| Hotline: 0983.970.780

Thỏ 'chạy' từ trang trại tới bàn ăn

Thứ Năm 04/04/2024 , 17:45 (GMT+7)

Thay vì bán thỏ thương phẩm cho thương lái, người đàn ông này tự mở quán tại nhà, chuyên các món ăn từ thỏ. Nhờ vậy, lãi tăng gần gấp đôi.

Đó là mô hình chăn nuôi thỏ và kinh doanh quán ăn chuyên các món từ thỏ của ông Nguyễn Văn Tuân, 51 tuổi, ở khu phố 5, phường Minh Thành, thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.

Ông Tuân được coi là người đầu tiên ở xã Minh Thành (thời điểm huyện Chơn Thành chưa lên thị xã) nuôi thỏ.

Dẫn chúng tôi vào trang trại nuôi thỏ cách nhà khoảng 3 cây số, nằm trong vườn cao su mát rượi, trên đường đi, ông Tuân kể: “Tôi nuôi thỏ từ năm 2009. Ban đầu chỉ định nuôi mấy con cho vui, rồi làm thực phẩm cho gia đình, chứ không chủ trương đầu tư kinh doanh, nên chỉ mua mấy cặp thỏ New Zealand nuôi chơi.

Nhưng trong một lần đến nhà người quen ở Đồng Nai, thấy mô hình nuôi thỏ phát đạt, trong khi mấy cặp thỏ ở nhà chăm khá dễ, không tốn nhiều chi phí thức ăn, nên sau đó về nhà, tôi quyết định đầu tư chuồng trại nuôi thỏ, phát triển kinh tế”.

Ông Nguyễn Văn Tuân giới thiệu con thỏ 2 tháng tuổi. Ảnh: HT.

Ông Nguyễn Văn Tuân giới thiệu con thỏ 2 tháng tuổi. Ảnh: HT.

Thuận lợi là gia đình ông Tuân có quỹ đất khá rộng, đó là một vườn cao su gần 2ha, cách xa khu dân cư, yên tĩnh, thoáng mát, nuôi gà, heo hay thỏ đều thuận lợi, hạn chế dịch bệnh, cũng không lo vấn đề ô nhiễm.

“Tôi về đầu tư khu chuồng 500m2, sau đó mua 100 cặp thỏ New Zealand về nuôi, nếu nhớ không lầm thì lúc đó chi phí cả chuồng trại, con giống, hết tổng cộng 30 triệu đồng”, ông Tuân cho biết.

Ban đầu, do chưa có nhiều người nuôi thỏ, nguồn cung thành phẩm ngoài thị trường chưa nhiều, nên đàn thỏ New Zealand của ông Tuân không chỉ dễ bán mà giá khá cao. “Lúc đó có bao nhiêu là hết bấy nhiêu, tôi giao cho mấy quán ăn ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, nhiều lúc khách đặt mà không có hàng”, ông Tuân kể.

Nhưng được vài năm người ta nuôi nhiều, phần lớn là thỏ New Zealand. Nguồn cung nhiều nên giá hạ dần. “Rồi tôi gọi điện thoại cho bạn ở Bình Dương hỏi thăm tình hình, nghe ổng nói đang nuôi thỏ cỏ (thỏ ta) lai và thỏ cỏ rặt.

Bán có giá hơn, vì thịt thơm ngon hơn. Tôi lại mua giống thỏ ta về nuôi. Rồi sau đó, mở quán ngay tại nhà, chuyên bán các món ăn từ thỏ”, ông Tuân nói tiếp.

Ông Tuân: 'So với các vật nuôi khác, thỏ dễ nuôi. Kỹ thuật nuôi cũng không phức tạp, an toàn hơn và lãi cũng nhiều hơn heo, gà'. Ảnh: HT.

Ông Tuân: "So với các vật nuôi khác, thỏ dễ nuôi. Kỹ thuật nuôi cũng không phức tạp, an toàn hơn và lãi cũng nhiều hơn heo, gà". Ảnh: HT.

Hiện nay, ông Tuân chỉ nuôi thỏ ta và thỏ lai, trang trại được chia thành 4 khu, gồm khu nhân giống, nuôi thỏ bố mẹ, 1 khu thỏ 1 tháng tuổi, vừa dứt sữa mẹ và 2 khu nuôi thỏ trưởng thành. Tổng đàn hơn 800 con. Trên các dãy chuồng, ông Tuân đánh dấu ngày sinh để dễ quản lý, chăm sóc, và theo dõi thời gian sinh trưởng, phát triển của thỏ.

“Tôi không nuôi thỏ New Zealand, chỉ nuôi thỏ ta lai, vì giống New mặc dù trọng lượng lớn hơn, nhưng giá thấp hơn, khách giờ không chuộng vì thịt không ngon bằng thỏ ta. Thỏ New giá từ 70-80 ngàn/kg, còn thỏ ta giá 120 ngàn/kg. Quan trọng là mình bán quán, thịt phải ngon. Từ ngày bán quán đến giờ, khách lúc nào cũng đông. Bình quân mỗi ngày quán tiêu thụ 7-8 con, những ngày cuối tuần, bán nhiều hơn”, ông Tuân nói.

Mấy năm gần đây, đàn thỏ của gia đình ông Tuân luôn duy trì 100 thỏ mẹ. Bình quân mỗi năm thỏ đẻ khoảng 7 lứa, mỗi lứa từ từ 8-10 con. Như vậy, đàn thỏ thịt của ông từ 700 – 800 con. Sau từ 4,5 tháng nuôi, thỏ đạt trọng lượng bình quân 2,5kg/con.

“Nếu bán thỏ sống cho khách hay thương lái, thì mỗi con được khoảng 300 ngàn đồng, trừ hết chi phí chưa đến 1 nửa. Vì tôi cho ăn chủ yếu là cỏ. Chỉ 1 tháng đầu là cho ăn cám cám ngô, cám gạo thôi. Sau khi dứt sữa, thỏ gần như chỉ ăn rau, củ, cỏ và thêm ít tinh bột ngô. Nghĩa là khoảng 80% thức ăn cho thỏ là cỏ. Nên chi phí không nhiều mà thịt rất ngon. Nhưng bán tại quán, thì có khi lời hết, tức là đủ bù chi phí”, ông Tuân nói.

Ông Tuân cho thỏ ăn đến hơn 2/3 thức ăn là cỏ, nên thịt rất ngon, được khách hàng ưa chuộng. Ảnh: HT.

Ông Tuân cho thỏ ăn đến hơn 2/3 thức ăn là cỏ, nên thịt rất ngon, được khách hàng ưa chuộng. Ảnh: HT.

Ngoài bán thịt thỏ thương phẩm tại quán, ông Tuân còn bán thỏ giống cho bà con muốn nuôi. Bình quân, mỗi tháng ông bán từ vài chục đến cả trăm con thỏ giống với giá 250 ngàn/cặp. Khi bán, ông luôn hỏi người mua có kinh nghiệm nuôi chưa, có cần hướng dẫn không?

Nhờ vậy mà nhiều người mua giống của ông Tuân về nuôi cũng thành công ngay từ lần đầu nuôi. “Nếu họ nuôi mà không có đầu ra, tôi giới thiệu đầu ra, hoặc tôi thu mua luôn', ông Tuân nói.

"So với các vật nuôi khác, thỏ dễ nuôi. Kỹ thuật nuôi cũng không phức tạp, an toàn hơn và lãi cũng nhiều hơn heo, gà. Tuy nhiên, thỏ dễ bị mắc bệnh đường ruột, bệnh ngoài da, nấm ghẻ, tụ huyết trùng, cầu trùng... vì vậy, phải tiêm phòng bệnh cho thỏ bố mẹ. Ngoài ra, chuồng trại phải thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Bên cạnh đó, hệ thống máng ăn, máng uống nước cũng phải lắp đặt khoa học, vệ sinh sạch sẽ thường xuyên...", ông Nguyễn Văn Tuân.

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Giống ngô TBM189 chinh phục đồng đất Lâm Thao

PHÚ THỌ Giống ngô TBM189 của ThaiBinh Seed với ưu điểm ngắn ngày, năng suất cao, chịu hạn tốt, ít sâu bệnh… đã giúp nông dân Lâm Thao gia tăng lợi nhuận trong vụ đông 2024.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.