| Hotline: 0983.970.780

Giá thịt lợn bị neo quá cao, quá lâu!

Thứ Ba 18/02/2020 , 08:48 (GMT+7)

Chủ động điều chỉnh, hạ giá thịt lợn xuống mức hợp lí, trước hết là thể hiện trách nhiệm với người tiêu dùng, văn hóa, đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (bìa trái) đã quyết liệt đề nghị các doanh nghiệp lớn hạ giá lợn hơi xuống dưới 75.000 đ/kg. Ảnh: Lê Công Bền.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (bìa trái) đã quyết liệt đề nghị các doanh nghiệp lớn hạ giá lợn hơi xuống dưới 75.000 đ/kg. Ảnh: Lê Công Bền.

Sức nóng của vấn đề giá thịt lợn vẫn chưa hề hạ nhiệt khi mà từ sau Tết Nguyên đán đến nay, giá lợn hơi vẫn tằng tằng duy trì ở mức xoay quanh 80 nghìn đồng/kg.

Một mình một chợ?

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), khối các doanh nghiệp lớn hiện chiếm tới trên 40% tổng đàn lợn cả nước. Về lí thuyết, nếu các doanh nghiệp này cũng nhau “bắt tay”, thì hoàn toàn có thể nắm trong tay quyền nâng quyền hạ, chi phối giá thịt lợn.

Trên thực tế, ảnh hưởng của DTLCP đã khiến lượng trang trại, cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ chịu cú “nốc-ao”, thiệt hại nặng nề, kéo theo tổng đàn lợn ở nhiều địa phương tụt mạnh, có địa phương giảm tới 25-30% tổng đàn, hầu hết thiệt hại rơi vào khu vực chăn nuôi nhỏ lẻ.

Vì thế, cơ cấu thị phần thịt lợn của khối các doanh nghiệp lớn trên thực tế đến nay có thể đã chiếm lớn hơn con số 40% rất nhiều.

Về lí, điều này càng có lợi cho các doanh nghiệp lớn trong việc có thể dễ dàng “ra giá” đối với thị trường thịt lợn. Trên thực tế lâu nay, ai cũng biết giá lợn hơi hàng ngày trên thị trường tự do đều đã phải căn cứ vào mức giá công bố hàng ngày của một số “ông lớn” trong ngành chăn nuôi..

Từ cánh “hàng xeo” cho đến ông trang trại, đều phải ngó nghiêng, nhìn vào mức giá của các “ông lớn” ấy để mà mua bán.

Lãnh đạo Cục Chăn nuôi tạm tính: Với giá thành hiện chỉ khoảng 40.000 đ/kg (đã tính chi phí đội lên do tăng cường phòng chống DTLCP), ai cũng biết giá lợn hơi xuất chuồng hơn 80.000 đ/kg đang mang lại món lợi nhuận “khủng” tới mức nào cho các doanh nghiệp chăn nuôi lợn.

Trong khi đó tại các nước chăn nuôi phát triển, giá thành lợn hơi hiện nay chỉ dao động trên dưới 30.000 đ/kg. Theo Cục Chăn nuôi, chỉ cần với mức giá lợn hơi tại Việt Nam xoay quanh 60.000 đ/kg, các doanh nghiệp nhập khẩu đã có thể có lãi rất khá.

Thế nhưng không giống như nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm khác, thói quen tiêu dùng thịt lợn của người Việt Nam chiếm đại đa số lâu nay vẫn là thịt nóng, giết mổ và tiêu thụ trong ngày.

Giảm giá thịt lợn trước hết là thể hiện trách nhiệm với người tiêu dùng. Ảnh: Lê Công Bền.

Giảm giá thịt lợn trước hết là thể hiện trách nhiệm với người tiêu dùng. Ảnh: Lê Công Bền.

Vì thế, mặc dù chính phủ, Bộ NN-PTNT đã có chủ trương khuyến khích nhập khẩu thịt lợn, lượng thịt lợn nhập khẩu thời gian qua cũng đã tăng khá mạnh, song thịt lợn đông lạnh nhập khẩu đã không thể tạo ra cơn lốc nào trên thị trường Việt Nam nhằm tạo thế cân bằng cung – cầu thịt lợn trong thời gian qua. Điều này càng giúp những “ông lớn” trong ngành chăn nuôi lợn có lợi thế trong việc duy trì thế “một mình một chợ”!

Xử nghiêm doanh nghiệp "đục nước béo cò"!

Sau Tết, giá thịt lợn vẫn không hề giảm đi đáng kể. Cứ thế, giá lợn neo ở mức trên 80 nghìn đồng/kg cho đến nay, khiến người ta lầm tưởng không biết từ bao giờ, “giá sàn” lợn hơi trên thị trường Việt Nam đã... mặc định là 80 nghìn đồng/kg!? Những ngày gần đây, ngay sau khi Chính phủ, Bộ NN-PTNT có chỉ đạo đưa giá thịt lợn xuống mức hợp lý, xử lý nghiêm việc thao túng giá, đầu cơ trục lợi, giá lợn hơi có hạ nhiệt đi một chút.

Còn nhớ nửa đầu năm 2019, khi dịch tả lợn Châu Phi bùng phát, giá thịt lợn từng chạm đáy trong tháng 5, đầu tháng 6/2019 với mức giá có nơi chỉ còn 25-26 nghìn đồng/kg lợn hơi. Bộ NN-PTNT cùng với các bộ ngành đã tuyên truyền, kêu gọi người dân hiểu đúng DTLCP không lây sang người, khuyến khích người dân đẩy mạnh tiêu dùng, không quay lưng với thịt lợn để cứu người chăn nuôi và hỗ trợ, chia sẻ cùng doanh nghiệp.

Nhờ đó từ cuối tháng 6/2019, giá thịt lợn đã nhích nhẹ dần lên ở mức 36-38 nghìn đồng/kg. Từ đầu tháng 7/2019, xu hướng phục hồi giá thịt lợn tiếp tục được duy trì trên phạm vi cả nước, và bắt đầu xu hướng tăng mạnh dần từ nửa cuối tháng 7, đầu tháng 8/2019 do dấu hiệu khan hiếm, người tiêu dùng sau thời gian đầu lo lắng vì DTLCP đã quay trở lại tiêu dùng bình thường. Giá thịt liên tục tăng dần trong tháng 10, tháng 11/2019. Đến đầu tháng 11/2019, giá lợn hơi đã lên tới 70 nghìn đồng/kg...

Tại hội vừa qua của ngành chăn nuôi, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng đã thẳng thừng đề nghị các “ông lớn” về chăn nuôi lợn phải điểu chỉnh giảm ngay giá lợn hơi xuống dưới mức 75.000 đ/kg. Nếu các doanh nghiệp cố tình tiếp tục neo giá lợn ở mức cao, Bộ NN-PTNT cũng như các Bộ ngành liên quan sẽ có những căn cứ luật định để yêu cầu buộc các doanh nghiệp phải hạ giá.

Thế nhưng không dừng lại, giá lợn tiếp tục leo thang lên trên 80 nghìn đồng/kg, rồi 85-90 nghìn đồng/kg, có nơi trên 90 nghìn đồng/kg trong dịp cận Tết Nguyên đán Canh Tý, và liên tục duy trì ở mức cao từ đó đến nay.

Thời gian qua, trước ảnh hưởng xuất khẩu do dịch virus Covid – 19, giá thanh long, dưa hấu tại các tỉnh phía Nam đã tụt sâu. Cùng với sự đẩy mạnh tiêu thụ của người tiêu dùng cả nước, hàng loạt các doanh nghiệp bán lẻ, hệ thống siêu thị lớn đã cùng nhau vào cuộc, chấp nhận bán hàng chịu lỗ phí vận chuyển để hỗ trợ nông dân. Nhờ đó, giá thanh long, dưa hấu hiện đã cải thiện trở lại...

Việc chủ động điều chỉnh, hạ giá thịt lợn xuống mức hợp lí, vì thế trước hết là thể hiện trách nhiệm với người tiêu dùng, thể hiện văn hóa và đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp.

Trước tình hình giá thịt lợn tăng cao kéo dài, mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng BCĐ Điều hành giá của Chính phủ cũng đã yêu cầu các Bộ ngành liên quan phải kiên quyết thực hiện đồng bộ các giải pháp để đưa mặt bằng giá thịt lợn xuống mức hợp lý và dần xuống mức bình thường như trước khi có DTLCP.

Theo đó, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các doanh nghiệp chăn nuôi lợn có thị phần lớn việc chấp hành pháp luật về độc quyền, cạnh tranh, gian lận thương mại. Nếu có hiện tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để găm hàng, thao túng giá, thực hiện xử lý nghiêm, kịp thời theo quy định của pháp luật...

Hi vọng những hành vi trên của các doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi lợn (nếu có), phải được xử lí nghiêm, đủ sức răn đe đối với những doanh nghiệp nhân khó khăn chung hàng triệu người chăn nuôi, của toàn xã hội để trục lợi bất chính, “đục nước béo cò”, trả lại đúng giá trị thực và sự minh bạch của thị trường thịt lợn..

Xem thêm
Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Trao quyết định bổ nhiệm Tổng Giám đốc Vinachem cho ông Nguyễn Hữu Tú

Vinachem tổ chức lễ công bố bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú làm Tổng Giám đốc, đánh dấu bước ngoặt phát triển mới trong ngành hóa chất Việt Nam.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.

Bình luận mới nhất