Tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân (HĐND) tỉnh Nghệ An khóa XVII, đại biểu Ngô Thị Thu Hiền (Thành phố Vinh) nêu rõ:
Nghị quyết số 117 năm 2013 về chức danh, mức phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách xã, phường, thị trấn, khối, xóm, bản quy định số lượng 15 chức danh bán chuyên trách, trong đó có chức danh Thú ý cơ sở. Ngược lại, Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 của HĐND tỉnh quy định 13 chức danh nhưng không có chức danh Thú y cơ sở.
Sự chồng chéo này gây nên nhiều bất cập trong quá trình triển khai công tác thú y, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh thú y đang diễn tiến khá phức tạp.
Quan điểm này hoàn toàn sắc đáng. Trên thực tế, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phòng dịch… không phát huy hiệu quả khi thiếu chất kết dính cần thiết. Đây được xem là một trong nguyên nhân chính tăng nhanh khả năng lây lan dịch bệnh, tác động tiêu cực đến môi trường, ảnh hưởng đến công tác tái đàn...
Từ ý kiến của các đại biểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Hoàng Nghĩa Hiếu khẳng định: Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND có tính pháp lý chặt chẽ, xây dựng theo Nghị định, Thông tư của Chính phủ, Bộ Nội vụ, Kết luận số 134 ngày 13/4/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng như căn cứ vào nguồn lực ngân sách của địa phương.
Trên tinh thần sắp xếp lại các chức danh bán chuyên trách ở cấp xã, xóm theo hướng tinh gọn, tinh giản biên chế, hạn chế chức danh không cần thiết. Dù vậy quá trình triển khai Nghị quyết số 22 cũng ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người dân và một bộ phận cán bộ, công chức.
“UBND tỉnh giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp, nghiên cứu để sớm ban hành chính sách đặc thù khôi phục chức danh Thú y cơ sở thuộc thẩm quyền của tỉnh, qua đó đảm bảo việc bố trí ngân sách hỗ trợ cho chức danh này”, ông Hoàng Nghĩa Hiếu nhấn mạnh.