| Hotline: 0983.970.780

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan: 'Khi nhìn rừng đừng chỉ nhìn cây'

Thứ Tư 03/03/2021 , 18:08 (GMT+7)

Trong kinh tế có khái niệm “đường cong nụ cười”, giá trị sản xuất thô nằm ở đáy đường cong, giá trị cao nhất nằm ở sự trải nghiệm, với ngành lâm nghiệp cũng vậy.

Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tại buổi làm việc với Tổng cục Lâm nghiệp sáng 3/3.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tại buổi làm việc với Tổng cục Lâm nghiệp sáng 3/3. Ảnh: Minh Phúc.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tại buổi làm việc với Tổng cục Lâm nghiệp sáng 3/3. Ảnh: Minh Phúc.

Hệ sinh thái rừng phải là môi trường của muôn loài

Thứ trưởng Lê Minh Hoan kể câu chuyện ở một ngôi làng tại tỉnh Sơn La. Ban ngày, người dân đi làm rừng, tối về cả gia đình trở thành diễn viên trong Homestay (căn nhà có dịch vụ lưu trú) để du khách trải nghiệm. Người dân ở đó rất hạnh phúc bởi không chỉ thu nhập tăng lên mà họ còn được tiếp xúc với nhiều người từ phương xa thông minh.

Ông Hoan cho rằng, cần tạo ra một hệ sinh thái phát triển kinh tế rừng để tạo ra nhiều việc làm cho người dân nông thôn. Chúng ta không chỉ trồng cây lấy gỗ rồi bán thô, mà cần nâng giá trị gia tăng thông qua bảo quản, chế biến, marketting... và cao nhất là sự trải nghiệm.

Chúng ta đừng chỉ nhìn rừng ở những cái cây, mà còn biết bao tài nguyên dưới tán rừng như măng, quế, thảo dược và các loài động vật ở đó. Rừng bao hàm cả tài nguyên vô hình và tài nguyên hữu hình vì hệ sinh thái rừng phải là môi trường của muôn loài.

“Người ta hay tranh cãi rừng cao su có phải là rừng không? Cây cao su che phủ đất thì nó là rừng. Nhưng, rừng giàu phải là rừng đa tầng, có cây cao, cây thấp, thậm chí có cây tầm gửi, cây nọ đan xen cây kia”, ông nói.

Thứ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, sau trận lũ lụt lịch sử tại miền Trung trong năm 2020, nhiều đại biểu Quốc hội và cơ quan thông tấn, báo chí đặt vấn đề về trữ lượng rừng, chất lượng rừng của Việt Nam ra sao? Có tình trạng khai thác rừng hay không?

Nhiều đại biểu cho rằng không nên đánh đổi môi trường (trong đó có môi trường rừng) để phát triển kinh tế - xã hội bằng mọi giá. Bởi vậy, trong số 42% diện tích che phủ rừng của cả nước, chúng ta cần làm rõ bức tranh có bao nhiêu rừng tự nhiên, bao nhiêu rừng đặc dụng, bao nhiêu rừng phòng hộ, bao nhiêu rừng sản xuất, từ đó có từng giải pháp để nâng chất lượng rừng. Phải điều tra thật kỹ lưỡng, chính xác và trung thực để có cái nhìn tổng thể về vấn đề này.

“Nếu đi lên biên giới giữa Lào Cai (Việt Nam) và Trung Quốc, nhìn qua phía bên nước bạn sẽ thấy rõ sự đối lập. Một bên là bạt ngàn màu xanh, một bên là đất đá chai sạn. Vì sao Trung Quốc là quốc gia phát triển rất nhanh về lâm nghiệp? Bởi vì họ có cả một chiến lược của Bộ Chính trị, rồi có nhiều chính sách để phát triển rừng”, ông Hoan chia sẻ.

Bây giờ, ở nhiều nơi không trồng rừng theo kiểu thẳng hàng ngay lối nữa, họ dành những khoảng trống để các loài cây bản địa lấp chỗ trống đó một cách tự nhiên, tạo ra sự đa dạng sinh học hơn. Đồng thời, khi xảy ra cháy rừng thì sẽ có khoảng trống để cắt sự lây lan của lửa. Còn nếu trồng rừng theo kiểu nhân tạo, trồng mật độ cao thì sẽ không tạo ra đa dạng sinh học.

Ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết: Độ che phủ rừng của Việt Nam hiện nay là 42%, còn bình quân thế giới chỉ 31%. Nhưng nhìn vào hai con số này, chúng ta cần lưu ý: Thứ nhất, diện tích rừng bình quân của chúng ta thấp hơn bình quân thế giới 7 lần và trữ lượng cũng thấp hơn bình quân của thế giới 7,5 lần.  

Quang cảnh cuộc họp giữa Thứ trưởng Lê Minh Hoan cùng các đơn vị của Bộ NN-PTNT. Ảnh: Minh Phúc.

Quang cảnh cuộc họp giữa Thứ trưởng Lê Minh Hoan cùng các đơn vị của Bộ NN-PTNT. Ảnh: Minh Phúc.

Như vậy, giai đoạn tới, chúng ta phải giữ nguyên độ che phủ rừng 42% và tăng chất lượng rừng. Mà tăng chất lượng rừng thực chất là tăng trữ lượng các bon, từ đó tạo ra nguồn tài chính mới trong ngành lâm nghiệp nhờ bán tín chỉ các bon.

Ông Điển cũng cho rằng, cần phải tiến tới quản lý rừng bằng việc ứng dụng khoa học công nghệ 4.0, bởi vì địa bàn quản lý rừng rất rộng lớn, bởi với 14,5 triệu ha rừng tự nhiên và rừng trồng, hàng triệu lô và 1,4 triệu hộ gia đình, việc cập nhật biến động diện tích rừng rất nhiều khó khăn, bất cập, không có công nghệ không thể quản lý được.

Sẽ thanh tra công bố hiện trạng rừng của địa phương

Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam cho biết, những năm 1990 - 1996, chúng ta chủ yếu khai thác rừng tự nhiên, thậm chí đây là một trong những chỉ tiêu trong Pháp lệnh. Chính vì vậy, có thời điểm diện tích rừng tự nhiên giảm xuống chỉ còn 9 triệu ha.

Sau này, rừng tự nhiên phục hồi chủ yếu là khoanh nuôi tái sinh, rừng tự phát triển. Hiện nay, rừng tự nhiên đang bị tác động bởi nhiều nguyên nhân. Đối với người dân sống gần rừng, mặc dù chúng ta thống kê được nhiều vụ việc, nhưng tác động của nhóm đối tượng này không lớn, không gây biến động nhiều về diện tích và độ che phủ rừng.

Ông Nguyễn Quốc Trị - Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết: Tổng cục Lâm nghiệp sẽ đưa vào công tác thanh tra, kiểm tra trước khi công bố hiện trạng rừng của các năm. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Nguyễn Quốc Trị - Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết: Tổng cục Lâm nghiệp sẽ đưa vào công tác thanh tra, kiểm tra trước khi công bố hiện trạng rừng của các năm. Ảnh: Minh Phúc.

Tác động lớn nhất đối với rừng tự nhiên nằm ở quy hoạch. Quy hoạch của lĩnh vực lâm nghiệp thường xuyên bị thay đổi, nhất là ở các địa phương. Bởi vì quỹ đất nhiều khi chỉ trông chờ vào đất rừng tự nhiên. Hiện trên toàn quốc có 492 thủy điện. Trước năm 2016 hầu như các thủy điện này được Bộ Công thương quy hoạch, địa phương cho phép chuyển đổi đất rừng sang mục đích khác theo thẩm quyền.

Nhưng từ năm 2017, Tổng cục Lâm nghiệp đã tham mưu cho Bộ NN-PTNT để trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 13, theo đó, 1m2 đất rừng tự nhiên cũng phải trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến.

“Từ năm 2017 đến nay, Bộ NN-PTNT đã nhận được trên 3.500 dự án mà các địa phương đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Trong đó, Bộ NN-PTNT đã tham mưu chỉ chuyển rất ít các dự án (chỉ hơn 1%) và chủ yếu là các dự án đã đầu tư mà phải dừng lại theo Chỉ thị 13 của Ban Bí thư, chứ làm mới là không có”, ông Nguyễn Quốc Trị nói.

Bên cạnh đó, Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cũng cho rằng, quy hoạch giao thông cũng là nhân tố ảnh hưởng lớn đến sạt lở ở một số nơi. Vì đường giao thông trước đây thường đi theo chân đồi, nhưng bây giờ thường cắt lưng đồi để đi thẳng. Ngoài ra, còn một số yếu tố khác như Quy hoạch xây dựng công trình thủy lợi và các công trình khác.

Ông Nguyễn Quốc Trị cũng cho biết, theo quy định pháp luật hiện hành, rừng của các địa phương do địa phương quản lý. Khi để xảy ra cháy rừng, phá rừng Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm. Còn đối với công tác thống kê rừng, công bố hiện trạng rừng hàng năm, trách nhiệm cũng thuộc về các địa phương, Bộ NN-PTNT trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các địa phương để công bố toàn quốc.

Như vậy, nếu xảy ra tình trạng công bố hiện trạng rừng không đúng, không chính xác thuộc trách nhiệm của các địa phương. Trước ý kiến của Thứ trưởng Lê Minh Hoan, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ đưa vào công tác thanh tra, kiểm tra trước khi công bố hiện trạng rừng các năm.

Xem thêm
Ông Nguyễn Đình Việt giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La

SƠN LA Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nước, nguồn sống và nỗi lo: Khi ngập úng 'kéo lên' đô thị vùng cao

Sơn La Tình trạng ngập úng kéo dài không chỉ gây xáo trộn cuộc sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của người dân tại TP Sơn La.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.