Hoa cà phê bị hư hỏng hàng loạt
Những ngày đầu tháng 3, cơn mưa lạnh xuất hiện khiến cho con đường dẫn vào làng Đăk Asêl thuộc vùng núi xã Sơn Lang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) thêm phần ảm đạm. Dọc bên đường, không khó để bắt gặp những vườn cà phê của người dân nằm rải rác bao quanh những quả đồi.
Dẫn chúng tôi dạo quanh những vườn cà phê, ông Đinh Văn Hdăn, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Lang cho biết, 2 năm nay trên địa bàn xã thời tiết khắc nghiệt, mưa lạnh kéo dài đã khiến cho hàng ngàn ha cà phê trong vùng bị mất mùa. Theo ông Hdăn lý giải, đúng vào thời điểm cà phê ra hoa thì gặp những con mưa lạnh, hoa bị thối không thể đậu quả.
“Mùa vụ cà phê năm ngoái năng suất trung bình của các hộ dân bị sụt giảm hơn 30%. Với tình hình thời tiết bất lợi như năm nay, năng suất có thể còn giảm sâu hơn nữa”, ông Hdăn cho biết.
Cũng theo ông Hdăn, cà phê là một trong những cây trồng chủ lực địa phương với diện tích 1.300ha. Trong đó, 300ha đã thu hoạch trước Tết nguyên đán và hiện đang bước vào giai đoạn nở hoa. Tuy nhiên, với việc mưa lạnh kéo dài nên hoa đã bị hư hỏng rất nhiều. Đối với những diện tích còn lại, hiện bà con đang thu hoạch nhưng năng suất cũng chỉ đạt khoảng 7 tấn tươi/ha, sụt giảm hơn 1/3 so với mọi năm. Chính điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế của người dân trong vùng.
Để hạn chế rủ ro do thời tiết gây ra, ông Hdăn cho biết, sau khi quan sát những vườn cà phê có trồng xen cây ăn quả, mắc ca… thì hoa ít hư hỏng hơn so với vườn trồng thuần cà phê. Chính vì vậy, trong thời gian tới, xã khuyến cáo người dân nên trồng xen canh vừa để chắn gió, đồng thời tăng thêm thu nhập.
Ghi nhận tại vườn cà phê hơn 1ha của gia đình ông Đinh Hbơi (làng Đăk Asêl, xã Sơn Lang), bên cạnh những cây lác đác nở hoa thì còn lại phần lớn không có hoa. Ông Hbơi cho biết, thời điểm này năm trước, các vườn cà phê của người dân cũng bị ảnh hưởng thời tiết khiến cho năng suất sụt giảm rất nhiều. Năm nay thời tiết còn khắc nghiệt hơn, những con mưa kéo theo lạnh buốt khiến cho hoa cà phê bị thối gần hết.
Bất lực nhìn những bông hoa cà phê bị hư hỏng, ông Hbơi lắc đầu ngao ngán: “Hoa bị như thế này thì làm sao có quả được, nói gì đến năng suất nữa. Chưa kể, gia đình phải bỏ ra vài chục triệu đồng đầu tư phân bón xem như mất trắng”.
Cũng theo ông Hbơi, chính vì cà phê mất mùa liên tục trong 2 năm trở lại đây đã khiến cho nhiều hộ dân trong vùng không còn mặn mà đầu tư, thậm chí bán luôn cả vườn cà phê để đi nơi khác làm ăn.
Là một trong những người trồng cà phê lâu năm, ông Đinh Hmunh (làng Đăk Asêl, xã Sơn Lang) cho biết, gia đình ông có hơn 2 ha cà phê, những năm trước cũng xảy ra tình trạng mưa lạnh nhưng không kéo dài nên năng suất không ảnh hưởng nhiều.
“Năm nay thời tiết quá khắc nghiệt làm cho hàng loạt cây cà phê của gia đình bị thối hoa khiến chúng tôi không khỏi lo lắng. Theo đó, dự kiến năng suất cà phê vụ tới của gia đình sẽ giảm mạnh”, ông Hmunh cho biết.
Khuyến khích trồng xen canh
Không chỉ ở xã Sơn Lang, hiện tượng hoa cà phê hư hỏng do thời tiết mưa lạnh kéo dài cũng diễn ra ở các xã Đăk Rong, Krong, Đăk Smar, Sơ Pai... Ghi nhận tại xã Sơ Pai, toàn xã có 990 ha cà phê trong đó khoảng 1/3 diện tích đã cho thu hoạch trước Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, số diện tích cà phê này bắt đầu bước vào thời kỳ nở hoa thì gặp thời tiết mưa lạnh kéo dài khiến hoa bị úng nước, hư hỏng nặng.
Ông Nguyễn Thế Cường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơ Pai cho biết, chưa năm nào thời tiết thất thường như năm nay, cà phê vừa ra hoa để bắt đầu cho vụ mùa mới thì đã hư hỏng. Dự kiến vụ cà phê tới, năng suất cà phê sẽ giảm, trong khi chi phí đầu tư sản xuất của người dân lại tăng thêm.
Theo tìm hiểu được biết, huyện Kbang có gần 3.600ha cà phê, trong đó khoảng 30% diện tích đã được người dân thu hoạch trước Tết. Diện tích còn lại đang bước vào giai đoạn thu hoạch nhưng năng suất giảm đáng kể. Cụ thể, năng suất trung bình chỉ đạt khoảng 7-8 tấn tươi/ha, giảm hơn 30% so với mọi năm. Hiện cà phê được thương lái thu mua với giá 9.100 đồng/kg tươi.
Ông Mã Văn Tình, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Kbang cho biết, so với năm ngoái, năm nay mưa lạnh kéo dài nên diện tích cà phê bị ảnh hưởng cũng nhiều hơn. Phòng đang đề nghị các địa phương thống kê diện tích cà phê bị thiệt hại để qua đó đề xuất với UBND huyện sớm có giải pháp khắc phục và hỗ trợ cho người dân. Mặt khác, phòng cũng khuyến cáo người dân theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để chủ động chăm sóc cây trồng, giảm nhẹ thiệt hại.
Về giải pháp, ông Tình cho biết, để giảm thiệt hại cho người dân, ngành nông nghiệp huyện đang khuyến khích người dân trồng xen canh các loại cây ăn quả, mắc ca, giổi xanh trong vườn cà phê để vừa chắn gió, vừa nâng cao thu nhập. Chẳng hạn, những cây mắc ca trồng xen trong vườn cà phê sẽ cho năng suất trung bình khoảng 5 tạ/ha, như vậy người dân có thêm thu nhập từ 50-90 triệu đồng/ha/năm.