| Hotline: 0983.970.780

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh: Hạn chế tối đa việc phát triển nóng cây cam

Thứ Ba 23/11/2021 , 16:38 (GMT+7)

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng cần hạn chế tối đa tình trạng gia tăng diện tích, phát triển nóng cây cam, nhất là tại các vùng không phù hợp.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phát biểu tại Hội nghị tại điểm cầu Bộ NN-PTNT. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phát biểu tại Hội nghị tại điểm cầu Bộ NN-PTNT. Ảnh: Phạm Hiếu.

Tiêu thụ 14.000 tấn cam Hà Tĩnh qua nhiều kênh phân phối

Ngày 23/11, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức Hội nghị trực tuyến “Quảng bá thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ cam Hà Tĩnh”.

Theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, cam là một trong 15 cây trồng chủ lực của ngành nông nghiệp địa phương. Mùa thu hoạch cam kéo dài từ tháng 10 đến tháng 2 dương lịch hàng năm với 2 loại chính: Cam Bù là sản phẩm đặc sản, đặc hữu riêng có của Hà Tĩnh, tập trung chủ yếu tại huyện Hương Sơn; Cam Chanh có nguồn gốc từ giống cam Xã Đoài thơm ngon, nổi tiếng, được đưa vào sản xuất trên địa bàn Hà Tĩnh hàng chục năm nay, tập trung tại các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Can Lộc và một số địa phương khác.

Nhờ khả năng thích ứng, phù hợp và được sự cộng hưởng của điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đặc thù của Hà Tĩnh, đồng thời được người dân đầu tư, áp dụng quy trình sản xuất thâm canh, đảm bảo kỹ thuật, an toàn thực phẩm nên các sản phẩm cam Hà Tĩnh có mùi thơm đặc trưng, vị ngọt đậm, đặc biệt hơn các vùng khác.

Cam là một trong 15 cây trồng chủ lực của ngành nông nghiệp tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Đức Hùng/VnExpress.

Cam là một trong 15 cây trồng chủ lực của ngành nông nghiệp tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Đức Hùng/VnExpress.

Trong thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai đồng bộ các cơ chế chính sách, chú trọng áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ nhằm mở rộng diện tích, tăng năng suất, chất lượng cây trồng. Đồng thời xác định chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là một trong những bước đi quan trọng nhằm gia tăng giá trị trong sản xuất nông nghiệp.

Tỉnh cũng đã chỉ đạo xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc cây cam Hà Tĩnh tại địa chỉ https://camhatinh.gov.vn để minh bạch thông tin đến người tiêu dùng. Hiện nay, hệ thống đã kết nối với trên 1.611 hộ dân và 278 hợp tác xã/tổ hợp tác trồng cam trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo Sở Công thương phối hợp với Bộ Công Thương kết nối tiêu thụ cam Hà Tĩnh tại hệ thống phân phối, bán lẻ lớn như chuỗi siêu thị Vinmart và Vinmart+ của Tập đoàn Masan, siêu thị Co.opmart, siêu thị Big C; xây dựng gian hàng cam Hà Tĩnh trên các sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam như Voso, Postmart, Sendo, Shopee và sàn thương mại điện tử của tỉnh.

Đồng thời, tỉnh đã tổ chức nhiều hình thức xúc tiến quảng bá, kết nối với các doanh nghiệp đầu mối để đưa sản phẩm cam Hà Tĩnh đến với người tiêu dùng trong nước. Đến nay, sản lượng cam được tiêu thụ đã đạt 13.000 - 14.000 tấn, bước đầu thâm nhập vào hệ thống phân phối hiện đại như Vinmart, Co.opmart, sàn thương mại điện tử.

Hà Tĩnh là tỉnh sản xuất cam lớn nhất của vùng Bắc Trung bộ và đứng thứ 5 trong số các địa phương trồng cam chủ lực của cả nước. Hiện nay, tổng diện tích trồng cam trên địa bàn toàn tỉnh đạt trên 7.900ha, tập trung chủ yếu tại 4 huyện Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, Can Lộc; diện tích cho sản phẩm đạt gần 5.600ha. Trong đó diện tích đạt tiêu chuẩn VietGAP trên 1.657ha, năng suất đạt trên 11,7 tấn/ha, tổng sản lượng cam năm 2021 ước đạt trên 65.000 tấn.

Hạn chế tối đa phát triển nóng cây cam

“Phát huy lợi thế điều kiện đất đai, khí hậu; cùng với sự cần cù, sáng tạo và kinh nghiệm lâu năm của người nông dân trồng cam; sự quan tâm ứng dụng rộng rãi tiến bộ kỹ thuật trong canh tác như thiết kế nương đồi, sử dụng giống sạch bệnh, áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt, truy xuất nguồn gốc, duy trì và cải thiện chất lượng, an toàn thực phẩm, Hà Tĩnh đã xây dựng được các vùng trồng cam tập trung, tạo ra những vườn cam trĩu quả, những trái cam màu sắc hấp dẫn, hương thơm vị ngọt đậm đà, đã và đang tạo nên sự khác biệt về mẫu mã, chất lượng và danh tiếng cho cam Hà Tĩnh”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh nhận định tại Hội nghị.

Theo lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Hội nghị là cơ hội để kết nối tiêu thụ sản phẩm cây có múi và nông đặc sản của Hà Tĩnh đến với người tiêu dùng cả nước và hướng tới xuất khẩu.

Tổng sản lượng cam năm 2021 tại Hà Tĩnh ước đạt trên 65.000 tấn. Ảnh: Đức Hùng/VnExpress.

Tổng sản lượng cam năm 2021 tại Hà Tĩnh ước đạt trên 65.000 tấn. Ảnh: Đức Hùng/VnExpress.

Để đảm bảo vụ cam 2021 thắng lợi và phát triển sản xuất cam hiệu quả, bền vững trong thời gian tới, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị tỉnh Hà Tĩnh nói riêng và các tỉnh trồng cam lớn khác nói chung, tập trung quan tâm đến 5 vấn đề lớn.

Thứ nhất, tập trung thâm canh, cải thiện năng suất, nâng cao chất lượng, mở rộng áp dụng quy trình VietGAP, nông nghiệp hữu cơ và truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm. Kịp thời tổng kết những kết quả nghiên cứu khoa học và thực tiễn, kinh nghiệm quý của nông dân trồng cam để phổ biến nhân rộng.

Thứ hai, hạn chế tối đa tình trạng gia tăng diện tích, phát triển nóng cây cam, nhất là tại các vùng không phù hợp. Tiếp tục rà soát các vùng sản xuất cam hàng hóa theo định hướng phát triển tập trung, tại các vùng có điều kiện đầu tư thâm canh, gắn với phát triển chế biến, đa dạng hóa sản phẩm và nhu cầu thị trường tiêu thụ.

Thứ ba, chú trọng bình tuyển, phục tráng, sản xuất giống sạch bệnh phục vụ trồng mới và tái canh; đồng thời nâng cao tỷ lệ sử dụng giống mới, đặc biệt là các giống cam chất lượng tốt, ít hạt hoặc không hạt. Xây dựng cơ cấu giống rải vụ thu hoạch bao gồm giống chín sớm, chính vụ và chín muộn thuận lợi cho thu hái tiêu thụ tươi và nguyên liệu cho công nghiệp chế biến;

Thứ tư, đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ; tuyên truyền vận động nông dân tự nguyện tham gia các hình thức hợp tác liên kết sản xuất, liên với doanh nghiệp tiêu thụ theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh các liên kết địa phương, liên kết vùng, miền trong sản xuất rải vụ thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu liên kết với người sản xuất, đầu tư dây chuyền công nghệ tiên tiến trong chế biến, bảo quản nhằm gia tăng giá trị sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu.

Thứ năm, các địa phương cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ xây dựng thương hiệu, đăng ký chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng, chủ động và chú trọng công tác phát triển thị trường nội địa, đặc biệt là các vùng đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ du lịch; từng bước xúc tiến thương mại tại một số thị trường xuất khẩu có tiềm năng.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng cần hạn chế tối đa tình trạng gia tăng diện tích, phát triển nóng cây cam. Ảnh: Đức Hùng/VnExpress.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng cần hạn chế tối đa tình trạng gia tăng diện tích, phát triển nóng cây cam. Ảnh: Đức Hùng/VnExpress.

“Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, các tỉnh cần quan tâm xây dựng các phương án sản xuất, tiêu thụ phù hợp; tăng cường kết nối với các tập đoàn, doanh nghiệp phân phối, siêu thị và các chợ đầu mối nông sản lớn, sàn thương mại điện tử… đảm bảo tiêu thụ sản phẩm, với giá trị và hiệu quả cao nhất”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.

“Bộ NN-PTNT xác định cam thuộc nhóm các cây ăn quả chủ lực trồng tập trung có giá trị cao, do đó cần tiếp tục được ưu tiên đầu tư phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khoanh vùng thiếu nước để ngừng sản xuất nông nghiệp

Công ty Thủy lợi Khánh Hòa khuyến cáo người dân không tự ý sản xuất đối với diện tích đã khoanh vùng tạm dừng sản xuất, nhằm tránh thiệt hại do không có nước tưới.

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.