Giám đốc Đài Phát thanh-Truyền hình (PT-TH) tỉnh Thái Bình vừa bị tạm đình chỉ công tác 15 ngày (tính từ 17h ngày 23/6) vì lơ là công tác phòng chống bão số 2.
Theo Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình ký ban hành thì ông Vũ Anh Thao, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Đài PT-TH tỉnh Thái Bình bị đình chỉ công tác vì đã không làm tròn trách nhiệm “đảm bảo mạng thông tin thường xuyên và kịp thời về diễn biến mưa, lũ, bão… chống tư tưởng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với lũ, bão, thiên tai”.
Cụ thể, theo báo Thanh niên thì Đài PT-TH Thái Bình đã không phát tin về dự báo và công tác thông tin tuyên truyền phòng, chống cơn bão số 2 theo sự chỉ đạo của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão (PCLB) tỉnh.
Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Bình Vũ Anh Thao. Ảnh: Thaibinhtv
Trên thực tế, việc thông tin, tuyên truyền của Đài PT-TH tỉnh chỉ được thực hiện rất thưa thớt khiến người dân không nắm được các thông tin cập nhật về cơn bão mạnh cấp 9 có tên quốc tế là Benbica.
Điều đáng nói hơn là trong sáng ngày 23/6, khi bão số 2 đã đổ bộ vào một số tỉnh, thành trên đất liền, bao gồm cả địa bàn tỉnh Thái Bình dẫn đến tình trạng úng ngập, thiệt hại hàng nghìn ha lúa, cây màu, đầm nuôi trồng thủy hải sản thì ông Thao vẫn chủ trì Đại hội nhiệm kỳ 2013-2015 của Chi hội Nhà báo Đài PT-TH.
Cũng bởi vì ông Giám đốc Đài còn “bận” chủ trì Đại hội kể trên nên thay vì việc liên tục cập nhật thông tin về cơn bão thì Đài PT-TH Thái Bình đã lên sóng đến gần 1 tiếng đồng hồ về lễ phát động giải báo chí của tỉnh khiến nhiều người bức xúc.
Như vậy, có thể thấy Quyết định đình chỉ công tác của ông Giám đốc Đài PT-TH Thái Bình là có căn cứ xác đáng bởi bất kỳ sự lơ là, chủ quan, mất cảnh giác nào trong công tác phòng chống lụt bão cũng đều có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc về người và của.
Những hậu quả này sẽ đặc biệt trở nên nghiêm trọng hơn nếu bắt nguồn từ sự thờ ơ của lãnh đạo các cơ quan Nhà nước có chức năng phối hợp thực hiện công tác PCLB.
Đáng chú ý, đây không phải trường hợp duy nhất mà các lãnh đạo Nhà nước thiếu sát sao với công tác PCLB trong bối cảnh bão lũ ở Việt Nam luôn diễn ra hết sức phức tạp.
Còn nhớ, hồi cuối năm 2012, hàng loạt lãnh đạo, nhân viên Sở Giao thông- Vận tải Hải Phòng đã bị cách chức, kiểm điểm, thôi hợp đồng lao động vì thiếu sát sao, không tuân thủ đầy đủ các quy định về công tác PCLB khi bão Sơn Tinh đổ bộ vào đất liền.
Trở lại việc ở Thái Bình, điều đáng mừng duy nhất sau bão số 2 là tỉnh không có thiệt hại về người dù công tác PCLB chưa được làm đến nơi đến chốn. Tuy nhiên, thiệt hại về tài sản, hoa màu, mùa vụ không hề nhỏ.
Ước tính sơ bộ, tỉnh Thái Bình có tới 360 ha lúa gieo thẳng bị ngập, gần 1.500 ha cây màu thiệt hại 10-50%, gần 5.000 ha đầm nuôi trồng thủy hải sản bị ngập, hư hỏng sau khi cơn bão số 2 đi qua.
Thiết nghĩ, công tác PCLB cần phải được chú trọng về thực chất hơn nữa để người nông dân không cô độc giữa những cơn gió bão.
Bởi lẽ, trong hoàn cảnh hiện nay, người nông dân đã bị bủa vây trước quá nhiều khó khăn, từ việc đối phó với cây giống – con giống kém phẩm chất; thức ăn chăn nuôi, phân bón liên tục tăng giá; đầu ra bị hạn chế do sự cạnh tranh thiếu lành mạnh của các loại nông – lâm – thủy sản nhập lậu tràn lan từ nước ngoài.
Nếu cứ tiếp tục để người nông dân phải tự mình đương đầu trước thiên tai địch họa thì e rằng ngành nông nghiệp, vốn được coi là trụ cột của nền kinh tế, sẽ khó mà đứng vững trong tình hình kinh tế nhiều biến động như hiện nay.