| Hotline: 0983.970.780

Thói háo danh ngày càng trầm trọng?

Thứ Bảy 18/05/2019 , 07:10 (GMT+7)

PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia (Bộ VH-TT&DL) cho rằng một số cơ quan nhà nước, một số địa phương, dù không liên quan nhiều đến bằng cấp, nhưng lại lấy đây làm điều kiện để xét tuyển, bổ nhiệm. Điều này vô tình khiến tình trạng háo danh ở nước ta ngày càng trầm trọng.

17-33-59_son
PGS. TS Bùi Hoài Sơn


Nguy hại khi lấy bằng cấp là thước đo trình độ

Đằng sau lùm xùm vụ việc "nhà báo quốc tế", nhiều người không khỏi giật mình với thói háo danh, ưa “nổ” của một bộ phận người Việt. Ông đánh giá như thế nào về điều này?

Trước hết, tôi phải nói rằng, người Việt chúng ta có rất nhiều đức tính tốt. Nhờ phẩm chất tốt đẹp của mình, dân tộc Việt Nam mới có thể gìn giữ và phát triển đất nước.

Đối với người Việt chúng ta, không phải đến bây giờ, mà từ khá lâu rồi, nhiều học giả đã nói khá nhiều về thói háo danh.

Ngay từ những năm đầu của thế kỷ trước, các học giả như Đào Duy Anh trong "Việt Nam Văn hóa sử cương" xuất bản năm 1938 hay Nguyễn Văn Huyên trong "Văn minh Việt Nam" xuất bản năm 1944 cũng đã đề cập đến vấn đề này đủ để chúng ta thấy đây không phải là vấn đề mới, mà dường như là một tính cách khá phổ biến của người Việt trong lịch sử cũng như hiện nay.

Dù bản thân tôi nghĩ rằng, không phải ai cũng có thói xấu này nhưng những gì mà học giả Đào Duy Anh nói về người Việt là “hay khoe khoang, trang hoàng bề ngoài, ưa hư danh”, theo tôi, cũng đáng để chúng ta xem xét khi nó có thể đúng với hầu hết các nhóm người Việt, bất kể sang hèn hay nghề nghiệp khác nhau. Có thể cách thức thể hiện điều này đa dạng, khác nhau mà thôi.

Ông có thể lý giải vì sao lại có hiện tượng này?

Có nhiều cách lý giải cho hiện tượng này. Từ cách lý giải của tôi thì có mấy lý do như sau. Thứ nhất là xuất phát từ cái mà GS Trần Quốc Vượng nói về hằng số văn hóa Việt Nam là nông dân - nông nghiệp - nông thôn.

Bên cạnh những phẩm chất tích cực, lối tư duy và lối sống tiểu nông của người nông dân, làm nông nghiệp, ở nông thôn cũng đã hình thành phương thức “ăn xổi, ở thì”, “được mùa nào, hay mùa nấy”, đề cao những lợi ích thiết thực ngay trước mắt chứ ít chú tâm đến những lợi ích chiến lược. Bệnh hình thức có lẽ từ đây mà ra!

'Nhà báo quốc tế' Lê Hoàng Anh Tuấn

Thứ hai, trong xã hội truyền thống, khi Nho giáo được đề cao, những người có học, đỗ đạt thường được trọng vọng hơn so với những người khác trong cộng đồng, dẫn đến việc nhiều người đi học vì danh, chứ chưa hẳn đã vì kiến thức thực sự, hay để giải quyết những vấn đề quốc kế dân sinh, làm giàu cho bản thân, gia đình và dòng họ.

Chúng ta đã từng nghe rất nhiều câu tục ngữ kiểu như “một miếng giữa đàng hơn một sàng xó bếp”, “nhất sĩ, nhì nông”, hay nạn mua quan, bán tước xảy ra trong quá khứ để thấy những dấu vết của hiện tượng này.

Bối cảnh xã hội hiện nay có thể thay đổi nhưng những tàn dư của những thói quen cũ chưa hẳn mất ngay. Giờ đây, chúng ta thấy thói trọng bằng cấp đang rất phổ biến trong xã hội.

Tôi không nói rằng bằng cấp không tốt. Tôi chỉ nói rằng việc đề cao bằng cấp mà không phải thực học, học để lấy kiến thức cho bản thân, phục vụ xã hội, sẽ có tác dụng tiêu cực đối với sự phát triển cá nhân và xã hội.

Vì bằng cấp, người ta có thể làm tất cả để đạt được danh hiệu này; và khi có bằng cấp, người ta cố gắng khoe bằng được những thành tích của mình. Đó là biểu hiện của thói háo danh hiện này. Điều này càng nguy hại hơn khi xã hội cũng lấy bằng cấp là một thước đo cho trình độ và uy tín của một cá nhân cụ thể.

Một số cơ quan nhà nước, một số địa phương, dù không nhiều liên quan đến bằng cấp, nhưng lại lấy đây làm điều kiện để xét tuyển, bổ nhiệm. Điều này đi ngược lại so với xu hướng chung của các nước trên thế giới, và vô tình khiến tình trạng háo danh ở nước ta ngày càng trầm trọng hơn.
 

Hệ lụy của thói háo danh là vô cùng lớn

Hệ lụy của thói háo danh này tưởng chừng vô hại nhưng nhiều trường hợp lại… hại không tưởng. Ông có khi nào gặp phải người háo danh khiến mình không biết ứng xử sao cho phải phép?

Hệ lụy của thói háo danh là vô cùng lớn đối với cá nhân và xã hội. Tôi đã từng nhận những danh thiếp của những người liệt kê kín những danh hiệu, chức vụ đã và đang nắm giữ của họ, khiến cho người nhận lúng túng không biết họ thực sự đang làm gì; tôi cũng chứng kiến khá nhiều người không xứng đáng với những danh hiệu nhưng bằng mọi cách, họ vẫn cố kiết để có được những danh hiệu không xứng đáng này.

Ảnh minh họa

Tôi cho rằng, như cha ông chúng ta từng nói “y phục xứng kỳ đức”. Chúng ta cần phải xứng đáng với những danh hiệu mà chúng ta có. Nếu không, xã hội sẽ có những rối loạn nhất định.

Những rối loạn có thể là, chúng ta có thể đặt những người không đúng trình độ vào những vị trí không thuộc về họ. Khi những người đó ngồi chỗ không thuộc về mình, một mặt, họ không thực hiện được nhiệm vụ, chức trách của mình, làm ảnh hưởng xấu đến công việc chung, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội; mặt khác, họ làm cho những người có năng lực, nhưng có thể vì lý do này hay lý do kia, không có được những bằng cấp, danh hiệu nên không được đặt vào đúng vị trí của họ, cảm thấy hụt hẵng, mất ý chí phấn đấu.

Bên cạnh đó, vì “danh hão”, nhiều người có thể làm những việc ảnh hưởng đến uy tín của mình như chạy chức, chạy quyền, chạy bằng hay khoe khoang tiền của, nhà cửa, xe cộ…

Và cuối cùng, căn bệnh này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, khi người dân không thể phân biệt thật giả trong bằng cấp, trong vị trí và trong công việc. Từ hệ lụy này sẽ dẫn dắt đến các hệ lụy khác trong xã hội.

Xin cảm ơn ông!

(Kiến thức gia đình số 20)

Xem thêm
Vĩnh Phúc giảm 10 tổ chức Đảng, 1 Ban Đảng và 8 Sở...

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết sẽ sớm ban hành chính sách với những trường hợp 'hy sinh' vì lợi ích chung, thôi làm việc trong cơ quan hưởng lương từ ngân sách.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao

Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.