| Hotline: 0983.970.780

Thủ đoạn chiếm đoạt tiền của các cựu lãnh đạo DAB

Thứ Năm 29/11/2018 , 06:01 (GMT+7)

Ngày 28/11, ngày thứ 2 phiên toà xét xử Phan Văn Anh Vũ, và 25 đồng phạm trong việc gây thiệt hại cho DAB hơn 3.608 tỷ đồng, bị cáo Trần Phương Bình (59 tuổi, cựu TGĐ ngân hàng Đông Á - DAB), thừa nhận gây thiệt hại hơn 3.600 tỷ cho DAB.

Cựu TGĐ Trần Phương Bình gây thiệt hại 3.568 tỷ đồng

Theo cáo trạng, năm 2007, nhằm tăng vốn điều lệ từ 880 tỉ lên 1.600 tỷ đồng, DAB phát hành cổ phần chào bán ra công chúng 2 đợt, lúc này ông Bình đã chỉ đạo Nguyễn Đức Vinh (cựu trưởng phòng ngân quỹ hội sở kiêm thủ quỹ của DAB) lập 8 bảng kê kiểm phiếu thu (không số) thu khống tổng số 374 tỷ đồng để mua 5.397.400 cổ phần. Cuối năm 2007 ông Bình chỉ đạo Vinh xuất quỹ chi 23.252 lượng vàng (không lập chứng từ) và phối hợp với phòng kinh doanh DAB bán cho các hiệu vàng tại TP.HCM lấy 374 tỷ đồng bù vào đúng số tiền âm quỹ do bán cổ phần cho người thân của mình. Ngoài ra, ông Bình còn chiếm đoạt số tiền 234 tỷ đồng trong việc mua 5,75 triệu cổ phần DAB do Công ty cổ phần quản lý Quỹ Lộc Việt sở hữu năm 2008. Theo đó, ông Bình nhờ Quỹ Lộc Việt mua hơn 5 triệu cổ phần DAB trị giá khoảng 300 tỷ đồng và cam kết sẽ mua lại số cổ phần này. Đến năm 2008, ông Bình mua lại số cổ phần trên với giá 327 tỷ đồng. Để có tiền mua số cổ phần của DAB, ông Bình chỉ đạo cấp dưới thu khống hơn 30 tỷ đồng, dùng 121 tỷ đồng tiền bán chung cư cao cấp Richland Hill để cho các Công ty Ninh Thịnh và Sao Việt Nam vay 197 tỷ đồng, thông qua hai công ty này trả tiền mua cổ phần cho Quỹ Lộc Việt.

17-14-41_nh_1
Các bị cáo tại toà ngày 18/11/2018 (bị cáo Nguyễn Hồng Ánh bìa trái, Trần Phương Bình thứ 3 từ trái qua và Nguyễn Thị Xuyến bìa phải).

Ngoài ra, ông Trần Phương Bình và Nguyễn Đức Vinh, Nguyễn Thị Kim Loan, Nguyễn Huỳnh Đăng liên quan trong việc kinh doanh ngoại hối với Ngân hàng UOB (Singapore, thiệt hại 336 tỷ đồng) và Ngân hàng Banca Adamas (Thụy Sĩ, thiệt hại hơn 48 tỷ đồng). Để trả số tiền cho 2 ngân hàng này, ông Bình dùng tiền của DAB gửi tại các tổ chức này để chi trả bằng cách chỉ đạo lập chứng từ khống bù quỹ âm, gây thiệt hại cho DAB 384 tỷ đồng.

Về số tiền 13,9 triệu USD

Cơ quan công tố xác định Trần Phương Bình đã chỉ đạo cấp dưới xuất quỹ chi sai nguyên tắc 497,8 tỷ đồng để mua 13,9 triệu USD chuyển cho Vũ "nhôm". Theo đó, Trần Phương Bình đã chỉ đạo Đỗ Thanh Hùng (nguyên Thủ quỹ Hội sở DAB) xuất quỹ chi 294 tỷ đồng để mua 13,9 triệu USD cho Bình. Sau khi mua được số USD trên, Bình chỉ đạo chuyển 13,4 triệu USD cho Vũ “nhôm”. 500.000 USD còn lại, Bình chuyển cho Nguyễn Thiện Nhân (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP vốn Thái Thịnh) để chi phí trong việc thuê tư vấn, tìm kiếm đối tác... Với hành vi này, ông Bình bị cáo buộc đã chiếm đoạt của DAB 284 tỷ đồng.

17-14-41_nh_2
Bị cáo Vũ “nhôm”.

Cáo trạng của VKSND TP.HCM xác định, trong việc mua 13,9 triệu USD nói trên, Trần Phương Bình đã chiếm đoạt 284 tỷ đồng của DAB và chiếm đoạt 10,7 tỷ đồng trong việc chuyển 500.000 USD cho Nguyễn Thiện Nhân. VKS cho rằng Vũ “nhôm” có trách nhiệm hoàn trả số tiền 13,4 triệu USD cho Trần Phương Bình để trả lại DAB. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiếp tục điều tra làm rõ việc Vũ nhận số tiền này, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì sẽ xử lý sau. Ngoài việc phải trả lại 13,4 triệu USD, Vũ ‘nhôm” còn có nghĩa vụ bồi thường hơn 203 tỷ đồng đã chiếm đoạt của DAB và hơn 90,5 tỷ còn nợ từ việc mua cổ phần. Riêng Nguyễn Thiện Nhân hiện không rõ đang ở đâu nên chưa làm rõ được ông này có nhận 500.000 USD từ Trần Phương Bình hay không. Cơ quan điều tra kiến nghị tách ra riêng để điều tra.

Liên quan đến hành vi trên, 3 bị cáo Nguyễn Đức Vinh, Đỗ Thanh Hùng (nguyên Thủ quỹ Hội sở DAB), Nguyễn Thị Kim Loan (nguyên Trưởng phòng kinh doanh Hội sở DAB) bị cáo buộc xuất quỹ chi sai nguyên tắc để mua 13,9 triệu USD cho Trần Phương Bình, gây thiệt hại cho DAB. Tuy nhiên, các bị cáo này không được hưởng lợi từ số tiền 13,9 tiệu USD này, nên bị buộc tội “Cố ý làm trái”.

Cựu Phó TGĐ Nguyễn Thị Kim Xuyến gây thiệt hại 1.500 tỷ đồng

Tại phiên toà, bị cáo Nguyễn Thị Kim Xuyến, cựu Phó TGĐ DAB bị quy kết phạm 2 tội: “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Cụ thể, bị cáo Xuyến đã sử dụng 2 công ty là Sao Việt Nam và Ninh Thịnh cùng 5 cá nhân lập hồ sơ rút 467 tỷ đồng của DAB cho Trần Phương Bình mua cổ phần của chính DAB. Sau đó, ông Bình chỉ đạo cấp dưới xuất quỹ chi hơn 475 tỷ đồng để tất toán các khoản vay, xuất quỹ chi sai nguyên tắc hơn 10 tỷ đồng. Bà Xuyến còn chiếm đoạt 40 tỷ đồng của DAB trong việc DAB cho một cá nhân vay 270 tỷ đồng. Cơ quan điều tra xác định bà Xuyến là đồng phạm với ông Bình chiếm đoạt 467 tỷ đồng của DAB. Ngoài ra, bà Xuyến còn bị cáo buộc tham gia chủ trương xuất khẩu và kinh doanh vàng trái phép, chi lãi suất ngoài sai nguyên tắc gây thiệt hại cho DAB hơn 1.000 tỷ đồng.

Cựu trung tá công an sai phạm thế nào?

Theo kết luận điều tra, bị cáo Nguyễn Hồng Ánh (cựu trung tá công an tại TP.HCM) có dấu hiệu phạm tội "Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Hồ sơ này cũng kết luận rằng cựu trung tá công an "không hợp tác làm việc, khai báo không thành khẩn" trong quá trình điều tra. Do đó, Cơ quan điều tra đề nghị "xử lý ngiêm trong quá trình truy tố, xét xử". Tuy nhiên, quá trình điều tra bổ sung, ông Ánh bất ngờ nhận tội.

Theo cáo trạng, ông Ánh có hành vi đề nghị ông Trần Phương Bình cho vay 2.000 lượng vàng để góp vốn hợp tác kinh doanh vào đầu năm 2008. Tài sản đảm bảo cho khoản vay này là một số bất động sản ở TP.HCM cùng 3.000 cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Gia Định. Ông Trần Phương Bình sau đó phê duyệt, chấp thuận cho ông Ánh vay 2.000 lượng vàng trong hạn 12 tháng. Khoảng 2 tuần sau, ông Ánh ký nhận nợ số vàng này. Khoảng 1 năm sau, ông Ánh trả nợ gốc là 2.000 lượng vàng cho DAB. Tuy nhiên, cả hai bên chỉ tất toán khống trên giấy tờ, đảo nợ thành khoản vay mới 2.000 lượng vàng tại DAB. Đầu năm 2010, ông Ánh trả 100 lượng vàng và được ngân hàng làm thủ tục tất toán trên giấy, đảo nợ cho ông Ánh thành khoản vay mới là 1.900 lượng vàng. Sau đó, ông Bình bàn bạc với ông Ánh thống nhất để ông này nộp 32 tỷ đồng để được tất toán khoản vay 1.900 lượng vàng (tương đương 53 tỷ đồng) tại Ngân hàng Đông Á. Cũng theo cáo trạng, ông Ánh đã thừa nhận hành vi ký chứng từ nộp khống 1.900 lượng vàng tại Ngân hàng Đông Á.

Xem thêm
Hái trộm nửa tấn cà phê của chủ, hai anh em bị bắt

Gia Lai Được thuê đến vườn hái cà phê, hai anh em Đức và Việt đã lợi dụng lòng tin của chủ vườn, hái trộm gần nửa tấn cà phê đem giấu bán, lấy tiền tiêu xài.

Giảm án cho bị cáo Nguyễn Cao Trí trong vụ án Vạn Thịnh Phát

Tòa phúc thẩm giảm án cho Nguyễn Cao Trí trong vụ Vạn Thịnh Phát, ghi nhận khắc phục hậu quả nhưng hành vi chiếm đoạt tài sản vẫn gây thiệt hại nghiêm trọng.