn cấp cao để đàm phán mở cửa thị trường, kết nối doanh nghiệp, thúc đẩy thương mại, đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Xây dựng kế hoạch tổ chức Diễn đàn kết nối doanh nghiệp hằng năm tại các thị trường lớn. Đẩy mạnh hợp tác công tư; tăng cường sự phối hợp với các cơ quan ngoại giao, thương mại, du lịch và các hiệp hội ngành hàng trong xúc tiến thương mại. Tham gia tích cực trong các Diễn đàn quốc tế đặc biệt về an ninh lương thực, thương mại bền vững, an ninh nguồn nước, bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, đa dạng sinh học, chống sa mạc hóa… để thực hiện các mục tiêu phát triển xanh, bền vững. Xây dựng và triển khai bài bản chương trình truyền thông quảng bá hình ảnh nông nghiệp, nông thôn ra Việt Nam ra nước ngoài.

Trong tham luận của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tại Phiên toàn thể về Ngoại giao Kinh tế phục vụ phát triển đất nước trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao 32 vừa qua, có nhắc về "người bạn đồng hành mới" - Ngoại giao nông nghiệp. Theo ông, đây có phải là kim chỉ nam để ngành nông nghiệp Việt Nam hội nhập tích cực hơn trước những "cú sốc" trong thời kỳ kinh tế mở hay không?

Nhân câu hỏi này, tôi cũng xin nhắc lại một sự kiện quan trọng khác của Bộ NN-PTNT. Tháng 8/2023, lần đầu tiên, Bộ Ngoại giao và Bộ NN-PTNT đã ký kết kế hoạch hành động về ngoại giao kinh tế thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp. Đây cũng là cách làm rất sáng tạo của cả 2 Bộ để tăng cường ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước, trong đó có ngoại giao nông nghiệp như Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã nhắc tới.

Theo đó, 2 Bộ đặt ra 6 nhiệm vụ trọng tâm mở rộng thị trường cho các sản phẩm NLTS, huy động và khai thác hiệu quả các nguồn lực phục vụ phát triển nông nghiệp, xúc tiến, quảng bá các sản phẩm, hội nhập kinh tế quốc tế và thúc đẩy các hình thức hợp tác mới, truyền thông, quảng bá, phát triển thương hiệu nông sản, nghiên cứu, tham mưu, thông tin hỗ trợ ngành nông nghiệp.

Với cách tiếp cận hợp tác tổng thể này, tôi tin rằng chúng ta sẽ huy động được lượng thông tin, tri thức khổng lồ từ các cơ quan ngoại giao, các đối tác quốc tế, nguồn lực và sự hỗ trợ cần thiết từ bạn bè quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp quốc tế, Việt kiều để nắm bắt các cơ hội mới, đối diện với các cú sốc, thách thức mới, và điều này đặc biệt quan trọng để tiếp cận và phát triển thị trường, thu hút và lan tỏa công nghệ cho các doanh nghiệp và nông dân Việt Nam.

Đồng thời, ngoại giao nông nghiệp cũng là cách để chúng ta quảng bá sức mạnh mềm của Việt Nam, thể hiện thống qua chất lượng của sản phẩm, văn hóa ẩm thực, cảnh quan tươi đẹp, con người thân thiện, trách nhiệm với các vấn đề toàn cầu như an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, giảm phát thải, phát triển bền vững. Như trong các slogan của các hộp quà OCOP, đây có lẽ cũng là cái đích chúng ta hướng tới Nông nghiệp Việt Nam: Hội tụ giá trị - Lan tỏa văn hóa”.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Xem thêm
Các nhà báo đã chung tay lan tỏa 'câu chuyện Việt Nam'

Gặp gỡ báo giới đầu năm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng các nhà báo đã cùng nhau kể 'câu chuyện Việt Nam', đẹp và đáng tự hào.

Hàng trăm chậu cúc chết cháy sau một đêm, nghi bị kẻ xấu đầu độc

BÌNH ĐỊNH Hơn 300 chậu cúc Tết đang trỗ búp rực rỡ đã được thương lái đặt cọc bỗng dưng chết cháy sau một đêm, chủ nhà vườn ‘chết đứng’, nghi có kẻ xấu ‘đầu độc’…

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng quê ngày cận Tết: Lá dong Tràng Cát vào 'mùa cưới'

'Cưới lá' là cách người Tràng Cát gọi mùa thu hoạch lá dong nửa cuối tháng Chạp, khi cả làng rộn ràng căng bạt che lá, tạo khung cảnh như những đám cưới.