| Hotline: 0983.970.780

Giá thịt lợn cao kéo dài bất thường!

Thứ Sáu 07/02/2020 , 09:04 (GMT+7)

Những ngày vừa qua, giá thịt lợn giảm nhẹ từ 85 - 87 nghìn đồng/kg dịp trước và trong Tết Nguyên đán, xuống mức xoay quanh 80 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên đây vẫn là mức giá rất cao.

16-08-25_duong16191685
Ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi.

Lãnh đạo Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho rằng với cơ cấu chiếm trên 40% tổng đàn lợn cả nước, nếu cùng nhau hạ giá, khối các doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi lợn hoàn toàn có thể hạ giá hợp lý được ngay lập tức. Đáng tiếc, giá lợn cứ mãi cao!

Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi đánh giá: Dịp Tết nguyên đán Canh Tý vừa qua, chúng ta đã có nhiều giải pháp rất tích cực nhằm đáp ứng nguồn cung thực phẩm các loại cho tiêu dùng trong nước, nhất là mặt hàng thịt lợn về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, mức giá thịt lợn trong dịp Tết vẫn ở mức rất cao.

Đặc biệt từ sau Tết đến nay, giá thịt lợn vẫn không giảm đáng kể, mà vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao, xoay quanh 80.000 đồng/kg. Đây là diễn biến chưa hợp lý, bởi theo quy luật thì sau dịp Tết, nhu cầu sẽ giảm đáng kể và theo quy luật thì lẽ ra giá thịt lợn đã phải giảm mạnh.

Những ngày vừa qua, giá thịt lợn cũng đã có xu hướng giảm nhẹ, từ mức 85 - 87 nghìn đồng/kg dịp trước và trong Tết Nguyên đán, xuống mức xoay quanh 80 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên đây vẫn là mức giá rất cao.

Dư luận nghi ngờ, việc giá thịt lợn duy trì ở mức rất cao và kéo dài như thời gian qua có thể có bàn tay thao túng giá của các “ông lớn” trong ngành chăn nuôi? Rõ ràng với mức giá chót vót như hiện nay, các doanh nghiệp đang ăn lãi quá dày! Ông bình luận gì về điều này?

Theo thống kê, hiện khối các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong ngành chăn nuôi lợn đang chiếm khoảng 40% tổng đàn lợn cả nước. Vì vậy theo lý thuyết, nếu các doanh nghiệp chăn nuôi lớn này cùng “bắt tay” với nhau, thì hoàn toàn có thể đưa được giá thịt lợn lên xuống theo ý muốn.

Với việc giá thịt lợn duy trì ở mức rất cao trong thời gian dài vừa qua, đây là lúc cần thiết phải yêu cầu các doanh nghiệp lớn về chăn nuôi lợn cùng bắt tay với nhau mới có thể giảm được dần giá thịt lợn, chứ bản thân một doanh nghiệp hạ giá cũng khó có thể có đủ nguồn cung và kéo theo được cả thị trường đi xuống.

Nếu các doanh nghiệp cùng nhau hạ giá, tôi khẳng định dù chưa thể kỳ vọng giá thịt lợn có thể trở về ở mức bình thường, nhưng việc có thể hạ xuống được ngay lập tức ở mức từ 70 - 75 nghìn đồng/kg lợn hơi, dần tiến tới ở mức giá trên dưới 60 nghìn đồng/kg là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi các doanh nghiệp một phần phải thấy được trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với ngành chăn nuôi.

Xa hơn, “hạ sốt” được giá thịt lợn, ngành chăn nuôi lợn mới có thể duy trì được thị trường một cách bền vững, hợp lý và lâu dài. Bởi nếu để giá thịt lợn hơi duy trì quá cao trong thời gian dài, thịt lợn nhập khẩu sẽ dần chiếm lĩnh thị trường, người dân sẽ dần làm quen với thịt đông lạnh, và chính các doanh nghiệp sẽ “gậy ông đập lưng ông” mà thôi.

Nhưng rõ ràng mà nói thì rất khó để doanh nghiệp nào lại tự nguyện rời bỏ lợi nhuận đang rất có lợi cho họ. Và chúng ta cũng chẳng thể kêu gọi họ tự nguyện giảm giá, thưa ông!?

Về quan điểm cá nhân, công bằng mà nói thì trước khi sốt giá thịt lợn, các doanh nghiệp cũng đã phải trải qua giai đoạn dài khó khăn, từ dịch LMLM cuối năm 2018, đến cuộc khủng hoảng giá lợn nửa đầu năm 2019 do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP).

Tuy nhiên về cảm tính, từ khoảng tháng 7/2019 đến nay, giá lợn đã dần hồi phục và tăng rất cao từ những tháng cuối năm 2019 đến nay. Điều này có thể đã giúp các doanh nghiệp bù đắp được thiệt hại giai đoạn trước đó và có lẽ đã có lãi nhất định, và đây cũng là thời điểm mà các doanh nghiệp lớn về chăn nuôi lợn cần thiết phải kéo dần giá lợn xuống ở mức hợp lí.

Bên cạnh việc đề nghị, khuyến khích, khuyến cáo các doanh nghiệp tự nguyện điều chỉnh giá, tôi cho rằng đã tới lúc cần thiết phải kiểm tra, xem có hay không sự thao túng về giá lợn của các doanh nghiệp lớn.

Vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng BCĐ điều hành giá cũng đã yêu cầu kiên quyết thực hiện đồng bộ các giải pháp để đưa mặt bằng giá thịt lợn xuống mức hợp lý và dần xuống mức bình thường như trước khi có DTLCP.

Theo đó, Chính phủ đã yêu cầu thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các doanh nghiệp chăn nuôi lợn có thị phần lớn việc chấp hành pháp luật về độc quyền, cạnh tranh, gian lận thương mại, nếu có hiện tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để găm hàng, thao túng giá, thực hiện xử lý nghiêm, kịp thời theo quy định của pháp luật...

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã chỉ đạo thực hiện chủ trương nhập khoảng 100 nghìn tấn thịt lợn thành phẩm trong quý I/2020 nhằm góp phần ổn định nguồn cung ngay trong những tháng sau tết.

Trong năm 2019, việc nhập khẩu thịt lợn cũng đã có mức tăng cao so với bình thường. Tuy nhiên, do đặc thù thói quen tiêu dùng của người Việt Nam không ưa chuộng thịt lợn đông lạnh, bên cạnh đó các loại thực phẩm thay thế khác (gia cầm, thịt bò, trứng, thủy sản...) của chúng ta vẫn rất dồi dào và đa dạng, nên thịt lợn nhập khẩu chưa thực sự diễn ra ồ ạt và ngay lập tức có tác động được tới giá thịt lợn tại thị trường trong nước.

Tuy nhiên thời gian tới, nếu giá thịt lợn trong nước vẫn bị neo ở mức quá cao như hiện nay, thì sẽ là cơ hội tốt để thịt lợn nhập khẩu về Việt Nam, góp phần hạ dần giá thịt trong nước,

Vậy thời gian tới, ông dự báo diễn biến giá thịt lợn sẽ ra sao, liệu có thể hạ nhiệt đáng kể so với hiện nay? Giải pháp nào để đưa giá thịt lợn dần trở về với quỹ đạo bình thường?

Tôi cho rằng, giá thịt lợn phải tiếp tục hạ được xuống mức từ 60 - 70 nghìn đồng/kg, làm sao đến cuối năm 2020, giá lợn hơi sẽ quay về với trục giá từ 45 - 50 nghìn đồng/kg như bình thường của thị trường. Tuy nhiên, rõ ràng là khó mà có thể ngày một ngày hai để hạ được ngay, mà cần phải có một chu kỳ với khoảng thời gian cần thiết có thể.

Điều tiên quyết hiện nay vẫn phải làm sao tiếp tục tăng được nguồn cung thịt lợn lên. Theo đó, trước hết cần tiếp tục kiểm soát tốt việc tái đàn lợn ở các địa phương, đảm bảo không để DTLCP tái diễn. Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện tối đa cho việc tái đàn đối với các cơ sở chăn nuôi đủ các điều kiện về an toàn sinh học.

Neo giá thịt lợn ở mức cao kéo dài sẽ là cơ hội tốt cho thịt lợn nhập khẩu.
Cục Chăn nuôi phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và các địa phương cũng đang đẩy mạnh việc phổ biến, hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở chăn nuôi về điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học... Hi vọng với những giải pháp tổng thể, chúng ta sẽ đạt được kế hoạch tái đàn với mức tăng từ 2 đến 2,5%/tháng, bên cạnh đó, chăn nuôi gia cầm cũng đang tăng trưởng rất tốt với mức tăng tới 15% (năm 2019), sẽ giúp cân bằng lại cung - cầu thịt lợn một cách bình thường vào những tháng cuối năm 2020.

Theo dự báo của chúng tôi, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt như hiện nay, thì có thể tới cuối năm 2020, quy mô đàn lợn cả nước sẽ được khôi phục lại như đối với thời điểm cuối năm 2018 (khi chưa xảy ra DTLCP), tương đương với mức khoảng 27 - 28 triệu con.

Để đạt được con số này, đòi hỏi trong năm 2020, đàn lợn cả nước phải tăng được bình quân từ 2% đến 2,5%/tháng, các tháng cuối năm 2020 phải tăng được khoảng 2,7%/tháng (tương đương với mức tăng tổng đàn cả năm 2020 vào khoảng 20 - 24%).

Nếu đạt được mức tăng trưởng này, mới có thể đưa cung - cầu thịt lợn trở về ở mức bình thường (từ 45 - 50 nghìn đồng/kg lợn hơi).

Song song với giải pháp tái đàn, chúng ta vẫn cần phải tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất cho việc nhập khẩu thịt lợn để bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn cung trong nước.

Hiện các quốc gia là cường quốc về chăn nuôi lợn như Mỹ, Brazil, Canada, Pháp, Tây Ban Nha, Ba Lan, Úc... đều đã được phép nhập khẩu thịt lợn về Việt Nam (tuy nhiên phải chịu thuế với mức khác nhau).

Với mức giá thịt lợn tại thị trường Việt Nam như hiện nay, việc nhập khẩu thịt lợn vẫn đang rất có lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu, và dự báo việc nhập khẩu thịt lợn sẽ vẫn tăng rất mạnh trong thời gian tới. Chỉ khi nào giá thịt lợn hơi ở nước ta giảm xuống còn xoay quanh khoảng 60 nghìn đồng/kg, thì việc nhập khẩu thịt lợn mới giảm.

Hiện nay, việc tái đàn ở các địa phương ra sao? Liệu có thể sớm bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung thịt lợn đáng kể trong thời gian tới hay không, thưa ông?

Việc tái đàn ở các địa phương qua nắm bắt thời gian gần đây cho thấy đang diễn ra rất tốt. Một số địa phương phía Bắc như Bắc Giang đã có kế hoạch sẽ khôi phục trở lại quy mô đàn lợn ở mức xung quanh 1 triệu con trong thời gian ngắn sắp tới. Các tỉnh khác từng thiệt hại lớn về DTLCP như Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Vĩnh Phúc... hiện cũng đang tái đàn rất thuận lợi, tiệm cận dần tới quy mô đàn lợn như thời điểm trước khi DTLCP xảy ra.

Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay vẫn là nguồn lợn giống, nhất là giống chất lượng. Hiện giá lợn giống đã lên tới xoay quanh 2,5 triệu đồng/con. Vì vậy, chúng tôi đề nghị các địa phương cần tạo điều kiện tốt nhất cho việc khai thác các đàn nái, cụ kỵ, ông bà, tạo điều kiện tốt nhất cho khâu lưu thông con giống phục vụ công tác tái đàn trong điều kiện đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch theo hướng dẫn của ngành thú y. Hiện chúng ta vẫn đang giữa được gần như nguyên vẹn tổng đàn lợn cụ kỵ, ông bà sau DTLCP...

Xin cảm ơn ông!

  • Tags:
Xem thêm
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.