Ngay sau khi các doanh nghiệp lớn về chăn nuôi lợn như C.P Việt Nam, Dabaco... thực hiện điều chỉnh giá bán công bố xuống mức 75.000 đ/kg, ghi nhận tại thị trường phía Bắc cho thấy giá thịt lợn đã bắt đầu giảm đáng kể.
Xuống giá nhưng vẫn còn cao
Đến ngày 18/2, tại Nam Định, nguồn tin cho NNVN biết nếu như cách đây một tuần về trước, giá lợn hơi tại đây vẫn giữ ở mức trên 80.000 đ/kg thì hiện đã bắt đầu giảm nhẹ trong 2-3 ngày gần đây đã xuống mức giao động trung bình từ 75 - 78.000 đ/kg (tùy loại lợn).
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Nam Định, hiện tại, toàn tỉnh đang có khoảng 165.000 con lợn thịt trọng lượng từ 80 trở lên, tương đương khoảng 13.800 tấn, đảm bảo đủ cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng của người dân trong tỉnh và sẽ không xảy ra tình trạng khan hiếm thịt lợn.
Tại Hưng Yên, các trang trại cho biết do giá lợn hơi công bố của các doanh nghiệp lớn đã được điều chỉnh 3-4 ngày gần đây, nên hiện mức giá lợn hơi của các chủ trang trại xuất bán trên thị trường cũng đã giảm nhẹ.
Tuy nhiên, tới ngày 18/2, giá lợn hơi trên thị trường tại Hưng Yên thực chất chưa xuống được ở mức 75.000 đ/kg, mà vẫn duy trì ở mức xoay quanh 76 - 78.000 đ/kg (tùy loại lợn)...
Trên thị trường bán lẻ tại Thủ đô Hà Nội, đến ngày 18/2, giá thịt lợn cũng đã có xu hướng giảm nhẹ so với tuần trước, với mức giảm khoảng 10.000/kg. Cụ thể thịt sấn giảm từ 130.000/kg xuống 120.000/kg; thịt nạc từ 150.000/kg xuống 140.000/kg; sườn và thịt ba chỉ từ 160.000/kg xuống 150.000/kg; xương từ 95.000/kg còn 85.000/kg; thịt móc hàm từ 112.000/kg còn 107.000/kg; giò từ 160.000/kg giảm còn 150.000/kg; chả từ 140.000/kg giảm còn 130.000kg...
Mặc dù giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng đã bắt đầu “hạ nhiệt”, tuy nhiên người tiêu dùng đánh giá hiện vẫn còn quá cao so với mặt bằng chung của thực phẩm các loại.
Bà Huyền (quận Thanh Xuân, Hà Nội), cho hay: Hàng ngày thường mua sắm thực phẩm cho gia đình tại chợ Kim Giang và chợ Cầu Lủ (Thanh Xuân, Hà Nội). Thỉnh thoảng có mua thịt lợn tại các siêu thị và cửa hàng thực phẩm sạch.
Nhìn chung, giá thịt lợn trong các cửa hàng và siêu thị đắt hơn ngoài chợ dân sinh (thường cao hơn từ khoảng 30.000 - 40.000/kg), nhưng lại đảm bảo nguồn gốc và vệ sinh hơn.
“Mặc dù vậy do suốt từ trước Tết, thịt lợn lên quá cao nên tôi không còn dám vào siêu thị mua thịt lợn nữa, chỉ dám mua ngoài chợ để đỡ chút nào hay chút đó. Mấy ngày gần đây, giá thịt lợn có giảm nhưng vẫn ở mức quá đắt đỏ, chưa thấm vào đâu cả”, bà Huyền chia sẻ.
Nguồn cung sẽ tăng nhờ tái đàn đang tốt
Sở NN-PTNT Nam Định cũng cho biết từ cuối năm 2019, khi dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) từng bước được khống chế, việc tái đàn lợn đang được người chăn nuôi thực hiện khá tốt, ước đạt khoảng 38.000 con tính tới cuối năm 2019. Vì vậy thời gian tới, lượng lợn thịt tái đàn tới thời kỳ xuất chuồng dự báo sẽ khá dồi dào, có thể cung cấp bổ sung thêm cho thị trường các đô thị lớn.
Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương, Nam Định cũng đang gặp khó khăn lớn về nguồn cung con giống phục vụ tái đàn do khan hiếm, giá lợn giống hiện vẫn khá cao, từ 1,8 đến 2,2 triệu đồng/con.
“Hiện Trung tâm chúng tôi đã tái đàn thăm dò được 2 tháng, với khoảng 200 lợn thịt. Thời gian qua xét nghiệm đều âm tính với DTLCP. Vì vậy sắp có thể sẽ tiếp tục tăng đàn và vào giống lợn bố mẹ phục vụ nhu cầu trong tỉnh”, ông Nguyễn Trọng Tấn, Giám đốc Trung tâm Giống gia súc - Gia cầm Nam Định cho biết.
Anh Nguyễn Đình Tùng, một chủ trang trại lợn ở huyện Văn Lâm (Hưng Yên) thú thực: Giá lợn quá cao tới trên 80.000 đ/kg như mấy tháng qua khiến những trang trại cỡ vừa như anh lo hơn là mừng. Bởi giá quá cao thì nguy cơ dân đổ xô vào nuôi lợn “lướt sóng” càng lớn, nếu không kiểm soát được rồi lại tới lúc phải “giải cứu” như nhiều lần đã diễn ra, chưa nói nguy cơ dịch bệnh.
Vì vậy theo anh, việc điều chỉnh giá lợn hạ thấp của Chính phủ là điều mà chính những người chăn nuôi “có nghề” như anh hoàn toàn ủng hộ.
“Hiện nay, thẳng thắn mà nói thì với giá lợn hơi lên tới 78-80.000 đ/kg, giá lợn giống xoay quanh 2 triệu đồng/con không phải là đắt nếu quy ra chi phí tiền giống trong cơ cấu giá thành. Tuy nhiên, khó khăn trong việc tái đàn vẫn là nguồn giống, bởi với giá lợn hơi cao như hiện nay, các doanh nghiệp lớn và cơ sở giống đều không dại gì bung hàng ra bán, mà muốn giữ lại nuôi lợn thịt”, anh Tùng đánh giá.
Giá thanh long, dưa hấu ấm dần
Việc nhiều doanh nghiệp bán lẻ và hệ thống siêu thị cùng vào cuộc đẩy mạnh tiêu thụ đã giúp giá thanh long, dưa hấu trên thị trường.
Tại Big C Thăng Long (Hà Nội), giá thanh long niêm yết ngày 18/2 đang ở mức 17.900 đồng/kg; giá dưa hấu ruột đỏ 16.000 đồng/kg...
Đại diện Big C Thăng Long cho biết sở dĩ hiện giá bán thanh long, dưa hấu vẫn còn giữ ở mức thấp do đây là nguồn hàng đã được siêu thị nhập về còn tồn lại từ đợt đầu của chương trình hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân.
Tuy nhiên những ngày tới, khi nguồn hàng hiện tại đang được thu mua bán ra kệ, siêu thị sẽ điều chỉnh tăng mức giá, có thể sẽ ở mức khoảng 40.000 đồng/kg thanh long, tương đương với giá mà nông dân phía Nam hiện đang bán trên thị trường.
Trước đó, với chương trình “Chung tay hỗ trợ nông dân trồng dưa hấu, thanh long”, nhằm tạo điều kiện tối đa để người tiêu dùng có thể chung tay cùng với Big C hỗ trợ nông dân, Big C đã lên kế hoạch dự kiến tiêu thụ khoảng 4.000 tấn thanh long và dưa hấu trong khuôn khổ chương trình này...
Trong khi đó khảo sát tại thị trường chợ, giá thanh long ruột đỏ và dưa hấu đang tăng gần gấp đôi trong vòng 3-4 ngày gần đây. Tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội), giá thanh long ruột đỏ đã tăng từ khoảng 25.000 đồng/kg tuần trước lên bình quân 40.000 đồng/kg (ngày 18/2); giá dưa hấu 16.000 đồng/kg.