| Hotline: 0983.970.780

Thông nhựa tạo sinh kế bền vững cho bà con xã biên giới

Thứ Hai 15/05/2023 , 14:43 (GMT+7)

LẠNG SƠN Là xã biên giới khó khăn, nhưng nhờ kiên trì trồng, bảo vệ rừng (nhất là cây thông nhựa), đời sống người dân xã Bính Xá (Đình Lập, Lạng Sơn) đã dần ấm no.

Phần lớn rừng trồng ở Bính Xá là cây thông nhựa. Ảnh: Hải Tiến.

Phần lớn rừng trồng ở Bính Xá là cây thông nhựa. Ảnh: Hải Tiến.

Bính Xá (Đình Lập, Lạng Sơn) là xã vùng cao có diện tích đất tự nhiên rất rộng (gần 146,5km2). Trong đó có hơn 7km biên giới với Trung Quốc. Những năm qua, người dân xã Bính Xá không ngừng trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, cải thiện môi trường sinh thái, đồng thời tạo sinh kế bền vững.

Ông Đặng Đình Đức, Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch UBND xã Bính Xá cho biết, công tác chăm sóc, khoanh nuôi bảo vệ và tái sinh, trồng mới rừng luôn được cấp Uỷ và chính xã ưu tiên chỉ đạo thực hiện. Việc trồng cây phân tán cũng được tích cực thực hiện.

Để chủ động nguồn giống cho trồng rừng, xã đã hỗ trợ hình thành 5 mô hình tự gieo ươm cây lâm nghiệp. Nhờ đó đã đáp ứng nhu cầu sản xuất tại chỗ với trên 250.000 bầu cây giống để phục vụ trồng rừng hàng năm, trong đó có 220.000 cây thông, 30.000 cây bạch đàn và 3.500 cây hồi.

Từ đầu năm đến nay, cùng với số cây giống được Trạm Kiểm lâm Đình Lập cấp phát, xã Bính Xá đã trồng được 88ha cây lâm nghiệp các loại. Nâng tổng diện tích rừng trồng của xã lên gần 9.000ha, bao gồm hơn 8.000ha cây thông, 560ha cây hồi, 300ha bạch đàn.

Cùng với đó, công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng cũng được xã quan tâm chỉ đạo rốt ráo như phối hợp với các đơn vị chuyên môn của huyện kiểm tra chất lượng rừng trồng; tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây lâm nghiệp cho người dân; phân công các tổ quản lý bảo vệ rừng, duy trì nghiêm chế độ trực gác lửa rừng tại các thôn trọng điểm; tuyên truyền định hướng cho người dân phát triển gieo trồng các loại cây lâm nghiệp phù hợp; khuyến cáo, hướng dẫn phòng trừ các sâu bệnh hại rừng trồng...

Gỗ bóc lát sau chế biến. Ảnh: Hải Tiến.

Gỗ bóc lát sau chế biến. Ảnh: Hải Tiến.

Trong năm 2022, xã đã khai thác được 4.200m3 gỗ, 2.500 tấn nhựa thông, 450 tấn hoa hồi, 0,65 tấn quả sa nhân, cơ bản khối lượng khai thác đều vượt kế hoạch đề ra từ 125 - 150%. Dự kiến hết năm 2023 này, toàn xã sẽ khai thác khoảng 3.000m3 gỗ các loại, 3.200 tấn nhựa thông, cùng 300 tấn hoa hồi

“Có trên 90% số hộ tại 14/14 thôn trên địa bàn xã đều tham gia trồng rừng. Hộ ít nhất cũng trồng được 1 - 3ha rừng, hộ trồng nhiều lên tới trên 30ha. Để giúp nông dân tiêu thụ các sản phẩm khai thác từ rừng trồng, tăng cao thu nhập từ canh tác cây lâm nghiệp, xã đã hỗ trợ vốn vay cho một số hộ mua máy chế biến, bóc lát gỗ cây và đứng ra làm đầu mối bao tiêu, sơ chế quả sa nhân, hoa hồi dược liệu”, ông Lộc Văn Thế, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Bính Xá chia sẻ

Ông Vi Văn Hoàng ở thôn Quyết Tiến (xã Bính Xá) nhờ đầu tư máy móc làm dịch vụ bóc lát gỗ, kết hợp trồng 12ha rừng thông nên gia đình ông đã có bát ăn bát để, mối năm kết dư được trên 100 triệu đồng

Theo ông Hoàng, trồng thông chỉ vất vả vào mùa vụ xuống giống (tháng 2 - 4) và chăm sóc cây trồng 3 năm đầu, sau đó phát dọn thực bì vào các tháng nhiều mưa, tỉa thưa và chặt bỏ những cây phát triển không đúng yêu cầu kỹ thuật như cây gầy yếu, còi cọc, cong vẹo, cây bị nhiều sâu bệnh hại và những cây trồng quá dày...

Nhờ đó, ông Hoàng có thời gian mở xưởng chế biến gỗ, có tháng bóc lát được 70m3 gỗ. Để việc trồng, chăm sóc rừng và chế biến gỗ không chồng chéo nhau, ông Hoàng phải thuê thêm 1 - 3 lao động phụ giúp, tuỳ theo mùa vụ và áp lực đơn hàng.

Ông Chu Văn Là ở thôn Pán Mò (xã Bính Xá) cho biết: Hầu hết các hộ ở đây đều trồng giống thông đuôi ngựa, nhà ông cũng trồng 13ha thông này, mục đích chính là để lấy gỗ, còn lấy nhựa chỉ là phụ và cũng phải sau trồng khoảng 15 năm mới cho khai thác nhựa thông, quân bình mỗi tháng có thể thu được 0,3 - 0,4kg nhựa thông/cây, nguồn thu này cơ bản chỉ đủ cho nhu cầu sinh hoạt cơ bản của gia đình hàng ngày và tái đầu tư trồng mới sau khi khai thác rừng.

Khai thác nhựa thông. Ảnh: Hải Tiến.

Khai thác nhựa thông. Ảnh: Hải Tiến.

Để đảm bảo cuộc sống trong thời gian chưa thu hoạch rừng (khoảng 15 năm từ trồng tới lấy nhựa), ông Là phải chăn nuôi gối vụ 60 con bò thịt. Do vậy tháng nào ông cũng có bò xuất bán. Chẳng những không phải nhận cứu trợ từ nhà nước, ông còn để dư ra được nguồn thu từ khai thác gỗ rừng trồng.

Xuống thăm bản Ngàn Chả, ông Triệu Văn Lý (Trưởng thôn) bộc bạch, đời sống nhân dân nơi đây khó khăn nhất xã, cả thôn có 18 nóc nhà, đều thuộc diện hộ nghèo hoặc cận nghèo. Mặc dù thôn nằm liền kề Quốc lộ 31, nhưng các hộ đều ở dưới hẻm núi sâu 300m so với mặt đường, cách đỉnh taluy dương trên 600 - 700m nên đất nông nghiệp rất hạn hẹp, tiểu khí hậu cũng không phù hợp cho phát triển chăn nuôi, giao thông đi lại trong bản khó khăn, nhất là vào những tháng mùa mưa.

Để giúp các gia đình trong thôn duy trì trồng rừng kín khe núi, hàng năm xã đều đề nghị và được nhà nước trợ cấp gạo ăn. Thực tế, cá biệt một số hộ đời sống còn gặp khó khăn, nhưng hiệu quả trồng rừng ở Bính Xá là không thể phủ nhận. Nghề rừng đã giúp nâng cao thu nhập bình quân/người cho bà con từ 17,5 triệu đồng/người năm 2015 lên 45 triệu đồng/người năm 2022, đồng thời giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xuống còn dưới 13% (hiện tại). Đặc biệt, trồng rừng còn giúp trữ nước, bồi dục và giữ ẩm đất, điều hoà môi sinh.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

C.P. Việt Nam bàn giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết

Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam vừa phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết, ban giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.