Năm của mở cửa thị trường nông sản
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phát triển trị trường nông sản Bộ NN-PTNT, năm 2022 là một năm khởi sắc của nông nghiệp Việt Nam cả về sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng tại thị trường trong nước với giá trị gia tăng toàn ngành tăng 3%, giá trị sản xuất tăng 3,3%.
Các chuỗi cung ứng nông sản được duy trì tốt, đảm bảo nguồn cung lương thực thực phẩm trong nước và phục vụ xuất khẩu.
Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản năm 2022 đạt cao kỷ lục 53,53 tỷ USD với 12 nhóm hàng tiếp tục duy trì giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 7 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD.
Trong năm 2022, hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ trong nước ngày càng được các địa phương quan tâm và duy trì liên tục nhiều hoạt động sôi động trên thị trường. Các đơn vị quản lý của Bộ NN-PTNT đã phát huy được vai trò đồng hành, tương tác, phối hợp với địa phương, cộng đồng người sản xuất, kinh doanh nông nghiệp ngày càng chặt chẽ, được duy trì và phát huy hiệu quả thông qua chuỗi các hoạt động kết nối trong năm (Diễn đàn 970, hội chợ, triển lãm…).
Cùng với đó, công tác xử lý rào cản thương mại, mở cửa thị trường bước đầu mang lại những tín hiệu tốt, giúp doanh nghiệp tiếp cận được thị trường rộng lớn thông qua xuất khẩu chính ngạch;
Công tác phân tích, dự báo và phổ biến thông tin thị trường nhận được sự hưởng ứng tích cực và mang lại hữu ích cho cộng đồng người sản xuất, kinh doanh nông sản.
Theo ông Trần Quốc Toản, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), thời gian qua, Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT đã có sự phối hợp trong công tác cung cấp thông tin thị trường, qua đó góp phần định hướng sản xuất cho người dân, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hiệp hội, ngành hàng. Đồng thời, góp phần giúp kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nông sản của Việt Nam ra các thị trường ngày càng tốt hơn.
Thời gian tới, đại diện Bộ Công thương cho rằng, 2 Bộ cần tiếp tục đảm bảo công tác truy xuất nguồn gốc và chất lượng bao bì nhãn mác của sản phẩm. Có như vậy mới có thể xây dựng những vùng trồng chuyên canh đáp ứng được yêu cầu của từng thị trường, từng khu vực với từng sản phẩm.
Phát triển thương hiệu quốc gia trên thị trường quốc tế
Theo bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, năm 2022 là một năm có ý nghĩa, thực hiện thành công chương trình công tác của Hiệp hội khi nhận được sự ủng hộ của các bộ ngành, được giao thêm nhiệm vụ, mở rộng thêm phạm vi hoạt động nhằm có thêm cơ hội hỗ trợ cho người dân trồng các cây gia vị khác ngoài cây tiêu.
“Thiên nhiên ưu đãi là thế mạnh của Việt Nam trong việc phát triển các cây gia vị so với các nước trên thế giới. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm tiêu đạt hơn 985 triệu USD với hơn 232.000 tấn. So với năm 2021, tuy giảm khoảng 12% về sản lượng nhưng tăng giá trị khoảng 4% do ngành hàng đã có sự điều chỉnh, cải thiện về chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường tốt hơn. Trong 5 - 7 năm tới, ngành hồ tiêu và gia vị Việt Nam cố gắng phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 2 tỷ USD với sản lượng khoảng 500.000 tấn ”, bà Hoàng Thị Liên chia sẻ.
Theo đó, thời gian tới, đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đề xuất Bộ Công thương tập trung công tác xúc tiến thương mại một cách trọng tâm, trọng điểm để hỗ trợ toàn bộ ngành hàng chứ không chỉ hỗ trợ từng doanh nghiệp, đơn vị nhỏ lẻ.
Đồng thời, bà Liên kiến nghị Bộ Công thương hỗ trợ ngành hàng tiêu phát triển thương hiệu quốc gia trên thị trường quốc tế, có chương trình phát triển truyền thông thương hiệu quốc gia bài bản.
Hiệp hội cũng bày tỏ mong muốn Bộ NN-PTNT quan tâm, hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu, giám sát tiêu chuẩn chất lượng trong đó có việc tăng cường hợp tác song phương với các nước để giúp xử lý vấn đề rào cản kỹ thuật, chất lượng để giúp cho ngành hàng hồ tiêu và gia vị phát triển bền vững.
“Việt Nam có lợi thế so sánh rõ rệt với các quốc gia xuất khẩu gia vị trên thế giới nên cần tận dụng, khai thác những lợi thế này bằng mọi cách”, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam khẳng định.
Còn theo ông Phạm Vũ Hà, Tổng Thư ký Hiệp hội Sắn Việt Nam, sắn và sản phẩm từ sắn có thể ứng dụng cho nhiều ngành có tốc độ tăng trưởng hàng năm cao như thực phẩm, hóa chất, dệt may… Do sản phẩm sắn có tính ứng dụng đa dạng nên khả năng xuất khẩu cũng như triển vọng xuất khẩu rất tốt, tốc độ tăng trưởng đạt từ 10 - 15%/năm. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu ngành sắn đạt 1,4 tỷ USD.
Ông Phạm Vũ Hà cho biết, trong thời gian tới, Hiệp hội sẽ chủ động phối hợp với Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương trong công tác xúc tiến thị trường, đặc biệt là việc tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông và EU.
Đồng thời, Hiệp hội sẽ chủ động kết hợp với một số chính quyền địa phương có sản lượng sắn lớn trong việc phản biện dự án mới, tránh tình trạng mất cân đối, hướng đến việc phát triển ngành sắn bền vững hơn.
Không vùng nguyên liệu, các hiệp hội, ngành hàng sẽ "chết"
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, năm 2023, một số mặt hàng nông sản chủ lực cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2022.
“Muốn làm được điều đó cần theo dõi, nắm bắt thông tin thị trường một cách thường xuyên. Do mang tính thời vụ nên sản xuất nông nghiệp rất khó, nhưng đảm bảo thị trường nông sản còn khó hơn”, Thứ trưởng phân tích.
Thứ trưởng phân tích thêm, hiện nay, một số rào cản đã được tháo gỡ là dấu hiệu rất tốt cho các mặt hàng phát triển tại các thị trường trọng tâm. Tuy nhiên những khó khăn, thách thức vẫn còn rất lớn. Cụ thể, đó là cung cầu trên thị trường có dấu hiệu sụt giảm; giá vật tư, nguyên liệu vẫn tăng cao bất thường; nguyên lý của các thị trường sau khi mở cửa là tăng cường rào cản; thị trường Trung Quốc nhiều cơ hội nhưng đầy thách thức nên nông sản Việt sẽ gặp nhiều cạnh tranh về giá cả, chất lượng tại thị trường này.
Theo đó, thời gian tới, lãnh đạo Bộ NN-PTNT yêu cầu các đơn vị chuyên môn của Bộ cần phối hợp với các Hiệp hội, ngành hàng tiếp tục tập trung phát triển vùng nguyên liệu.
“Trong chiến lược phát triển lâu dài, nếu không có các vùng nguyên liệu đạt chuẩn, các Hiệp hội ngành hàng sẽ "chết". Nếu không có nguyên liệu thì máy móc dù có hiện đại đến đâu cũng không thể sản xuất”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Cùng với đó, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị các đơn vị cần điều chỉnh, cơ cấu sản xuất phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Đặc biệt, không nên chạy theo số lượng mà phải chú trọng, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm.
Về vấn đề kết nối tiêu thụ nông sản, cần phối hợp với Bộ Công thương tổ chức các chương trình kết nối sản phẩm nông sản đảm bảo an toàn tại các thành phố lớn; kết nối với các tham tán thương mại tại các nước để mở cửa thị trường, đồng thời phòng vệ thương mại.
Thứ trưởng cũng đề nghị Diễn đàn Kết nối nông sản 970 cần được tổ chức định kỳ để nắm bắt được những nhu cầu của các doanh nghiệp, nắm bắt được thông tin sản xuất, thị trường một cách kịp thời.
“Các đơn vị cần nâng cao chất lượng bản tin thị trường trong nước và xuất khẩu, gia tăng hàm lượng dự báo thị trường. Các Hiệp hội cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý để phân tích thông tin, dự báo thị trường theo định kỳ”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam lưu ý.
“Cây gia vị của Việt Nam đang có nhiều lợi thế để phát triển thị trường quốc tế. Thời gian tới, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam và các ngành hàng khác cần phối hợp với Tổ điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản 970 cũng như Báo Nông nghiệp Việt Nam để tổ chức các diễn đàn xúc tiến mặt hàng gia vị mà nhiều thị trường quốc tế đang có nhu cầu cao, điển hình như sản phẩm tiêu và hành tím”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam gợi mở.