| Hotline: 0983.970.780

'Đánh thức' các Vườn Quốc gia

Những người Đan Lai dưới tán rừng Pù Mát

Thứ Tư 10/05/2023 , 07:00 (GMT+7)

Bàn tay phụ nữ Đan Lai ở xã Châu Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An) giờ bớt hẳn mùi măng, còn trong rừng, nứa mọc từng lớp, măng lên tua tủa, đan dày vào nhau.

Empty

Con đường độc đạo dựa vào vách núi để tiến lên thượng nguồn Khe Choăng. Ảnh: Tùng Đinh.

Quốc lộ 7 vắt từ đông sang tây, dài khoảng 220km, nối từ miền biển huyện Diễn Châu lên đến biên giới Việt - Lào ở huyện Kỳ Sơn của tỉnh Nghệ An. Giữa khoảng đó là xã Châu Khê, huyện Con Cuông, nơi được xem như một cánh cổng dẫn vào vùng trung tâm rừng đặc dụng của Vườn Quốc gia Pù Mát.

Đi dọc quốc lộ 7 theo hướng đông - tây rồi bẻ một khúc cua tay áo tại trung tâm xã Châu Khê là vào con đường độc đạo dẫn tới lõi rừng Pù Mát. Là tuyến đường huyết mạch dẫn lên biên giới nhưng chỉ sau khúc cua này, mọi sự sầm uất, nhộn nhịp của con đường vốn được ví như “Chìa khóa Đông Dương” gần như biến mất hoàn toàn.

Thay thế cho những cửa hàng, cửa hiệu san sát là những ngôi nhà lá của người Đan Lai, nhà sàn của người Thái, càng đi vào sâu càng thưa thớt. Trước đây, vào mùa măng nứa là hàng trăm người, cả Đan Lai, cả Thái bồng bế nhau vào rừng lấy măng, nhưng đến giờ chuyện đó chỉ còn trong ký ức.

CP-2

Những mái nhà của người Đan Lai nằm lẩn khuất trong vùng đệm Vườn Quốc gia Pù Mát. Ảnh: Quốc Nhật.

Bỏ lán để giữ rừng

Ở xã Châu Khê có đồn biên phòng cùng tên, trên con đường độc đạo vào lõi rừng, Trạm kiểm soát đầu tiên có tên là Khe Bu. Kể từ trạm biên phòng này, đường đi khó khăn hơn hẳn vì phải men theo vách núi, cứ dọc Khe Choăng mà tiến vào, phía trong chỉ còn 2 bản, một của người Thái, một của người Đan Lai.

Vốn là một bộ tộc với dân số chỉ vào khoảng 3.000, người Đan Lai sinh sống ở vùng miền núi quanh Vườn Quốc gia Pù Mát, rải rác ở một số xã của huyện Con Cuông. Do phong tục, tập quán, người Đan Lai trước đây sống dựa hẳn vào rừng.

Tay vần mạnh vô lăng để vượt qua những đoạn đường gập ghềnh dọc Khe Choăng, anh Phạm Xuân Sang - cán bộ Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Pù Mát nói, ngày trước, ngoài việc săn bắt, đốt nương làm rẫy thì cứ đến mùa nứa, người Đan Lai lại lũ lượt bồng bế nhau vào rừng lấy măng.

Khi đó, măng nứa là nguồn thu nhập chính của họ, khổ nỗi, nứa chỉ mọc nhiều ở vùng rừng đặc dụng và một phần ở phía rừng phòng hộ nên việc kiếm sống của bà con không tránh khỏi làm ảnh hưởng đến sinh thái của rừng.

Empty

Khe Choăng mùa cạn, nhiều đoạn trơ đáy và 2 bên tua tủa những bụi nứa, đến mùa măng có thể kiếm được cả tỷ đồng. Ảnh: Tùng Đinh.

Lắc lư trong cabin chiếc bán tải, thành viên Đội Kiểm lâm cơ động của vườn kể thêm, mỗi khi đến mùa, bà con đưa cả nhà vào rừng kiếm măng, kể cả người già và trẻ con. Chưa kể, gia súc, vật nuôi trong nhà cũng được họ dẫn vào rừng vì đã đi là đi dài ngày, không còn ai chăm sóc.

“Sau khi vào rừng, bà con bắt đầu dựng lán để ở, do chỉ mang muối, gạo, dầu ăn nên mọi thực phẩm khác họ sẽ săn bắt, thu hái từ rừng. Chưa kể, do thu hoạch được lượng măng lớn, lại đi nhiều ngày nên bà con sẽ phải chặt cây để đốt, sấy măng”, anh Sang giải thích thêm.

Theo ông Trần Xuân Cường, Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát, hiện tượng này bắt đầu chấm dứt từ năm 2018, khi lãnh đạo vườn tổ chức họp với các xã, bản và toàn bộ bà con, quán triệt tinh thần sẽ nghiêm cấm việc lấy măng ở các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, cấm bà con vào rừng dựng lán, đưa gia súc vật nuôi vào rừng. Tuy nhiên, đối với các phân khu hành chính - dịch vụ hay phục hồi sinh thái, Giám đốc Trần Xuân Cường nói vườn vẫn “phá rào” cho phép bà con vào lấy măng khi đến mùa nhưng chỉ sáng đi, tối về.

Theo ông Cường, với nguồn lợi lên đến hàng chục tỷ đồng từ măng nứa mỗi năm, việc thuyết phục được bà con không vào rừng, dựng lán nữa phải trải qua những nỗ lực rất lớn. Thẳng thắn thừa nhận không thể cấm được 100% bà con vào rừng lấy măng, giám đốc Cường nói phương án cho phép sáng đi, chiều về, lấy măng ở các khu vực bên ngoài là tối ưu nhất.

CP-1

Khe Choăng mùa cạn nước, lấp ló bóng những phụ nữ Đan Lai xuống tìm cá bống, trên bờ những cây săng lẻ đang thay lá, đỏ rực một góc rừng. Ảnh: Quốc Nhật.

Vươn ra khỏi tán rừng

Tháng 3, mùa cạn, dưới Khe Choăng nhiều đoạn nước ngang đầu gối, còn trên triền núi những cây săng lẻ đua nhau thay lá, xanh, đỏ, cam, vàng… đủ cả. Khi những vạt nắng miền Tây xứ Nghệ bắt đầu ngả sang hướng tây, người Đan Lai bắt đầu xuống khe tìm tôm cá.

Chiều ấy, Viềng Thị Hà cùng vài người phụ nữ Đan Lai đang dàn hàng ngang khom lưng giăng lưới bắt cá bống, thấy mấy nam thanh niên người Kinh dừng xe chụp ảnh, Hà trêu: “Trẻ thế này, có vợ chưa?”.

Được đáp lại bằng những nụ cười vui vẻ, người phụ nữ 28 tuổi người Đan Lai bắt đầu chia sẻ thêm. Hà nói, từ ngày không còn được vào rừng dựng lán hái măng nứa, người dân ở đây bắt đầu vươn ra, đi tìm những sinh kế mới để đảm bảo cuộc sống cho mình.

Trong khi đàn ông, thanh niên thì đi lao động ra, tìm đến các khu công nghiệp để mưu sinh thì lớp phụ nữ lớn tuổi và bận con cái như Hà ở lại, tìm cách xoay sở với vùng đệm của Vườn Quốc gia Pù Mát, dễ nhất là xuống Khe Choăng bắt cá đem ra chợ bán.

Empty

Những phụ nữ Đan Lan xuống Khe Choăng bắt cá bống. Ảnh: Quang Linh.

Ngoài ra, các bản của người Đan Lai, người Thái ở xã Châu Khê vẫn được Vườn tạo điều kiện vào các vùng rìa như khu hành chính - dịch vụ hay phục hồi sinh thái. Vì thế, vẫn có những người trẻ ra ngoài lao động rồi khi đến mùa măng lại quay về bản làng để cải thiện thu nhập cho gia đình. Họ rất dễ nhận ra, một là cách ăn mặc, hai là mái tóc. “Thanh niên nam nữ ở đây đi làm công nhân, 10 người thì 9 người nhuộm tóc”, anh Sang nói. Quả thật, trong số 5 người phụ nữ đứng dưới khe bắt cá, có một bạn trẻ tóc hồng rực.

Bên cạnh đó, cộng đồng người dân tộc ở xã Châu Chê cũng nằm trong diện được nhận chi trả dịch vụ môi trường rừng của Vườn Quốc gia Pù Mát. Anh Sang cho biết, mỗi khi đến dịp anh vẫn lái xe vào tận bản, chuyển tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng cho bà con: “Ở đây bà con ít dùng đến tài khoản trực tuyến với cả hệ thống mạng cũng khó khăn nên họ thích được nhận tiền mặt”.

Empty

Những cây săng lẻ đến mùa thay lá đỏ rực, nổi bật trong rừng Pù Mát. Ảnh: Tùng Đinh.

Chia sẻ sâu hơn về vấn đề này, ông Trần Xuân Cường cho biết, hiện nay việc chi trả dịch vụ môi trường rừng dựa vào các thủy điện chưa có được sự đồng đều, tùy thuộc vào cao độ và lưu vực của các thủy điện này, nếu lưu vực rộng thì sau khi chia đều sẽ bị thấp. Nước sạch cũng tương tự.

“Nên chăng chúng ta phải nghiên cứu một cơ chế bù trừ, giữa nơi cao với nơi thấp để tránh tình trạng chi trả không đồng đều. Có thể đưa ra một mức tối thiểu để áp dụng chung, còn nhiều hơn thì phụ thuộc vào từng địa phương cụ thể”, Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát đề xuất.

Ông Cường lấy ví dụ, năm 2023, đơn giá dành cho hoạt động nhận khoán bảo vệ và phát triển rừng ở Pù Mát, trích từ chi trả dịch vụ môi trường rừng được chia thành 2 loại, 13.000 đồng/ha và 50.000 đồng/ha. Nếu tính tối đa, mỗi người được nhận khoán 30ha/năm thì chỉ chưa đến 400.000 đồng.“Thấp như vậy thì không bao giờ họ nhận, vì cho rằng từng đó tiền chắc chỉ đủ đi rừng 1 tuần”, giám đốc Vườn lý giải.

Còn trong trường hợp, nếu đưa được giá sàn lên mức 150.000 - 200.000 đồng/ha thì việc người dân tham gia nhận khoán bảo vệ và phát triển rừng sẽ thuận lợi hơn, vì khi đó họ nhận được 1 khoản từ 4,5 - 6 triệu đồng/năm/30ha.

Người Thái vào Con Cuông từ thế kỷ XIV, họ biết làm nghề rừng, chăn nuôi, dệt thổ cẩm, trồng lúa nước. Đa số người Thái ở vùng núi thấp thường ở dọc sông suối và thung lũng.

Trong khi đó, người Đan Lai (Thổ - Lý Hà) gắn liền với truyền thuyết "Trăm cây nứa vàng, cái thuyền chèo liền mái". Theo truyền thuyết này, tộc người này có nguồn gốc từ Thanh Chương do bị bóc lột, loạn lạc nên chạy ngược lên. Họ tìm nơi kín nhất nơi “sơn cùng thủy tận”, nơi đầu nguồn các khe, suối để sinh sống. Đặc điểm của người Đan Lai là làm nương săn bắt hái lượm, làm hàng lâm sản.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Tre xanh trên Long Cốt sơn

Quảng Ngãi Tre xanh tốt trên núi cằn trơ sỏi đá. Thân tre to lớn vươn lên trời cao, mở ra hướng làm ăn mới cho bà con nông dân ở vùng đất bạc màu.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất