Thời điểm then chốt phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ
Ngày 25/8, đoàn công tác của Cục Bảo vệ Thực vật đã đi kiểm tra, đánh giá tình hình sâu bệnh tại một số địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng như Nam Định, Ninh Bình.
Thời điểm này, những trà lúa mùa trung và mùa muộn bắt đầu đứng cái, ôm đòng. Do thời tiết thuận lợi, từ đầu tháng 8 thường xuyên có mưa và ẩm độ cao, lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, đây cũng là điều kiện để một số dịch hại như sâu cuốn lá nhỏ và rầy bùng phát sớm với mật độ cao.
Trên cánh đồng của hợp tác xã Hợp Tiến (xã Khánh Nhạc, Yên Khánh) cũng như các huyện Yên Mô, Hoa Lư, Kim Sơn của tỉnh Ninh Bình sâu cuốn lá lứa 6 đã nở rộ (đang ở giai đoạn tuổi 1 và tuổi 2). Bà Nguyễn Thị Nhung – Trưởng phòng Bảo vệ thực vật (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Ninh Bình) cho biết, khoảng thời gian từ 27/8 đến 3/9 là giai đoạn then chốt để bà con phun thuốc phòng trừ.
Mặt khác, rầy lứa 6 cũng đang bùng phát mạnh, với mật độ cao hơn năm 2019. Do đó, có thể kết hợp vừa phun trừ sâu cuốn lá non, vừa diệt rầy và phòng bệnh khô vằn.
Đáng chú ý, vùng trồng lúa tại huyện Kim Sơn đã xuất hiện các ổ bệnh lùn sọc đen ở hợp tác xã Bắc Thành (xã Lai Thành), hợp tác xã Bắc Lộc (xã Yên Lộc) trên giống Bắc thơm số 7 (ở giai đoạn đẻ nhánh) và xuất hiện rải rác ở một số địa phương trong tỉnh Ninh Bình.
“Theo khuyến cáo của Sở NN-PTNT tỉnh và văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của huyện Kim Sơn, chúng tôi đã tổ chức cho bà con phun thuốc đại trà trừ rầy và sâu cuốn lá non. Đồng thời, khuyến cáo bà con ra đồng thăm lúa, nhổ và vùi tại ruộng các khóm lúa nhiễm bệnh lùn sọc đen với tổng diện tích khoảng 3ha, không để virus gây bệnh lan rộng”, ông Trương Văn Bình, Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp Bắc Lộc, chia sẻ.
Mật độ rầy, sâu cuốn lá cao hơn hẳn vụ mùa 2019
Tại cánh đồng các huyện ven biển như Giao Thủy, Xuân Trường, Hải Hậu (tỉnh Nam Định), tình hình dịch bệnh hại lúa cũng đang diễn biến rất phức tạp. Minh chứng, một kỹ sư nông nghiệp đã trực tiếp lội ruộng tại cánh đồng lúa xã Xuân Kiên, huyện Xuân Trường. Đôi bàn tay của anh khua đến đâu, rầy nâu, rầy lưng trắng bay nháo nhác đến đó.
Theo thông báo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nam Định, rầy lứa 5 (chủ yếu là rầy lưng trắng) sẽ nở rộ từ ngày 25-31/8, dự kiến mật độ phổ biến từ 300 – 500 con/m2, nơi có mật độ rầy cao từ 1.000 – 2.000 con/m2.
Bên cạnh đó, sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 đã và đang vũ hóa rộ. Ông Trần Ngọc Chính – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nam Định cho biết: “Đây là lứa sâu cuốn lá và rầy gây hại chính trong vụ mùa, và sẽ có khoảng 80% trong tổng diện tích gieo cấy (gần 31.800ha lúa mùa) của tỉnh phải phòng trừ, thời kỳ trọng điểm phun thuốc từ ngày 26/8 đến 1/9”.
Cũng theo ông Chính, mặc dù mật độ rầy và sâu cuốn lá cao hơn hẳn so với vụ mùa năm 2018, 2019, tuy nhiên với các loại thuốc bảo vệ thực vật tốt (đã được tỉnh khảo nghiệm kỹ lưỡng qua nhiều vụ) hiện nay, nếu bà con tập trung phun phòng trừ trên diện rộng theo khuyến cáo của ngành bảo vệ thực vật thì chỉ cần phun 1 lần là có hiệu quả.
Riêng đối với bệnh lùn sọc đen, trên địa bàn toàn tỉnh đã phun phòng trừ rầy lưng trắng (đối trượng trung gian truyền bệnh) được hơn 30.000ha.
Không phòng trừ kịp thời, sẽ thiệt hại năng suất
Sau khi đi kiểm tra tình hình dịch hại lúa mùa tại hai tỉnh Nam Định và Ninh Bình, ông Nguyễn Quý Dương – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, cho biết: Lúa mùa ở khu vực Đồng bằng sông Hồng đang phát triển tốt. Tuy nhiên, sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 và rầy lứa 6 đang nở rộ, mật độ tương đối cao so với năm 2019. Ví dụ, mật độ sâu cuốn lá trung bình ở Ninh Bình khoảng 180 con/m2, thậm chí có những khu vực mật độ sâu cuốn lá lên tới 300 – 400 con.
Nếu không phát hiện và phun trừ kịp thời ở thời điểm sâu cuốn lá ra rộ, nhiều diện tích bị hại nặng sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa.
Do đó rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ và trách nhiệm từ Trung ương, nhất là Bộ NN-PTNT, Cục Bảo vệ Thực vật và các cơ quan chuyên trách về bảo vệ thực vật tại địa phương nhằm khuyến cáo, chỉ đạo, hướng dẫn bà con phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ và rầy nâu, rầy lưng trắng tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng trong giai đoạn từ 25/8 đến 5/9 (tùy tình hình thực tế từng địa phương).
“Ngay từ vụ đông xuân 2019 – 2020, chúng tôi thấy mật độ sâu cuốn lá nhỏ cao đột biến nên đã có văn bản chỉ đạo các địa phương chuẩn bị phương án phòng trừ sớm trong vụ mùa. Và Cục Bảo vệ Thực vật cũng liên tục chỉ đạo, đôn đốc các địa phương phòng trừ sâu cuốn lá và rầy trên địa bàn”, ông Dương nói.
Riêng đối với bệnh lùn sọc đen, ngay từ đầu vụ, Cục Bảo vệ Thực vật đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các tỉnh và huyện để kiểm tra đồng ruộng, lấy mẫu rầy lưng trắng để test xem mật độ rầy mang virus gây bệnh lùn sọc đen.
Kết quả, các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình đều có mật độ rầy mang virus lùn sọc đen cao hơn năm 2019. Rất may là các địa phương trên đã mau chóng khuyến cáo bà con phun thuốc diệt rầy lưng trắng, do đó khi chúng tôi kiểm tra lại thì không có hiện tượng bệnh lùn sọc đen bùng phát trên diện rộng.